Tỷ lệ học CĐ và trung cấp tăng nhưng vẫn thấp trong tổng số lượng học nghề

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
17/07/2020 17:10 GMT+7

Số lượng người học CĐ và trung cấp tăng trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ vẫn thấp so với tổng số chỉ tiêu học nghề, một số lĩnh vực ngành nghề tuyển sinh còn nhiều khó khăn.

Đó là nhận định của lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong Hội nghị Giao ban nghiệp vụ về GDNN với các địa phương, cơ sở năm 2020 được tổ chức tại TP.HCM sáng nay 17.7.
Theo số liệu của Tổng cục GDNN, trung bình mỗi năm cả nước tuyển sinh được trên 2 triệu người vào học nghề, trong đó, bậc CĐ, trung cấp chiếm từ 20-25%, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác chiếm 75% tổng tuyển sinh. “Tỷ lệ tuyển mới trình độ CĐ, trung cấp tăng qua các năm nhưng vẫn thấp so với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh. Một số lĩnh vực ngành, nghề tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những ngành nghề nặng nhọc, độc hại và ngành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao đòi hỏi cao về năng khiếu”, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN, nhìn nhận.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kết quả tuyển sinh của các địa phương trên cả nước chỉ đạt 57% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 21% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó, trung cấp và CĐ chỉ đạt 30% (24.300 người) so với cùng kỳ năm 2019 (81.500 người) và 5% so với kế hoạch năm 2020. Tại nhiều địa phương các cơ sở GDNN chủ yếu tuyển sinh được ở trình độ sơ cấp.
Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: “Tại địa phương chúng tôi, số lượng học CĐ, trung cấp thấp, hằng năm đạt khoảng 50% chỉ tiêu đề ra, trong khi sơ cấp luôn chiếm đa số. Để cải thiện tình hình, chúng tôi phối hợp với UBND các huyện và mời các trường nghề trên địa bàn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp tại các huyện. Tuyên truyền về phân luồng, hướng nghiệp cho hội Liên hiệp phụ nữ, hội nông dân… để nâng cao nhận thức của phụ huynh về đào tạo nghề. Hằng năm chúng tôi cùng đưa học sinh các trường THCS, THPT tham quan các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Ông Huỳnh Việt Triều nêu ý kiến tại hội nghị

MỸ QUYÊN

Nhờ các hoạt động trên, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng mạnh. Theo đó, năm 2019 kinh phí cấp cho đối tượng này lên tới 20 tỉ đồng.
Ông Dương Quang Ngọc, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh, chia sẻ hằng năm tỉnh cũng tuyển được 15% chỉ tiêu trung cấp, CĐ và sơ cấp là 85%. Ông Ngọc nhận định: “Việc liên kết với doanh nghiệp vẫn khó khăn do có sự khác biệt về phương pháp đào tạo giữa 2 bên. Theo đó, doanh nghiệp thì đào tạo theo vị trí việc làm, cầm tay chỉ việc ngay trong dây chuyền sản xuất còn trường nghề thì đào tạo kỹ năng cơ bản chứ không đi sâu vào một vị trí công việc cụ thể”.
Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ phó Vụ Đào tạo thường xuyên , Tổng cục GDNN, tuyển sinh và đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng thuận lợi hơn do nhu cầu học nghề nhanh để ra đi làm của thanh niên là rất lớn. “Từ năm 2016-2019 có 4,9 triệu thanh niên nông thôn được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn này. Trong đó trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 2,85 triệu, chủ yếu học nghề về nông nghiệp (36%). Tỷ lệ thanh niên nông thôn có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016-2019 là 81%”, ông Độ thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.