Tư vấn truyền hình trực tuyến 2016: Những lưu ý khi đăng ký dự thi THPT quốc gia

14/04/2016 08:00 GMT+7

Vào lúc 14 giờ 30 ngày 14.4, chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra buổi đầu tiên với chủ đề 'Nộp hồ sơ đăng ký dự thi và chọn trường sao cho đúng?'.

Vào lúc 14 giờ 30 ngày 14.4, chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra buổi đầu tiên với chủ đề 'Nộp hồ sơ đăng ký dự thi và chọn trường sao cho đúng?'. 

Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân cho biết học sinh lớp 12 và thí sinh tự do đang trong giai đoạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2016. Mặc dù đã thu thập nhiều thông tin trước đó nhưng đây cũng là thời điểm thí sinh cũng cần đánh giá, xem xét lại để có thể nộp hồ sơ đăng ký dự thi các môn sao cho có nhiều khả năng trúng tuyển hoặc nhiều cơ hội xét tuyển. 
Các vị khách mời tham gia buổi truyền hình trực tuyến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nằm trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Hướng dẫn thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ” do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện từ tháng 4 và dự kiến kéo dài đến tháng 8.2016, chương trình diễn ra ngày hôm nay với chủ đề “Nộp hồ sơ đăng ký dự thi và chọn trường sao cho đúng?”.
Tại buổi tư vấn này, chuyên gia các trường sẽ cung cấp thông tin và giải đáp những băn khoăn về cách thức nộp hồ sơ đúng quy cách, đặc biệt là tư vấn cụ thể về cách thức nộp hồ sơ để có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào các trường ngay nguyện vọng 1.
Toàn cảnh chương trình tư vấn trực tuyến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ www.thanhnien.vn. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc có thể đặt câu hỏi qua địa chỉ www.thanhnien.vn hoặc qua số ĐT: 08.39309242.
Chương trình hôm nay đặc biệt có sự tham gia của đại diện các khách mời:
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn
- Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
- Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-tài chính TP.HCM
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCMTôi xin lưu ý một số vấn đề quan trọng là khi làm hồ sơ dự thi, thí sinh cần viết đẹp, sạch, rõ ràng. Ngoài thông tin cá nhân, còn có thông tin cần thiết là số điện thoại và địa chỉ email. Thông tin này được nhập vào dữ liệu chung, các em sẽ được gửi 1 tài khoản và mật khẩu, và các em sẽ dùng tài khoản này kiểm tra sai sót ngay sau khi nộp hồ sơ. Sau ngày 20.7 sử dụng tài khoản này xem kết quả thi. Các trường tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, thí sinh vẫn sử dụng tài khoản và mật khẩu này để đăng ký xét tuyển trực tuyến.

 

Mục đối tượng ưu tiên: các em cần ghi thông tin chính xác để tránh trường hợp ghi sai, sẽ cộng nhầm điểm hoặc không được cộng điểm gây thiệt thòi sau này.

 

Về lựa chọn môn thi, các em đăng ký 4 môn để xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó có 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn. Năm nay có nhiều tổ hợp môn, tuy nhiên các em đăng ký nhiều môn quá sẽ không có thời gian ôn tập, nên đăng ký 5 môn trở lại. Giỏi tự nhiên thì đăng ký thêm môn lý, hóa, nếu giỏi các môn xã hội thì đăng ký thêm sử, địa.

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ với thí sinh về thủ tục xét tuyển: Các em cần chú ý kỹ về khu vực ưu tiên để đảm bảo đúng quyền lợi. Đồng thời, các em cũng cần chú ý phải có và nộp đầy đủ các giấy tờ, chứng nhận mà trường yêu cầu để tránh trường hợp đáng tiếc bị từ chối nhập học vì không đúng, đủ hồ sơ. Đối với những hồ sơ xét tuyển trực tuyến, số CMND sẽ là mã số giúp phân biệt thí sinh, tránh nhầm lẫn, trùng. Vì vậy, các em phải chú ý điền chính xác số CMND.

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Năm nay đăng ký online, khi thí sinh nhập dữ liệu lên mạng là chính thức tham gia xét tuyển. Vì vậy thí sinh cần lưu ý cân nhắc kỹ mới nhập thông tin xét tuyển trực tuyến, vì khi đăng ký rồi không rút lại được nữa, trong khi các em chỉ được đăng ký vào 2 trường. Nếu nhà không quá xa thì các em nên đến trực tiếp trường để đăng ký xét tuyển.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, rút kinh nghiệm cho thí sinh: Các em lưu ý khi nộp hồ sơ nên đọc kỹ các thông tin hướng dẫn, đặc biệt là tổ hợp môn tuyển sinh của ngành đó. Qua đó, thấy tổ hợp môn nào mình có lợi thế nhất thì đăng ký tổ hợp môn đó vì mỗi ngành có thể có nhiều tổ hợp môn tuyển sinh.
Các em nộp online phải tìm hiểu kỹ, chú ý, cẩn thận khi điền, nộp hồ sơ online. Vì nộp online, khi các em đã click chuột, enter xác nhận là thông tin đó sẽ vào hệ thống dữ liệu, không sửa, thay đổi được.
“Vì vậy, theo tôi, nếu có điều kiện, không quá khó khăn thì các em nên nộp hồ sơ trực tiếp. Nộp trực tiếp các em sẽ được tư vấn, giải đáp tất cả những thắc mắc và có thể sửa đổi”, thầy Tuấn tư vấn thí sinh.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một học sinh hỏi: Em đang ở Quảng Bình nhưng bây giờ không biết thi ở đâu để xét tốt nghiệp, còn nếu thi xét ĐH thì thi ở cụm nào?
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Thí sinh học phổ thông ở đâu thì nộp hồ sơ tại nơi các em theo học. Năm nay chỉ có 1 kỳ thi duy nhất. Trên hồ sơ quy định rõ nếu chỉ thi xét tốt nghiệp thì đăng ký ở mục số 9 dành cho học sinh xét tốt nghiệp. Nếu các em muốn cả xét tốt nghiệp và xét ĐH thì cũng đánh dấu vào mục tương ứng. Khi em nộp hồ sơ, sẽ được thầy cô tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cụ thể thi ở cụm thi nào. Giữa tháng 6 các em sẽ biết chính xác thông tin mình thi ở cụm nào.
Học sinh tại hội trường đặt câu hỏi: Thưa thầy, thi ở cụm địa phương thì khác thế nào với thi tại cụm trường ĐH? Đề thi giống khác thế nào?
Học sinh đặt câu hỏi trực tiếp tại chương trình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, giải đáp: Cụm thi trường ĐH sẽ do một trường ĐH chủ trì phụ trách cho một khu vực, cụm tỉnh tại địa phương. Cụm thi địa phương thì do các sở GD-ĐT chủ trì thi cho thí sinh. Như thế để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Còn về đề thi thì giống nhau.
“Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là nếu đăng ký cụm thi địa phương thì kết quả đó chỉ xét tốt nghiệp, chứ không được xét vào trường ĐH. Hay nói cách khác, nếu các em chỉ thi để xét tốt nghiệp thì sẽ thi theo cụm địa phương, còn thi để xét tốt nghiệp và ĐH thì sẽ thi theo cụm trường ĐH”, thầy Hạp nhấn mạnh.
Một học sinh hỏi: Em muốn học ngành thương mại điện tử, xét học bạ có được nhận học bổng hay không? Nên học trường nào?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM: Năm 2016 Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM tuyển sinh với 2 hình thức, kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét học bạ THPT. Ngành thương mại điện tử xét tổ hợp môn toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, hóa, tiếng Anh và toán, văn, tiếng Anh. Điểm xét học bạ là 18 trở lên đối với bậc ĐH. Đối với CĐ thì chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Dù xét hình thức nào đều có cơ hội nhận học bổng như nhau, 21 điểm trở lên nhận học bổng 25% học phí, 24 điểm trở lên 50% học phí, 27 điểm trở lên học bổng là 100% phí.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh đặc câu hỏi: Em không trúng tuyển NV1 thì sẽ được tự động xét tuyển các NV khác tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng phải không?
Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trả lời: Nếu không trúng tuyển NV1 thì thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển các NVBS. Tại trường có tổ tư vấn tuyển sinh, có thắc mắc các em đến hỏi đều được hỗ trợ.
Học sinh hỏi tại hội trường: Em muốn học ngành điều dưỡng tổ hợp toán, hóa, sinh, mức điểm chuẩn từ bao nhiêu đến bao nhiêu? Ngành điều dưỡng có xét môn Anh văn không, môn này em học hơi yếu? Điểm liệt là mấy điểm?
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Ngành điều dưỡng được đào tạo ở nhiều trường khác nhau như Trường ĐH Y dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngoài môn toán, hóa, sinh còn có yếu tố phụ là môn Anh văn. Ngành điều dưỡng ĐH Y dược TP.HCM còn đòi hỏi tiêu chí phụ ở môn sinh học, phải đạt ngưỡng điểm nhất định.
Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Năm 2016, ngành điều dưỡng của trường xét 2 tổ hợp môn toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh, có thể xét học bạ (18 điểm trở lên với bậc ĐH) hoặc kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia. Mỗi năm điểm chuẩn khác nhau vì còn phụ thuộc vào kết quả thi. Nếu tiếng Anh của bạn yếu, trường có trung tâm Anh văn giúp sinh viên có thể cải thiện tiếng Anh của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin về ngành liên quan đến sức khỏe của trường: Ở trường, có xét tuyển ngành dược. Với ngành này, năm nay, trường bắt đầu thêm khối xét tuyển toán, hóa, tiếng Anh, bên cạnh khối truyền thống trường xét tuyển ngành dược vẫn là toán, hóa , sinh và không đòi hỏi trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên ngành dược phải tiếp cận với tài liệu tiếng Anh rất nhiều nên trong quá trình học các em sẽ được chú trọng đào tạo tiếng Anh để đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh của ngành ở đầu ra.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một bạn đọc hỏi: Trường ĐH Văn Lang, tổ hợp V1 có được nhân đôi môn vẽ hay không?
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang: Ngành kiến trúc có 2 tổ hợp môn toán, lý, vẽ mỹ thuật, toán, văn, vẽ mỹ thuật. Cả hai tổ hợp môn đều có môn vẽ là môn chính, điểm nhân đôi. Trường tổ chức thi môn năng khiếu và xét tuyển môn này với 7 trường: Kiến trúc TP.HCM, Kiến trúc Hà Nội, Tôn Đức Thắng, Mỹ thuật TP.HCM, Mỹ thuật Hà Nội, Mỹ thuật công nghiệp, Nghệ thuật Huế.
Tiếp tục chương trình, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM lưu ý:Đợt 1 từ ngày 1 đến 12.8, thí sinh được xét vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nếu đã trúng tuyển ưu tiên 1 thì không xét ưu tiên 2. Hai trường xét tuyển song song cùng một lúc. Có thể thí sinh trúng 2 hoặc không trúng tuyển trường nào.
Thí sinh lưu ý chỉ lựa chọn 2 trường mình muốn nhất để nộp hồ sơ. Vì nếu nộp nhiều hơn 2 trường, thí sinh cũng chỉ được nhập dữ liệu vào 2 trường. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể nộp học bạ vào các trường khác. 2 hình thức xét tuyển này cũng độc lập, không ảnh hưởng đến nhau.
Một học sinh hỏi: Em học giỏi ngoại ngữ thì ngoài ngành ngoại ngữ còn ngành học nào khác không?
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Có một số ngành trực tiếp sử dụng ngoại ngữ như công cụ chủ yếu như: ngôn ngữ Anh, sư phạm tiếng Anh, Việt Nam học (du lịch), quốc tế học. Hầu hết các ngành đều có tổ hợp môn trong đó có môn tiếng Anh vì tiếng Anh rất quan trọng trong thời đại hội nhập ngày nay. Ví dụ các ngành kinh tế, công nghệ thông tin…
Một phụ huynh tại hội trường đặt câu hỏi: Thí sinh nếu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở cùng lúc 2 trường ĐH thì không trúng tuyển NV1 của trường này sẽ được xét NV1 của trường kia (xét theo chiều ngang) hay thí sinh sẽ được xét tiếp NV2 của cùng trường (đã rớt NV1) (tức xét theo chiều dọc)? Xin cho biết thêm về việc xét tuyển theo nhóm trường ĐH?
Phụ huynh tại hội trường đặt câu hỏi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, giải đáp: Hai trường sẽ xét độc lập theo từng NV của mỗi trường. Như vậy, thí sinh sẽ có khả năng trúng tuyển 2 trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi và phải nộp khi làm thủ tục nhập học. Vì vậy, thí sinh chỉ được chọn lựa nhập học một trường.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, lưu ý thêm: Ở đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên, thí sinh chỉ được nộp hồ sơ vào 2 trường (mỗi trường được đăng ký 2 NV). Vì vậy, thí sinh phải chú ý chọn 2 trường mình thích nhất để nộp hồ sơ, không được tham quá nộp hồ sơ vào nhiều hơn 2 trường (theo cùng một phương thức xét tuyển chung bằng điểm thi tốt nghiệp quốc gia). Bởi lẽ, khi các em tham nộp hồ sơ quá nhiều trường thì cũng chỉ có 2 trường được nhận hồ sơ của em. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp là 2 trường nào nhận, nhập dữ liệu của các em trước thì các trường còn lại sẽ không được nhận và trường không nhận được hồ sơ lại là trường mà TS thích nhất.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, thông tin về xét tuyển theo nhóm: Hiện có một nhóm xét tuyển ở Hà Nội, gồm 10 trường và do Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội) chủ trì. Với xét tuyển nhóm này thì trên nguyên tắc các thí sinh chỉ được tối đa 4 NV. Còn thông tin cụ thể chính thức thì chưa có.
Một thí sinh đặc câu hỏi: Em có lợi thế học giỏi tiếng Anh nhưng không muốn thi vào ngành ngoại ngữ Anh mà muốn vào ngành chuyên ngành khác. Vậy em nên học ngành nào để phát huy lợi thế này?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, tư vấn: Tiếng Anh hiện giờ vô cùng quan trọng, là một trong những điều kiện thành công đối với tất cả các ngành nghề. Vì vậy, em nên chọn ngành nào mình yêu thích, có sở trường, khối tuyển sinh mà mình có khả năng học để có khả năng đậu cao.
Tại Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, em có thể học các ngành: Kinh doanh Quốc tế, Quản trị kinh doanh, Du lịch-khách sạn... là những ngành sẽ phát huy lợi thế, khả năng tiếng Anh của em.
Sinh viên học tất cả các ngành của trường sẽ có điều kiện học tập, thực tập tốt nhất và giới thiệu việc làm. Trường cũng theo dõi, đánh giá về việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp ở trường đến suốt đời.
Một học sinh hỏi: Giữa trường ĐH công lập và ngoài công lập thì bằng cấp có tương đương hay không?
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Hệ thống giáo dục sau THPT thì có nhiều cấp bậc khác nhau: trung cấp, cao đẳng, ĐH. Ở 3 bậc này đều có trường công lập và ngoài công lập. Hệ thống văn bằng đều có giá trị như nhau, đều do Bộ GD-ĐT cấp vì chương trình đào tạo đều dựa vào khung của Bộ GD-ĐT từ 60-70%. Chỉ khác nhau ở mức học phí.
Doanh nghiệp không quan tâm bằng cấp đó của trường nào, quan trọng là các em có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không. Trong đó ngoài chuyên môn còn có kỹ năng và ngoại ngữ.
Một thí sinh gửi thắc mắc: Nếu em thi 2 khối thì có được nộp hồ sơ vào 4 trường hay không?
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Năm nay bạn có thể đăng ký rất nhiều môn thi khác nhau (8 môn và bao trùm cả 4 khối truyền thống). Các trường xét tuyển từng ngành theo từng tổ hợp môn (chứ không chỉ theo khối truyền thống cố định như trước). Bạn có thể chọn đăng ký thi và xét tuyển theo tổ hợp môn nào (theo điều kiện tuyển sinh của trường, ở từng ngành) mà bạn giỏi, có lợi thế nhất.
***
Kết thúc chương trình, nhà báo Thùy Ngân chia sẻ: Chúng tôi chúc các thí sinh hoàn thành tốt hồ sơ đăng ký dự thi, chọn môn thi phù hợp và chọn được một trường ĐH ưng ý phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân. Chúc các thí sinh thành công trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 27.4 với chủ đề “Để có nhiều cơ hội trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1" tại địa chỉ www.thanhnien.vn. Xin cảm ơn các thầy đã tham gia tư vấn trong chương trình hôm nay. Cảm ơn quý khán giả, độc giả theo dõi chương trình. Hẹn gặp lại trong chương trình ngày 27.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.