Tuyển sinh khối ngành dịch vụ - du lịch: Xét tuyển thẳng thí sinh dự thi... truyền hình

Hà Ánh
Hà Ánh
26/02/2020 08:40 GMT+7

Năm 2020, du lịch trở thành một trong hai nhóm ngành đào tạo được ưu tiên trong tuyển sinh bậc ĐH. Đáng chú ý, có trường ĐH năm nay xét tuyển thẳng cả thí sinh dự các cuộc thi truyền hình có kiến thức xã hội tổng quát.

Thông tin này được nêu trong chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Chọn ngành học tương lai với khối ngành dịch vụ - du lịch”, được phát sóng trên: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên ngày 25.2.

“Làm du lịch chính là phục vụ”

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Xu hướng mê xê dịch hiện đang phổ biến với người trẻ, tuy nhiên việc mê đi du lịch và làm nghề là khác nhau. Người làm nghề này còn phải có tinh thần phục vụ chứ không phải người thụ hưởng”.
Đồng quan điểm, theo thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, làm du lịch là cơ hội đi du lịch miễn phí khắp nơi. Tuy nhiên để học ngành này cần có đam mê, kỹ năng giao tiếp tốt, sức khỏe phù hợp với công việc di chuyển nhiều, thích ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau. “Là ngành dịch vụ nên cần có sự chu đáo, quan tâm tới khách hàng”, thạc sĩ Tân nhấn mạnh.
Còn PGS-TS Trịnh Thùy Anh, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM, phân tích: “Tố chất của người làm việc trong lĩnh vực du lịch là phải thích quan tâm đến người khác, thích chăm sóc, chia sẻ, chịu khó, ham học hỏi. Những bạn thích tìm tòi, khám phá, sáng tạo, trải nghiệm sẽ rất phù hợp. Thí sinh nữ đa số có tố chất phù hợp với nhóm ngành này. Tuy nhiên có một số khó khăn nhất định như phải di chuyển liên tục, đòi hỏi sức khỏe tốt. Nhưng nếu thực sự có đam mê thì có thể khắc phục bằng cách rèn luyện sức khỏe”.
Thạc sĩ Lê Minh Phương, Phó trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ rằng không cần điều kiện “cứng” nào, quan trọng nhất là đam mê và trường ĐH sẽ giúp bạn thực hiện đam mê đó. Cụ thể, những người hoạt bát, giao tiếp tốt có thể làm kinh doanh khách sạn, hướng dẫn viên… Nhưng người sống nội tâm vẫn có thể theo đuổi công việc liên quan đến du lịch dịch vụ như thiết kế, điều phối tour, chiến lược kinh doanh, công nghệ du lịch…”.
Tuyển sinh các khối ngành dịch vụ - du lịch: Xét tuyển thẳng cả thí sinh dự thi... truyền hình1

Thiếu 50% nhân lực

PGS-TS Trịnh Thùy Anh cho rằng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng - khách sạn rất lớn.
Tiến sĩ Phùng Đức Vinh, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng cho biết: “Mỗi năm cần 40.000 lao động chất lượng cao nhưng với gần 300 cơ sở đào tạo du lịch, mỗi năm chỉ cho ra khoảng 20.000 người. Nghĩa là đang thiếu khoảng 50% nhân lực”.
Nhưng theo tiến sĩ Vinh, cơ hội nhiều nhưng không phải mọi thứ đều “màu hồng” khi ra trường. Ông Vinh nói: “Để làm nhà quản lý du lịch giỏi, phải nắm được những kỹ năng cơ bản ở các bộ phận, sau một thời gian thể hiện năng lực với kỹ năng thành thạo. Thường là sau khoảng 3 - 5 năm, những em tốt nghiệp các trường có kỹ năng, tố chất vậy mới được đề bạt thành nhà quản trị”.
Trong khi đó, theo thạc sĩ Lê Minh Phương, có 2 cách để tiếp cận nghề nghiệp này: Học ngành chính luôn hoặc ngành phụ rồi chuyển tiếp qua ngành chính. “Tôi cho rằng nên học ngành chính trước nếu có thể. Một vài khảo sát cho thấy để đi lên vị trí cấp cao trong lĩnh vực này thì nên khởi đầu từ ngành trực tiếp trước hơn là ngành liên quan”, thạc sĩ Phương chia sẻ.
Còn theo thạc sĩ Đường Anh Tân, dịch vụ - du lịch là lĩnh vực ngành nghề rất rộng, mỗi vị trí công việc có những yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên chính bản thân mình mới biết mình là ai để chọn cho mình một nghề chính để đi, vì như ông bà xưa từng nói “chín nghề không bằng nghề chính”.
Tư vấn trực tuyến nhóm ngành công nghệ, công nghệ thông tin
Ngày 27.2, Báo Thanh Niên tổ chức buổi thứ 5 chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Chọn ngành học tương lai với khối ngành công nghệ - công nghệ thông tin”. Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Chương trình thu hút đại diện nhiều trường ĐH, CĐ tham dự gồm: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn…
Chương trình CĐ có tới 70% thực hành
Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết sự khác biệt giữa các bậc học đầu tiên là thời gian học. Trong đó, với bậc CĐ thời gian học chỉ khoảng 2 năm rưỡi là đủ để tham gia thị trường lao động. Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn xét tuyển đợt đầu tiên là tháng 5 dành cho thí sinh đã tốt nghiệp THPT trước đó. Riêng học sinh tốt nghiệp năm nay thì có thể tham gia xét tuyển ngày 15.8 và 31.8. Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn đào tạo lễ tân, phục vụ bàn, pha chế rượu, hướng dẫn viên nội địa, đón khách quốc tế, trưởng đoàn đưa khách đi nước ngoài...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.