Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Học sinh hào hứng với đề thi văn

Bích Thanh
Bích Thanh
16/07/2020 11:29 GMT+7

Đề thi hay, gợi mở để học sinh thể hiện sự sáng tạo... là những nhận xét của giáo viên về đề thi môn văn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 TP.HCM.

Học sinh hứng thú, giám khảo không nhàm chán

Nói về đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 TP.HCM, cô Huỳnh Lê Ý Nhi, giáo viên Trường THCS Đồng Khởi (quận Tân Phú, TP.HCM), hào hứng đề thi hay, ý nghĩa với một chủ đề mang hơi thở của cuộc sống.

Ở câu 1, với một văn bản ngoài SGK có nội dung về dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cả thế giới, bên cạnh việc kiểm tra kiến thức của học sinh, đề thi còn làm nổi bật tình yêu thương, tính nhân văn của mỗi học sinh khi làm bài. Qua đó các em cần thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, không chỉ với mối quan hệ giữa người với người, mà còn là mối quan hệ với môi trường…

Câu nghị luận xã hội với cách ra đề không lạ nhưng không phải là dễ mà vẫn có độ phân hóa. Điều này thể hiện qua việc cách đặt vấn đề gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện năng lực bản thân, thể hiện kỹ năng viết nghị luận.

Và câu nghị luận văn học, với 3 tác phẩm gợi ý, thí sinh sẽ có cảm giác nhẹ nhàng, được lựa chọn theo sở thích của mình thay cho việc phải thao tác với một tác phẩm bắt buộc. Nội dung và yêu cầu của câu hỏi này cùng hướng học sinh đến giá trị gia đình, sống có ích, có tính giáo dục nhưng không truyền thống mà có tính thời đại.

Cô Ý Nhi cho rằng với đề thi này, học sinh sẽ thích thú vì được viết theo sở thích, suy nghĩ của cá nhân, và giám khảo chấm thi cũng không nhàm chán khi đề chỉ ra một tác phẩm.

Chắc chắn sau buổi thi môn ngữ văn, thí sinh sẽ có tâm lý nhẹ nhàng để bước vào môn ngoại ngữ buổi chiều.

Những câu hỏi sáng tạo, mang hơi thở cuộc sống

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), nhận xét đề văn lớp 10 năm nay không khó, gần gũi, vừa sức học sinh. Lần đầu tiên đề thi được xây dựng dựa trên một chủ đề thống nhất “lắng nghe”. Đề thi sáng tạo, không đi theo hình thức cũ, giúp học sinh có tư duy mạch lạc, xuyên suốt quá trình làm bài.
Đề thi chú trọng kỹ năng và trải nghiệm văn học, trải nghiệm cuộc sống. Ưu điểm lớn nhất là đề tôn trọng cái nhìn của học sinh (tránh áp đặt, tránh học tủ, tránh văn mẫu)
Bàn riêng từng câu, thầy Kim Bảo cho biết câu 1 rất đơn giản, học sinh trung bình có thể làm tốt vì nội dung gần gũi, quen thuộc. Đề bài yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học khá toàn diện, độ khó hợp lý. Trong đó câu d thể hiện sự tôn trọng cái nhìn học sinh rất rõ. Học sinh được quyền nói lên suy nghĩ của mình tự do, không áp đặt. Dự đoán nhiều học sinh sẽ đạt điểm cao ở câu này.
Đến câu 2, đề không khó, khá gần gũi nhưng không phải không hay. Đề tuy đơn giản nhưng cách ra đề tinh tế: Suy nghĩ về “lắng nghe” ở một góc nhìn khác so với thông thường (yêu thương). Học sinh cần viết tập trung làm rõ vấn đề, muốn viết tốt phải biết liên hệ trải nghiệm của chính bản thân mình trong cuộc sống. Và khi đề không khó về yêu cầu, chính vì vậy giám khảo sẽ đánh giá cao các bài làm có giọng văn trải nghiệm.
Còn câu nghị luận văn học của đề thi văn, thầy Bảo cho rằng có nhiều đổi mới nhất: biểu hiện rõ nhất của sự tôn trọng suy nghĩ người học. Bài làm cho nhiều sự chọn lựa, học sinh chính là người tự ra đề cho mình (chọn tác phẩm đề phân tích và chọn tác phẩm để liên hệ đều do học sinh tự quyết định). Tránh được tình trạng đoán đề, học tủ, học vẹt, tránh việc lạm dụng văn mẫu. Đề giúp các em thể hiện được năng lực, sở trường, suy nghĩ của mình. Chú trọng kỹ năng, nhận thức, trải nghiệm nhiều hơn là học kiến thức hàn lâm, nặng nề. Hơn thế, qua đề thi giúp cho học sinh kết nối được văn học với cuộc sống, tránh cho các em có quan điểm văn học tách rời cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.