“Úm” con quá kỹ

18/11/2011 15:51 GMT+7

Ngày nay các gia đình thường ít con, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng bảo bọc con trong vòng tay mình càng nhiều càng tốt với hy vọng điều này sẽ giúp con an toàn.

Ngày nay các gia đình thường ít con, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng bảo bọc con trong vòng tay mình càng nhiều càng tốt với hy vọng điều này sẽ giúp con an toàn.   

Sợ con bị lây vi trùng

Gần đến ngày hết hạn đăng ký đi dã ngoại, bé Mai (học sinh lớp 3 tại TP.HCM) sốt ruột chờ câu trả lời từ ba mẹ. Trong khi đó, ba mẹ bé cũng rối bời không kém.

Chị Thùy, mẹ bé Mai phân trần: “Vợ chồng tôi rất muốn cho con vui chơi cùng bạn bè. Ngặt nỗi, điểm sinh hoạt là một công viên nước. Nhà trường hứa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ nhưng lỡ giáo viên không quản hết, để xảy ra sự cố gì và sự cố đó rơi trúng con mình thì sao?”. Theo chị Thùy, gần đây có vụ một đứa bé mắc chứng tự kỷ khi sinh hoạt tại công viên nước nói trên đã đi lạc và bị chết đuối, càng khiến chị thêm phần âu lo.

Một chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết, tuần rồi một khách hàng nam bày tỏ lo lắng trước ngày đứa con trai 22 tuổi của họ đi du học. Theo khách hàng này, gia đình ông chỉ có đứa con trai duy nhất nên luôn cưng con như trứng mỏng. Ngoài việc học, đứa con hầu như không biết làm việc gì. Hiếm khi nào ông cho con ra ngoài sinh hoạt cùng bạn bè. Chính vì vậy, cả gia đình ông lo sốt vó khi nghĩ đến cảnh đứa con phải tự lập từ A tới Z ở xứ người.

Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ Cha mẹ học sinh diễn ra vào cuối tháng 10.2011 tại Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM), một bà mẹ thổ lộ: “Vợ chồng tôi lập gia đình khá muộn. Chúng tôi chỉ có một đứa con trai, nay cháu được 9 tuổi và học lớp 3. Từ nhỏ đến giờ, cháu ít tiếp xúc ngoài xã hội. Tôi khuyến khích sự độc lập của con, muốn con ra ngoài hoạt động nhiều. Thế nhưng, chồng tôi lại ngăn cản không cho cháu sinh hoạt tập thể. Anh ấy sợ con ra ngoài nhiều sẽ bị lây vi trùng, sợ bị viêm a mi đan...”.

Những hệ lụy nguy hiểm

Câu chuyện nói trên của phụ huynh Trường THCS Minh Đức được GS-TS Trần Văn Khê chia sẻ: “Hồi mới sang Pháp ở với tôi, đứa con gái tên là Thủy Ngọc cứ bám riết tôi, không thích đi đâu và không thích chơi với ai. Năm Ngọc 20 tuổi, tôi sắp xếp để con mình đi cắm trại nhưng Ngọc nói không quen, không chịu được kỷ luật, chỉ muốn ở một mình. Tôi xin trưởng trại cho con tôi một cái lều riêng và đề nghị ban đầu đừng bắt nó làm gì hết. Bù lại, con gái tôi sẽ đàn cho các bạn nó nghe. Nó đàn hay, được bạn bè khen nên thấy thích. Sau kỳ đó, con tôi vui hẳn lên và những năm sau, nó tiếp tục đi cắm trại”. GS-TS Khê nhớ lại: “Lần đầu đưa con đi cắm trại rồi trở ra, tôi rất lo. Nhìn trong kiếng chiếu hậu, tôi thấy con mình mếu máo. Nếu lúc đó, tôi cầm lòng không đặng, bảo con thôi về với ba thì mãi mãi nó sẽ không thay đổi. Mình phải có thái độ cương quyết để tập cho con thái độ tự chủ, hiểu và giúp con đi từ sự nhút nhát đến việc biết giao lưu với người khác”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ tại TP.HCM và là mẹ của hai đứa con - khẳng định: “Chủ trương của vợ chồng tôi là tạo điều kiện cho con sinh hoạt bên ngoài. Bởi vì, nếu “úm” con quá kỹ, tức là bảo bọc con một cách thái quá, sẽ dễ để lại những hệ lụy nguy hiểm”. Bà Thúy phân tích, đứa bé thường xuyên bị “úm” sẽ rất khó hòa nhập, không biết xử trí những sự cố bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Một khi trẻ không thích nghi được sẽ cảm thấy bị tẩy chay, càng lúc càng bức bối vì không biết chia sẻ cùng ai… “Nếu phụ huynh cảm thấy không an toàn cho trẻ thì nên đăng ký theo cùng. Đi như vậy không phải là làm thám tử tư, thay vào đó là đóng vai như một bảo mẫu tự nguyện - không chỉ chăm sóc cho riêng con mình mà còn phụ nhà trường coi ngó những cháu khác” - bà Thúy nói.

Theo những người có kinh nghiệm, trước khi cho con tham gia nhiều hoạt động bên ngoài, phụ huynh cần khuyến khích trẻ học bơi và trang bị những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể tự phòng vệ, tự giữ gìn sức khỏe và an toàn cho mình.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.