Tỷ lệ sinh viên có việc làm của Trường đại học Ngoại thương là 98%

Quý Hiên
Quý Hiên
06/11/2019 20:52 GMT+7

Theo Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, trường này đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thuộc diện cao nhất, 98%. Để có được con số ấn tượng này, việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo là rất quan trọng.

Hôm nay, 6.11, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên khai mạc hội thảo quốc tế châu Á lần 2019 của Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực quốc tế (AHRD). Đây là một hội thảo thường niên của AHRD, một trong những tổ chức quốc tế có uy tín nhất về phát triển nguồn nhân lực một cách có hệ thống với tầm nhìn “dẫn dắt phát triển nguồn nhân lực thông qua nghiên cứu”. Hội thảo năm nay là lần thứ 18, nhưng là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (do Trường đại học Ngoại thương đăng cai).
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề nhà trường hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đặt vấn đề: “Trường đại học phải thay đổi, từ đào tạo những gì trường có khả năng sang đào tạo những gì thị trường lao động cần; từ việc đào tạo để cung cấp cho thị trường sang việc phải cùng hợp tác với doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả lao động hiệu quả hơn”.
Bà Phụng cũng cho biết, hàng năm Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường báo cáo tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau 12 tháng tốt nghiệp. Tỷ lệ này được dùng đề đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường, làm căn cứ để yêu cầu các trường tăng hay giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Trường có tỷ lệ việc làm cao thì chỉ tiêu tuyển sinh cao, tỷ lệ việc làm thấp thì chỉ tiêu thấp.
Ủng hộ quan điểm trên, PGS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho biết, trường mình là một trong những trường đại học có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất trong cả nước, khoảng 98%. Sở dĩ đạt được tỷ lệ này, một trong những giải pháp mà trường thúc đẩy nhiều năm qua là phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo.
Chẳng hạn, trường đã đưa vào một số mô hình mà theo đó ngay từ năm thứ nhất sinh viên đã được phân tích, mổ xẻ để giải quyết từng vấn đề cụ thể của một doanh nghiệp nào đó. “Trường phải thay đổi chuẩn đầu ra, dựa vào yêu cầu của thị trường lao động. Từ đó thiết kế lại chương trình đào tạo cho phù hợp. Giữa đào tạo và thực thế nhu cầu lao động trên thị trường luôn luôn có khoảng cách. Vì thế mà trường có chương trình đào tạo cùng doanh nghiệp để khỏa lấp khoảng cách đó”, PGS Bùi Anh Tuấn nói.
TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel cũng đưa ra một nhận xét thú vị mà ông cho là "rất tích cực".
“Các doanh nghiệp thì đang cố gắng để trở thành các tổ chức học tập để bù đắp các kiến thức thiếu hụt, đồng thời phát triển, ứng dụng các tri thức trong doanh nghiệp, lấy đó làm cơ sở để tạo dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong khi đó, các trường đại học lại đang nỗ lực đưa “hơi thở” của doanh nghiệp đến gần hơn với các bài giảng, những bài phân tích nghiên cứu khoa học, để nâng cao tính thực tiễn cho các chương trình đào tạo, mang những lý thuyết khoa học trong nhà trường được song hành, hòa quyện cùng với “màu sắc” doanh nghiệp”, TS Tuyến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.