Túi bài thi THPT quốc gia phải có 4 chữ ký trên tem niêm phong

Quý Hiên
Quý Hiên
16/06/2018 09:27 GMT+7

Khi giao nộp bài thi, niêm phong túi bài thi THPT quốc gia năm nay, trên tem niêm phong phải có họ tên và chữ ký của phó trưởng điểm thi đến từ các trường đại học, 2 cán bộ coi thi và thư ký điểm thi.

Đó là thông tin đáng chú ý tại hội nghị trực tuyến về công tác thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học và vào các trường sư phạm do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức ngày 15.6 tại 5 đầu cầu trên cả nước, gồm: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Khi giới thiệu về những điểm mới các cán bộ đến từ các trường đại học tham gia phục vụ kỳ thi THPT quốc gia cần lưu ý, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo), nhấn mạnh: “Khi giao nộp bài thi, niêm phong túi bài thi,bắt buộc trên tem niêm phong phải có họ tên và chữ ký của phó trưởng điểm thi đến từ các trường đại học”.
Theo ông Trinh, đây là một giải pháp kỹ thuật để bảo đảm túi bài thi khi được đưa ra chấm vẫn nguyên niêm phong, nghĩa là chắc chắn chưa hề được mở ra. “Sáng 24.6, trước buổi thi đầu tiên, khi chúng ta làm thủ tục điểm danh tại các điểm thi thì đồng thời các phó điểm trưởng điểm thi sẽ phải đăng ký chữ ký. Những bản đăng ký chữ ký này sẽ được gửi đến các chủ tịch hội đồng thi, và sau đó là các ban chấm thi”, ông Trinh cho biết.
Trước thông tin này, một cán bộ đến từ Phòng Đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân, thắc mắc: “Theo phụ lục 4 của công văn hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 do chính Cục Quản lý chất lượng ban hành, trên nhãn niêm phong túi đựng bài thi phải có 3 chữ ký, gồm của 2 cán bộ coi thi và thư ký điểm thi. Nhưng hôm nay Cục Quản lý chất lượng lại nói rằng phó điểm trưởng phải ký trên nhãn niêm phong đó. Vậy làm thế nào mới đúng?”.
Theo giải thích của ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo), công văn hướng dẫn mà vị cán bộ Phòng đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân nhắc đến ở trên nói không kỹ. Còn yêu cầu của Cục Quản lý chất lượng, ngoài 2 cán bộ coi thi và thư ký điểm thi, phó điểm trưởng cũng phải ký trên nhãn niêm phong túi đựng bài thi của thí sinh.
Ông Nghĩa nói: “Khi đưa ra yêu cầu này, chúng tôi đã tính đến tính khả thi (khả năng thực hiện được do số lần phó điểm trưởng phải ký không nhiều) và đảm bảo tính an toàn cho bài thi. Tuy chúng ta chưa phát hiện cụ thể vi phạm nào nhưng có tiềm ẩn nguy cơ gian lận từ việc thiếu chữ ký của phó điểm trưởng trên nhãn niêm phong. Cần phải có dấu hiệu để tin chắc túi bài thi không bị mở ra trước khi nó được chuyển đến ban chấm thi”.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Việc thực hiện yêu cầu này là không quá khó, không quá vất vả, mà đảm bảo minh bạch, an toàn tối đa trong chấm thi. Mong các thầy cô cố gắng”. 
Lo thí sinh đi lại bàn tán nhộn nhịp trong khu vực thi
Tại hội nghị, đại diện một đơn vị đào tạo phía Bắc cho biết, hiện còn bất cập liên quan tới quá trình làm bài của thí sinh với bài thi tổ hợp. Do thời gian thi kéo dài trên 180 phút nên việc có một số thí sinh phải ra ngoài để đi vệ sinh là tất yếu.
Trong khi đó, đặc điểm chung của các trường phổ thông ở nông thôn (được dùng để làm điểm thi) là cả trường có một khu vệ sinh cách các phòng thi khoảng vài trăm mét. Mỗi điểm thi có vài ba chục phòng thi. Giờ cao điểm đi vệ sinh của các em là khoảng thời gian gối giữa 2 môn thi (năm 2017 là 20 phút, năm nay quy chế rút ngắn lại chỉ còn 10 phút).
Vào khoảng thời gian đó, chỉ cần mỗi phòng thi có 1 thí sinh ra ngoài là cả điểm thi có 30 em ra khu vực nhà vệ sinh (chưa kể có phòng thi còn cho tới 2 - 3 em ra ngoài). Cô giáo này nói: “Vì thế đã có hiện tượng các em vừa đi vừa bàn tán rất nhộn nhịp. Tôi thấy thế là không ổn. Đề nghị Bộ có giải pháp để quang cảnh trường thi được nghiêm túc hơn”.
Trước băn khoăn này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho rằng thời gian gối giữa 2 môn thi trong bài thi tổ hợp dài như cũ (20 phút) cũng là yếu tố khiến thí sinh có nhu cầu ra ngoài đi vệ sinh trong khi chờ đợi  tăng lên. Việc quy chế năm nay quy định thời gian gối giữa 2 môn thi trong bài thi tổ hợp được rút ngắn lại còn 10 phút (gồm có 5 phút thu đề cũ và 5 phút phát đề mới) sẽ hạn chế bớt số lượng em muốn ra ngoài.
Mặt khác, chỉ cần lãnh đạo các điểm thi lưu ý để nhắc nhở các giám thị thực hiện đúng quy chế thì không thể để xảy ra hiện tượng thí sinh vừa đi vừa bàn tán nhộn nhịp trong khu vực thi, trong thời gian thi. “Theo quy chế, thí sinh khi đi ra ngoài đều có giám thị vòng ngoài giám sát, không thể để các em muốn đi đâu thì đi, nói chuyện với ai thì nói”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.