Tuyển sinh ĐH-CĐ 2009: Những lưu ý quan trọng khi ôn thi

21/06/2009 18:24 GMT+7

Môn Văn

Để có kết quả tốt trong kỳ thi ĐH-CĐ sắp đến, ngoài việc dành thời gian để ôn lại kiến thức, quan trọng nhất lúc này của thí sinh còn là việc vận dụng kiến thức để làm bài tập, rèn luyện kỹ năng viết bài sao cho tốt nhất. Kiến thức là cái nền cơ bản, từ đó cần phải biết chọn lọc phù hợp với yêu cầu của đề, luận giải vấn đề một cách sâu sắc, khúc chiết.

Thí sinh cần ghi nhớ:

Với loại câu hỏi tái hiện kiến thức (2 điểm): Nên nhanh chóng xác định phạm vi kiến thức cần đề cập, trình bày đúng, đủ và trúng vấn đề, diễn đạt gãy gọn, tránh dài dòng lan man. Nếu trình bày không trúng vấn đề chẳng khác nào các cầu thủ đá hỏng quả sút luân lưu, đội bóng thì thua trong gang tấc còn sĩ tử thì mất trắng điểm ở câu này.

Với loại câu viết bài văn nghị luận xã hội (3 điểm): Xác định đúng yêu cầu của đề, xác định dạng bài: nghị luận một tư tưởng đạo lý, nghị luận một hiện tượng đời sống hay nghị luận một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học để có cách trình bày phù hợp. Cái hay của văn nghị luận chính là ở hệ thống luận điểm chính xác, sâu sắc, cách lập luận chặt chẽ thuyết phục. Muốn vậy cần có luận cứ xác đáng. Luận cứ của văn nghị luận xã hội chính là những lẽ phải của cuộc sống và những bằng chứng trong lịch sử, trong thực tế, trong văn học... Nhưng bài văn nghị luận xã hội hay còn thể hiện ở nhiệt hứng và thái độ quan tâm sâu sắc đến vấn đề của người viết. Kiểu văn này không chỉ đòi hỏi kỹ năng lập luận mà còn là sự thể hiện vốn sống, ý thức quan tâm đến xã hội, bản lĩnh tư duy độc lập và một thế giới tâm hồn phong phú, nhạy cảm, chân thành. Những tấm gương trong cuộc sống, vừa là dẫn chứng thực tế, vừa gợi mở cho thí sinh những ý tưởng để lập luận trong văn nghị luận xã hội. Những tấm gương sống vì lý tưởng cao đẹp như: Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng...; những tấm gương sống giàu nghị lực không để tâm hồn lụi tàn như: Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, sinh viên kiến trúc xuất sắc là một thanh niên tàn tật Quang Quý, công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM Lê Thanh Thúy, Nguyễn Bích Lan vượt lên bệnh tật trở thành một dịch giả trẻ tài năng, Trần Tôn Trung Sơn em bé khuyết tật bởi chất độc da cam vẫn nỗ lực học giỏi...; những tấm gương của lòng nhân ái như Nguyễn Hữu Ân... Bao giờ viết văn nghị luận xã hội cũng cần rút ra những bài học thiết thực cho mình và mọi người. Bài học phải được nêu ra từ suy nghĩ sâu sắc, chân thành, chứ không phải là những câu có tính chất khẩu hiệu rỗng tuếch.

Với loại câu viết bài văn nghị luận văn học (5 điểm): Điều quan trọng đầu tiên là phải đọc kỹ đề, nhằm định hướng bài viết. Ở đây xin lưu ý các em loại đề yêu cầu làm rõ một nhận định về văn học, nếu cứ trôi theo tác phẩm và nhân vật mà phân tích thì rất dễ lan man, xa đề, lạc đề. Với kiểu đề này, các em cần xác định hệ thống luận điểm để làm rõ vấn đề mà đề yêu cầu. Từ đó lựa chọn kiến thức phù hợp và phân tích theo các luận điểm.

Ví dụ đề:

Đề 1: Nói về việc sáng tác Truyện Tây Bắc, Tô Hoài cho biết ông đã đưa “những ý thơ” vào trong tác phẩm. Theo anh, chị, “những ý thơ” ấy được biểu hiện như thế nào trong truyện Vợ chồng A Phủ?

Bài viết nên có các nội dung sau:

1. Quan niệm về ý thơ trong tác phẩm tự sự

- Ý thơ, có thể hiểu là chất trữ tình lãng mạn, là những rung cảm của nhà văn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người; đồng thời có khả năng truyền những cảm xúc ấy đến người đọc qua thế giới nghệ thuật của tác phẩm.

- Ở những tác phẩm tự sự, yếu tố quan trọng là tình huống, nhân vật và sự kiện... Tuy nhiên chính chất thơ, ý thơ vời vợi bay lên từ cảnh vật và nhân vật trong tác phẩm nhiều khi lại có sức tô đậm ý nghĩa của tác phẩm một cách lạ lùng.

2. Ý thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ:

a) Những bức tranh thiên nhiên có vẻ đẹp riêng của miền núi Tây Bắc, đặc biệt là cảnh mùa xuân trên vùng núi cao, được Tô Hoài miêu tả bằng những rung cảm thiết tha của hồi ức.

b) Những bức tranh sinh hoạt, phong tục miền núi, đặc biệt là cảnh ngày tết của người Mèo, qua ngòi bút của Tô Hoài, thực sự có sức say lòng người.

c) Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của hai nhân vật chính, nhất là Mị được miêu tả tinh tế, xúc động là biểu hiện cao nhất của “những ý thơ” trong tác phẩm.

Đánh giá: Từ cách luận giải này, thí sinh có thể vận dụng sáng tạo khi viết bài bàn về chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Vợ nhặt của Kim Lân...

Đề 2:  Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Thí sinh có thể tham khảo cách trình bày sau:

1. Khái niệm tính dân tộc trong tác phẩm văn học

2. Phân tích biểu hiện cụ thể

a) Về nội dung

- Những bức tranh chân thực, đậm đà bản sắc dân tộc về thiên nhiên và con người Việt Bắc được tái hiện trong tình cảm thiết tha, gắn bó sâu sắc của nhà thơ.

- Tình cảm nhớ nhung da diết của nhà thơ, những ân nghĩa thủy chung của người cách mạng và đồng bào Việt Bắc đối với nhau, đối với cách mạng, với kháng chiến, với Bác Hồ là những tình cảm sâu đậm của thời đại mới. Những tình cảm ấy lại hòa nhập và tiếp nối vào mạch nguồn của tình yêu nước, của đạo lý ân nghĩa thủy chung, vốn là truyền thống sâu bền của dân tộc ta.

b) Về nghệ thuật:

- Thể thơ lục bát truyền thống được vận dụng tài tình.

- Lối kết cấu đối đáp và cách xưng hô mình – ta quen thuộc trong ca dao được sử dụng sáng tạo.

- Các biện pháp tu từ truyền thống... được sử dụng thích hợp, tạo nên phong vị dân gian dân tộc đậm đà. Tố Hữu là nhà thơ nghiêng về truyền thống hơn là cách tân.

HÀ PHƯƠNG MINH
(giáo viên trường THPH chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Môn Lịch sử

Cần chú ý

- Tài liệu chính thức dùng để ôn tập là SGK phân ban hiện hành, các SGK những năm trước (có một số điểm khác SGK năm nay) chỉ nên dùng để tham khảo. Cần học đủ nội dung đã quy định gồm toàn bộ nội dung SGK lớp 12 và một phần SGK lớp 11. Không nên học tủ, không tin vào bất kỳ ai có “khả năng đoán đúng đề thi”.  Chủ động chia quỹ thời gian còn lại cho những nội dung ôn tập, sao cho không bỏ sót nội dung nào.

Ôn tập thế nào?

Kiến thức lịch sử gồm hai phần: Sự kiện lịch sử đã xảy ra như thế nào (gọi là diễn biến) và sự kiện đó cần được hiểu ra sao (rút ra ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, giải thích, đánh giá, khái quát...). Đề thi kiểm tra cả hai phần đó để xem thí sinh “biết” sự kiện lịch sử đến đâu và “hiểu” sự kiện ấy ở mức độ nào.

Câu hỏi của đề thi có hai mức độ: dễ và khó.

Câu dễ nặng về yêu cầu thí sinh trình bày những gì có sẵn trong SGK như hoàn cảnh lịch sử, diễn biến của một phong trào đấu tranh, nội dung một chính sách, văn kiện, hiệp định hay kết quả, ý nghĩa lịch sử... Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là thí sinh viết ra tất cả những gì học thuộc trong SGK, mà phải chọn lọc kiến thức để trả lời. Vì vậy, thí sinh nên tham khảo đề thi và đáp án một số năm trước để biết trả lời những gì là cần và liều lượng thế nào là đủ.

Câu khó đòi hỏi tư duy nhiều hơn, phải tự thiết kế câu trả lời. Loại này thường yêu cầu so sánh (các sự kiện, văn bản), tổng hợp một vấn đề nào đó trên cơ sở những sự kiện lịch sử đã biết hay chỉ ra tác động của một sự kiện lịch sử thế giới cụ thể đối với Việt Nam.

Dù dễ hay khó thì việc cần làm ngay lúc này là nắm lại toàn bộ kiến thức cơ bản, không nên học thuộc lòng mà vạch ra các ý cần trả lời (của một nội dung, một câu hỏi). Trên cơ sở các ý đó, tập nói hoặc viết bằng ngôn ngữ của mình (không cần phải giống hệt câu chữ trong SGK, miễn sao đúng là được). Đến khi làm bài, dùng giấy nháp để liệt kê đủ các ý, sắp xếp chúng theo trình tự rồi viết hoàn chỉnh theo cách diễn đạt của mình. Nếu đang viết mà nảy ra ý mới cần bổ sung thì viết ngay ra nháp rồi lại viết tiếp.

Một số ví dụ về nhớ ý:

- Cách mạng Tháng 8.1945 thành công do hai nguyên nhân là khách quan và chủ quan.

- Kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cùng có bốn nguyên nhân thắng lợi thuộc về vai trò của Đảng ta, quân dân ta, hậu phương và quốc tế.

- Ý nghĩa thắng lợi của các cuộc cách mạng lớn như Cách mạng Tháng Tám (1945), Cách mạng Trung Quốc (1949), Kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)... gồm ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa quốc tế. Ý nghĩa dân tộc gồm hai ý nhỏ là thắng lợi đó “kết thúc” cái gì và “mở ra” cái gì. Ý nghĩa quốc tế cũng gồm hai ý nhỏ là thắng lợi đó tác động ra sao đối với các lực lượng cách mạng và phản cách mạng quốc tế.

- Về quá trình chiến đấu của quân dân ta ở miền Nam chống “Chiến tranh cục bộ” cần nhớ các ý lớn là: Chiến thắng Vạn Tường (1965) và ý nghĩa mở đầu quá trình..., chiến công hai mùa khô (1965-1966; 1966-1967), cuối cùng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, ý nghĩa kết thúc quá trình... Dù thời gian làm bài nhiều hay ít thì cũng cần nêu đủ các ý đó.

- Nếu đề yêu cầu trình bày sự hình thành trật tự thế giới hai cực Yalta (1945-1949) thì phải nêu tóm tắt ba nội dung là: Hội nghị Yalta (2.1945), sự hình thành Liên Hiệp Quốc và sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập. Nếu đề hỏi riêng về Hội nghị Yalata thì chỉ trả lời trong phạm vi hội nghị đó mà thôi. 

- Tương tự như thế, khi học lịch sử Liên Xô (1945-1991), trước hết phải nhớ trong gần nửa thế kỷ đó, lịch sử Liên Xô đã trải qua mấy giai đoạn, nội dung chính của mỗi giai đoạn đó là gì, sau đó mới nhớ nội dung chi tiết của từng giai đoạn.

Ngoài các câu hỏi quen thuộc về nội dung, diễn biến, cần chú ý tới các câu hỏi khó hơn đòi hỏi so sánh, khái quát hoặc chỉ ra mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Ví dụ: so sánh nội dung Cương lĩnh của ĐCSVN (tháng 2.1930) với Luận cương (tháng 10.1930) của ĐCSĐD; Những sự kiện lịch sử tiêu biểu thể hiện tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ (1945 – 1975); Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam trong những năm 1920-1930 hay 1941-1945; Những thắng lợi của quân Đồng minh trong việc tiêu diệt phát xít Nhật và tác động của những thắng lợi đó đối với Việt Nam năm 1945...

Tưởng Phi Ngọ
(giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Môn Địa lý

Củng cố lại kiến thức cơ bản một cách toàn diện:  Cần củng cố lại kiến thức theo từng phần, từng chương, từng bài hoặc theo từng chủ đề, nội dung nhất định với cấu trúc và dàn ý một cách khoa học, để từ đó có thể bao quát được toàn bộ chương trình và từng vấn đề.

Nắm chắc chắn và thuần thục các kỹ năng cần thiết:  Tính toán, xử lý số liệu, vẽ biểu đồ: đây là một yêu cầu rất thường gặp trong đề tuyển sinh ĐH-CĐ các năm qua. Thường là dựa vào bảng số liệu đã cho, từ đó tính toán, xử lý số liệu để vẽ biểu đồ. Yêu cầu vẽ biểu đồ thường phải là biểu đồ thích hợp nhất, cần phải phân biệt rõ ràng về đặc điểm, ý nghĩa của các loại biểu đồ để chọn chính xác, phù hợp với yêu cầu của đề bài.

Nhận xét bảng số liệu hoặc biểu đồ: Cần phải nêu được bản chất của hiện tượng, nếu hiện tượng diễn ra qua nhiều năm thì cần nêu sự biến động của nó qua thời gian (cả thời kỳ, từng giai đoạn) cũng như so sánh các đối tượng với nhau.

Vẽ lược đồ Việt Nam: đây là một yêu cầu mới đề thi ĐH-CĐ năm nay, gồm hai phần:

- Vẽ lược đồ Việt Nam: với chiều dài bằng tờ giấy thi, hình dạng thực tế của lãnh thổ tương đối chính xác với mạng lưới kinh vĩ tuyến (hệ thống các ô vuông), có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lưu ý vẽ hình dạng thực tế của lãnh thổ nhưng không nên quá chi tiết.

- Điền vào một số đối tượng địa lý: thường gặp là các dãy núi, một số đỉnh núi cao, các hệ thống sông, các cửa khẩu, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, các trung tâm công nghiệp, phân bố một số cây trồng, vật nuôi, một số tuyến giao thông quan trọng (đường bộ, đường sắt), các hải cảng, sân bay...

Cần biết vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề: Vận dụng kiến thức là một yêu cầu có tính nâng cao về kiến thức, thể hiện khả năng sáng tạo của thí sinh nên rất phù hợp với một đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Muốn vận dụng được kiến thức, cần phải nắm vững, hiểu rõ kiến thức và biết cách vận dụng kiến thức theo yêu cầu của đề bài. Sau đây là vài ví dụ cơ bản:

Ví dụ 1:  Trình bày ảnh hưởng của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ đến vấn đề việc làm ở nước ta (đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2002).

Thí sinh phải biết vận dụng kiến thức để nêu được:

a. Sự chuyển dịch kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ (nêu khái quát dựa vào bài học)

b. Ảnh hưởng đến việc làm: Đa dạng hóa kinh tế nông thôn, đưa nông nghiệp tự cung, tự cấp lên sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn vững chắc hơn; Phát triển công nghiệp, dịch vụ nhất là các ngành cần nhiều lao động ở thành thị sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho thanh niên; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ song song với phân bố lại dân cư lao động giữa các vùng góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng lao động.

Ví dụ 2:  So sánh sự khác nhau về điều kiện sản xuất cây công nghiệp giữa vùng trung du miền núi Bắc Bộ và Đông Nam Bộ (đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2008).

Yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức về điều kiện sản xuất cây công nghiệp của mỗi vùng và so sánh sự khác biệt theo các nhân tố để nêu được:

a. Điều kiện tự nhiên:

* Địa hình: Đông Nam Bộ (ĐNB) ít bị chia cắt hơn, thuận lợi tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn so với trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB).

* Đất: TDMNBB có nhiều đất feralit trên đá vôi, đá gơnai, đá phiến... còn ĐNB chủ yếu đất đỏ badan và đất xám bạc màu.

* Khí hậu: TDMNBB có một mùa đông lạnh và phân hóa theo độ cao của địa hình, ĐNB mang tính chất cận xích đạo.

 b. Điều kiện kinh tế xã hội:

* Dân cư lao động: TDMNBB thưa dân nên hạn chế về lao động, trình độ lao động thấp; ĐNB tập trung và thu hút nhiều lao động, đặc biệt lao động có trình độ cao.

* Cơ sở vật chất kỹ thuật: TDMNBB còn thấp kém, thiếu thốn. ĐNB phát triển hàng đầu cả nước.

* Thị trường: ĐNB có nhiều lợi thế hơn cả về thị trường trong vùng và bên ngoài.

* Về đầu tư: ĐNB có khả năng thu hút mạnh về đầu tư, đặc biệt đầu tư của nước ngoài hơn nhiều so với TDMNBB.

Phải cẩn thận trong làm bài thi:

Đọc đề thật kỹ, có thể đọc vài lần, chú ý đến các câu, các từ quan trọng để xác định đúng yêu cầu của đề bài, tránh làm lệch hướng, thậm chí có thể làm sai đề. Câu dễ làm trước, khó làm sau. Dù câu dễ hay khó cũng cần thiết viết lên giấy nháp dàn ý cơ bản trước khi làm vào bài thi nhằm giảm thiểu tình trạng bổ sung hoặc gạch bỏ kiến thức. Vẽ biểu đồ hoặc lược đồ Việt Nam là phải thể hiện bằng bút mực đang sử dụng để làm bài, không được thể hiện bằng bút chì cũng như bất kỳ một loại mực nào khác, bút chì chỉ được vẽ đường tròn mà thôi, nếu không, bài làm sẽ bị phạm quy. Trong bài làm các em có thể sử dụng các mục 1, 2, 3... , a, b, c..., dấu gạch đầu dòng  ( - ) một cách bình thường để thể hiện các ý diễn đạt, không được dùng các ký hiệu bất thường.

ĐOÀN VĂN XUÂN
(giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa)

Môn Sinh

Gần đây tôi nhận được nhiều câu hỏi từ các em học sinh về việc nội dung kiến thức không thống nhất giữa SGK và các tài liệu ôn tập. Ví dụ:  Đột biến hồng cầu liềm là do thay cặp T-A bằng A-T (SGK nâng cao 12 trang 110)  hay thay cặp A -T bằng G-X (sách Bài tập cơ bản 12 trang 9)? Bệnh ung thư máu (bạch cầu ác tính) là do mất đoạn Nhiễm sắc thể 21 (SGK12 nâng cao trang 31) hay  nhiễm sắc thể 22 (SGK cơ bản 12 trang 24)? và những câu hỏi tương tự. Câu trả lời chung cho tất cả các trường hợp trên là: Đề thi sẽ không ra vào những nội dung kiến thức còn đang tranh luận về mặt khoa học do đó tất cả những trường hợp tương tự các em học sinh không cần phải quan tâm.

Qua đề thi tốt nghiệp THPT 2009 đã xác định: đề thi bám sát cấu trúc đề mà Bộ GD-ĐT đã ban hành, phần lựa chọn giữa chương trình chuẩn và nâng cao cũng đã khai thác những nội dung trong phần riêng giữa 2 bộ SGK. Phần chung chỉ khai thác các kiến thức cơ bản và giao thoa giữa 2 bộ sách để học sinh học chương trình nào cũng có thể làm được  bài tốt nếu hiểu câu hỏi và vận dụng được kiến thức đã học.Tuy nhiên điều này cũng không cho phép chủ quan với đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới vì mục đích và tính chất của 2 kỳ thi là khác nhau.

Có thể dự đoán: 

Phần riêng giữa 2 bộ SGK sẽ được khai thác sâu hơn, chương trình nâng cao có thể sẽ có thêm những bài tập riêng.

Phần chung có 40 câu hỏi và dĩ nhiên độ khó cũng được nâng lên tương ứng. Các chương I, II, III di truyền đều có thể cho những bài tập có suy luận để kiểm tra kiến thức và khả năng sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên sẽ không có nhiều bài tập quá khó.

Điều quan trọng nhất trong thời điểm này là nắm chắc, học kỹ nội dung bộ SGK mình đang học và nhớ rằng chỉ được làm một trong hai phần lựa chọn trong đề thi.

Về nội dung ôn tập, cần chú ý:

* Học cẩn thận tất cả những nội dung kiến thức mới bổ sung vào chương trình SGK mới hoặc có thay đổi so với SGK cải cách kể cả các ví dụ như:

- Chương I Di truyền: cấu trúc của gen, cơ chế hoạt động và điều hòa hoạt động của gen, phân loại và cơ chế đột biến gen, cấu trúc siêu vi của NST.

-Chương II Di truyền: Nội dung các phát biểu quy luật phân li, phân li độc lập của Menđen, khái niệm mức phản ứng của kiểu gen và thường biến.

- Chương III Di truyền: Cân bằng Hacđy-Vanbéc ở quần thể ngẫu phối, có mở rộng ở gen có 3 alen có dạng (p+q+r)2. Quần thể tự phối có thể mở rộng các kiểu gen bất thụ, gây chết hoặc nhập cư, xuất cư, đột biến.  

- Chương IV Di truyền: Cơ chế ưu thế lai, giả thuyết siêu trội, các phương pháp tạo giống mới, các bước trong kỹ thuật chuyển gen, khái niệm sinh vật biến đổi gen.

- Chương V Di truyền: Khái niệm bệnh di truyền phân tử, bệnh do đột biến NST và bệnh ung thư, khái niệm gánh nặng di truyền và bảo vệ vốn gen của loài người.

- Chương I Tiến hóa: (C1, và 2 SGK NC) Bằng chứng tiến hóa, khái niệm và vai trò các nhân tố tiến hóa theo quan niệm hiện đại. Lưu ý các cơ chế cách ly sinh sản và ngẫu phối không phải là nhân tố tiến hóa nhưng có vai trò quan trọng trong tiến hóa. Vai trò của chọn lọc tự nhiên trong quá trình hình thành loài và hình thành đặc điểm thích nghi. 

- Chương II Tiến hóa: (C3 SGK NC) Các chi tiết trong bảng tóm tắt các đại địa chất.

- Chương I Sinh thái: (C1, và 2 SGK NC) Khái niệm môi trường, ổ sinh thái, các đặc trưng cơ bản của quần thể. 

- Chương II Sinh thái: (C3 SGK NC): Các mối quan hệ sinh thái, các kiểu diễn thế sinh thái

- Chương III Sinh thái: (C4 SGK NC): Khái niệm, đặc điểm và các kiểu hệ sinh thái trên trái đất.

* Do các câu hỏi được rút ra từ ngân hàng đề nên câu hỏi đã ra trong kỳ thi trước vẫn lập lại trong kỳ thi sau.

Ví dụ:

Câu 6 Mã đề 546 Đại học và Câu 41 Mã đề  571 Cao đẳng 2007

Quần thể nào sau đây ở trạng thái cân bằng di truyền?

A. 0,04 AA: 0,64 Aa: 0,32 aa.
B. 0,64 AA: 0,04 Aa: 0,32 aa. 
C. 0,32 AA: 0,64 Aa: 0,04 aa.
D. 0,64 AA: 0,32Aa: 0,04 aa.

Câu 29 Mã đề 980 Đại học 2008

Theo Kimura, sự tiến hóa ở cấp độ phân tử diễn ra bằng sự củng cố ngẫu nhiên các đột biến:  

A. có hại.
B. trung tính.  
C. nhiễm sắc thể.  
D. có lợi.

và Câu 45 Mã đề 159 TNPT 2009

Theo Kimura, sự tiến hóa ở cấp độ phân tử diễn ra bằng sự củng cố ngẫu nhiên các:

A. biến dị có lợi    
B. đặc điểm thích nghi    
C. đặc điểm có lợi     
D. đột biến trung tính

* Một vài câu hỏi trong đề có mục đích phân hóa, phát hiện học sinh giỏi cần được đọc cẩn thận và sáng tạo trong cách giải.

Ví dụ:

Mã đề   980  Đề TSĐH năm 2008

Câu 15: Trong một quần thể thực vật tự thụ phấn, tỷ lệ kiểu gen ở thế hệ P là 0,45 AA: 0,30Aa: 0,25 aa. Cho biết các cá thể aa không có khả năng sinh sản. Tính theo lý thuyết thì tỷ lệ các kiểu gen thu được ở thế hệ F1 là:

A. 0,525AA: 0,150 Aa: 0,325aa.
B. 0,36AA: 0,24 Aa: 0,40aa.
C. 0,42AA: 0,49 Aa: 0,09aa. 
D. 0,7AA: 0,2 Aa: 0,1aa.

Trong câu này đề cho điều kiện “các cá thể aa không có khả năng sinh sản” nên trước khi tính tỷ lệ kiểu gen ở F1, học sinh phải biết tính lại thành phần kiểu gen của quần thể tự thụ, xem như quần thể chỉ có 2 kiểu gen AA chiếm tỷ lệ 0,45/0,45 + 0,30 = 0,6  và kiểu gen Aa chiếm tỷ lệ 0,30/0,45 + 0,30 = 0,4. Do đó khi cho tự thụ, tỷ lệ kiểu gen Aa giảm 1/2 chỉ còn 0,2 nên đáp án đúng là D. 0,7AA: 0,2 Aa: 0,1aa.

TRẦN NGỌC DANH
(giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.