UBND cấp tỉnh chưa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/11/2019 08:02 GMT+7

Luật Giáo dục (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1.7.2020, trong đó có quy định giao UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, để kịp tiến độ “thay sách” lớp 1 theo đúng quy định, sách giáo khoa lớp 1 mới sẽ do cơ sở giáo dục lựa chọn theo quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Không kịp chờ hiệu lực của luật

Cuối ngày 26.11, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết sáng 26.11, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 11, cho ý kiến về báo cáo ngày 21.11.2019 của Chính phủ về việc cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, điều 32 của luật Giáo dục (sửa đổi) từ 1.1.2020. Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết 88, luật Giáo dục (sửa đổi), thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT theo thẩm quyền soạn thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông và đang thực hiện lấy ý kiến các địa phương và nhà khoa học, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 tới. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư, Chính phủ thấy rằng, nếu thông tư thực hiện theo quy định của Nghị quyết 88 thì “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh” và có hiệu lực thi hành trước 1.7.2020. Sau 1.7.2020, luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, thì “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn” (điểm c, khoản 1, điều 32).

Đánh giá thi cử là theo chương trình chứ không phải SGK

Ông Thành cũng nhấn mạnh khi có nhiều SGK thì việc đánh giá thi cử sẽ bám sát theo mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình, chứ không theo bất cứ một SGK nào, để đảm bảo nếu học sinh chuyển trường hoặc vì một lý do nào đó không được học liên tục một bộ hoặc một cuốn SGK vẫn không ảnh hưởng gì đến khả năng tiếp nhận và kết quả học tập của các em.
Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới để áp dụng cho năm học 2020 - 2021 phải được tổ chức thực hiện từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 3.2020, để các nhà xuất bản có SGK được chọn tổ chức in ấn, phát hành, tập huấn cho giáo viên sử dụng, kịp thời phục vụ cho khai giảng năm học vào tháng 9.2020. Vì vậy, để việc tổ chức lựa chọn SGK được ổn định, thống nhất, bảo đảm thời gian cần thiết để các địa phương triển khai thực hiện, Chính phủ đề xuất cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, điều 32 của luật Giáo dục (sửa đổi) từ 1.1.2020.
Theo ông Thành, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ việc cần có thời gian để lựa chọn SGK, chuẩn bị in ấn, phát hành, phục vụ tập huấn giáo viên... để triển khai SGK lớp 1 trong năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, xét về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong quy định pháp luật, đề xuất của Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện điểm c, khoản 1, điều 32 của luật chưa phù hợp với hiệu lực thi hành của luật Giáo dục (sửa đổi), từ 1.7.2020. Để có thể thực hiện như đề xuất của Chính phủ thì nội dung này phải được quy định rõ trong điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp của luật Giáo dục (sửa đổi), hoặc quy định bằng một nghị quyết của Quốc hội ban hành kèm theo luật để hướng dẫn. Tại thời điểm này, các điều kiện trên không thực hiện được.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tuân thủ Nghị quyết 88, Nghị quyết 51, luật Giáo dục (sửa đổi), luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước mắt, Bộ GD-ĐT chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK lớp 1 mới theo quy định trong Nghị quyết 88, bảo đảm trình tự và tôn trọng quyết định của cơ sở giáo dục, làm tiền đề cho việc thực hiện luật của năm học sau, bảo đảm tính ổn định và tránh lãng phí...

Cấp nào lựa chọn cũng không được gây xáo trộn việc dạy học

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết mặc dù việc chọn SGK lớp 1 năm học tới sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, nhưng Bộ GD-ĐT không bị động vì Bộ vẫn xây dựng song song cả hai dự thảo thông tư quy định chọn SGK, một dự thảo thực hiện theo Nghị quyết 88, một dự thảo thực hiện theo luật Giáo dục (sửa đổi). Do vậy, việc công bố dự thảo thông tư quy định chọn SGK lớp 1 để xin ý kiến góp ý vẫn theo đúng tiến độ đề ra, để kịp cho việc chuẩn bị “thay sách” từ năm học 2020 - 2021. Chỉ có điều, thông tư này khi ban hành sẽ chỉ có hiệu lực từ 1.1.2020 đến hết tháng 6.2020. Từ 1.7.2020, luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì việc chọn SGK khi ấy sẽ giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm và Bộ sẽ ban hành một thông tư mới căn cứ theo quy định này của luật Giáo dục.
Khi thực hiện theo quy định của Nghị quyết 88 thì “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh”. Do vậy, theo ông Thành, hội đồng lựa chọn SGK sẽ do cấp cơ sở giáo dục quyết định. Chủ tịch hội đồng sẽ là người đứng đầu của cơ sở giáo dục, các thành viên còn lại sẽ bao gồm hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên của các bộ môn...
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc khi các cơ sở giáo dục có quyền chọn SGK lớp 1 thì trong cùng một quận/huyện, mỗi trường tiểu học sẽ chọn những SGK khác nhau để dạy học được không, ông Thành khẳng định: “Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, tùy theo thực tế lựa chọn SGK của mỗi nhà trường”. Tuy nhiên, dù giao cho các nhà trường chọn SGK, nhưng phòng GD-ĐT và sở GD-ĐT các địa phương vẫn có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo, tổng hợp số lượng, loại SGK được chọn, vừa để thực thi trách nhiệm quản lý, vừa để thông tin tới các đơn vị xuất bản để họ chủ động trong kế hoạch in ấn, phát hành sách theo đúng nhu cầu và kịp tiến độ năm học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.