Tư vấn trực tuyến thi trắc nghiệm tiếng Anh và Hóa

25/01/2008 21:46 GMT+7

Chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến lần 4 của mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2008 trên Thanhnien Online vào lúc 15h ngày 28.1.

Các câu hỏi thắc mắc liên quan đến việc ôn thi, phương pháp làm bài thi trắc nghiệm các môn Tiếng Anh và Lý - Hóa dự thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ năm 2008, quy chế tuyển sinh và các vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ 2008 đã được các khách mời tham dự chương trình giải đáp đầy đủ cho các thí sinh.

Khách mời của chương trình gồm có tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM) và thầy Lê Kim Hùng (Tổ trưởng tổ Hóa, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM). Dưới đây là toàn bộ nội dung buổi trả lời trực tuyến.

* Cấu trúc đề thi năm 2008 có khác gì không so với năm 2007? Khi vào phòng thi có cho phép đem bảng hệ thống tuần hoàn hóa học không? (Trần Nhật Linh, 20 tuổi, Nam, Quảng Bình, Học sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng - Tổ trưởng tổ Hóa, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM: Cấu trúc đề thi năm nay không có gì khác với năm ngoái, vẫn theo cấu trúc:

+ TNPT & Bổ túc văn hóa (gồm 40 câu trong đó khoảng 10 câu bài tập): chia làm 2 phần

• Phần phân ban (40 câu)

- Phần chung cho 2 ban (KHTN, KHXH&NV): 33 câu

- Phần riêng:

     o KHTN: 7 câu

     o KHXH&NV: 7 câu

• Phần không phân ban (40 câu)

Đề thi ĐH, CĐ (gồm 50 câu, tỷ lệ lý thuyết - bài tập là 50/50):

Phần chung gồm có 44 câu.

Phần riêng cho mỗi ban là 6 câu.

- Cả 2 kỳ thi đều quy định thí sinh không được mang bảng hệ thống tuần hoàn hoá học vào phòng thi.

* Em xin hỏi phương pháp làm bài trắc nghiệm Anh văn phần đọc hiểu (chọn từ vào chỗ trống) và phần chọn trọng âm thế nào để điểm cao. Em thấy 2 phần này khó cho dù em đã luyện nhiều bài. (Phan nguyễn quang thái, 18 tuổi, Nam, hue, hocsinh)

- Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM: Câu hỏi của em có hai phần, một phần liên quan đến kiến thức ngữ âm và một phần liên quan đến kiến thức từ vựng. Cả hai phần này đều là những kiến thức cơ bản mà tất cả mọi thí sinh phải nắm để có thể làm tốt bài thi trắc nghiệm tiếng Anh.

Về kiến thức ngữ âm, tìm trọng âm là một trong hai nội dung kiểm tra trong bài thi trắc nghiệm tiếng Anh ở cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Để ôn tập tốt cho phần này, ngoài việc chú trọng phát âm đúng tất cả các từ mới ngay từ đầu bằng cách lập đi lập lại nhiều lần theo mẫu, em cần hệ thống hóa các quy luật dấu nhấn của các từ đa âm tiết, tức các từ có từ hai âm tiết trở lên.

Các từ trong tiếng Anh có thể chia làm hai loại, một loại có dấu nhấn không có quy luật, cần phải thuộc lòng, và không có phương pháp nào khác cho loại này. Tuy nhiên, rất may mắn là trong tiếng Anh có một số quy luật nhấn phổ biến liên quan đến các hậu tiếp tố (suffix, từng phần gắn thêm ở cuối từ như translate --> translation; modern --> modernize), vì vậy cách ôn tập tốt nhất cho phần này là kết hợp với việc ôn tập từ vựng. Các quy luật này không nhiều và có tính lập đi lập lại rất cao, chẳng hạn như luật đổi dấu nhấn sang vị trí âm tiết áp chót trong từ khi gặp hậu tiếp tố -ic (vd: history --> historic, poetry --> poetic...). Vì vậy chỉ cần nắm vững được các quy luật phổ biến này thì em sẽ dễ dàng giải quyết được phần ngữ âm của bài thi.

* Cho em hoi de thi mon hoa hoc trong ki thi dai hoc nam nay co thuoc nhieu phan trong chuong trinh lop 10, 11 khong? Khoang bao nhieu %? hoang lam, 17 tuổi, Nam, ca mau, hoc sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng: Đề thi môn Hóa năm nay vẫn chỉ tập trung vào các kiến thức ở lớp 12, tuy nhiên vẫn có 10% kiến thức thuộc lớp 10, 11 đối với thi TNPT và 20% đối với kỳ thi đại học.

* Lam the nao de nho ky cac cong thuc hoa hoc, cac phuong trinh phan ung hoa hoc a? Tuy lam kha nhieu bai tap nhung em lai hay quen nhung cai do lam. (van khoa, 18 tuổi, Nam, quy nhon, hoc sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng: Về Hóa Hữu cơ em phải nắm những tính chất chung như: Rượu + CuO -> Andehit, Andehit + H2 -> Rượu...

Về Hóa Vô cơ, em phải nắm cho được các chất oxi hóa, chất khử. Đối với bài sắt (Fe), em nên chú ý những trường hợp sẽ ra Fe (III) hoặc Fe (II), nguyên tắc Fe cộng với một axit có tính oxi hóa luôn cho ra Fe (III), ngược lại sẽ cho ra Fe (II).

Do đặc thù của môn Hóa học có rất nhiều trường hợp đặc biệt mà em buộc phải nhớ mà thời lượng chương trình có hạn, tôi không thể liệt kê được hết tất cả. Em nên tham khảo và ghi nhớ những kinh nghiệm mà các thầy cô trong trường dạy hằng ngày. Chúc em đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.

Đại diện báo Thanh Niên (bìa phải) tặng hoa cho các khách mới tham dự chương trình. Ảnh Ngọc Thạch

* Khi lam bai thi bang phuong phap trac nghiem noi chung va mon Hoa noi rieng HS thuong bi thieu thoi gian, vay xin hoi thay Le Kim Hung minh phai trang bi cho HS nhung ky nang can thiet nao de khi lam bai co ket qua tot? (hoang uynh, 56 tuổi, Nam, 44 lich Doi tp Hue , Giao vien )

- Thầy Lê Kim Hùng: Muốn chuẩn bị cho kỳ thi cho thật tốt bắt buộc phải làm nhiều bài trắc nghiệm, nên chọn những bài thi mẫu của Bộ GD-ĐT và những đề thi năm vừa rồi. Qua đó học sinh sẽ đúc kết cho mình được những kỹ năng, kinh nghiệm riêng để giải một bài trắc nghiệm

* Cấu trúc đề thi Tiếng Anh năm nay có giống như năm ngoái không? (thanhmai, 19 tuổi, Nữ, 78 Phạm Ngũ Lão.tpBuôn Ma Thuột, học sinh)

- Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT thông qua Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đề thi tiếng Anh năm nay không khác gì so với kỳ thi năm ngoái.

* Cho em hỏi cách nào giải môn Hoá nhanh và đủ thời gian? (Nguyễn thị yến my, 18 tuổi, Nữ, Đà nẵng , hoc sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng: Dưới đây là một số kinh nghiệm sẽ giúp các em giải quyết bài thi trắc nghiệm nhanh hơn và hiệu quả hơn:

- Làm các câu lí thuyết trước rồi mới làm các câu bài tập, câu dễ làm trước, câu khó làm sau (nhớ coi chừng bỏ sót).

- Đọc kỹ câu hỏi và đọc tất cả 4 phần A, B, C, D

- Những câu bài tập khó khăn quá có thể dùng đáp số để thử.

Sau khi làm xong phải đọc để kiểm tra xem có câu nào bị bỏ sót hay không, những câu không làm được mà hết giờ thì cứ đánh đại (may rủi) chứ không nên bỏ.

Chú ý: Không chủ quan, lụp chụp, mà phải kỹ lưỡng, thận trọng, chính xác.

* Cho em hỏi đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay về môn Hóa thì nội dung ôn tập như thế nào, và số câu cho từng phần là như thế nào? (NGUYEN DUC MINH, 17 tuổi, Nam, 163/31.thống nhất. f11. gò vấp, học sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng: Đề thi ĐH-CĐ năm nay vẫn như năm ngoái bao gồm 50 câu, trong đó tỷ lệ giữa lý thuyết và bài tập là 50/50, được chia làm 2 phần:

- Phần chung gồm có 44 câu.

- Phần riêng cho mỗi ban là 6 câu.

Về phần ôn tập em có thể tập trung vào những phần trọng tâm sau đây:

- Hóa hữu cơ: Biết sự liên quan giữa các chất và chú ý các bài sau đây: Rượu - Andehit - Axit - Este - Amino Axit - Gluxit - Polime.

- Hóa vô cơ: Dãy điện thế chuẩn từ đó biết được các chất oxi hóa, chất khử và chú ý các kim loại sau đây: Al, Fe và hợp chất của chúng, Cr, Cu, Ni, Zn, Ag, Sn.

* Du kien de thi mon Hoa nam co kho khong a? (le hoang hung, 17 tuổi, Nam, quang ngai, hoc sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng: Theo thầy, đề thi năm nay cũng như năm ngoái là hoàn toàn không khó. Tuy nhiên, có thể đề thi ĐH sẽ dễ hơn năm ngoái một chút. Đối với kỳ thi TNPT, nếu các em học bám sát chương trình, nắm vững kiến thức cơ bản thì chắc chắn sẽ đậu. Còn đối với ĐH, em cần đầu tư nhiều vào các kỹ năng giải bài tập. Cố gắng tìm tòi những cách giải hay, ngắn gọn đối với một bài toán chứ đừng chủ quan dựa vào các cách giải bình thường.

Thầy Lê Kim Hùng (bìa phải) và tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (bìa trái) đang trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Ngọc Thạch

* Em muốn quý báo có thể cho em biết về giới hạn chương trình của môn Hóa và Tiếng Anh được không ạ? (long, 18 tuổi, Nam, ha noi, hoc sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng: Đề thi hoàn toàn không có giới hạn vì đây là thi dưới hình thức trắc nghiệm, chỉ có những phần trọng tâm như trên tôi đã trình bày. Em nên học vững các kiến thức cơ bản và xoáy sâu vào phần trọng tâm thì sẽ có được kết quả tốt.

* Cô làm ơn cho cháu biết một số mẹo vặt trong khi làm bài thi trắc nghiệm được không ạ? (huyền, 17 tuổi, Nữ, bắc ninh, học sinh)

- Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Khi làm bài thi trắc nghiệm, em cần đặc biệt chú ý hai điều sau để có thể đạt được số điểm tối đa trong khả năng của mình:

Chú trọng phân phân bố thời gian hợp lý. Hiện nay, thời gian dành cho bài thi tiếng Anh cả ở kỳ thi Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học đều nằm trong khoảng hơn 1 phút cho một câu, tức thời gian tương đối dư dả cho thí sinh nếu nắm vững bài học và hiểu rõ yêu cầu của câu hỏi, nhưng sẽ không có thời gian để suy nghĩ từ đầu nếu thí sinh chưa hiểu rõ yêu cầu của bài thi. Vì vậy, “mẹo vặt” đầu tiên là cần đọc lướt toàn bài để xác định xem phần nào mình nắm thật vững để làm nhanh trước, sau đó thực hiện những phần khó và đòi hỏi thời gian nhiều hơn nhưng vẫn còn nằm trong khả năng của em, còn những phần quá khó thì để lại sau cùng và chỉ thực hiện khi còn thời gian. Nếu chỉ làm tuần tự từ trên xuống dưới thì có thể rơi vào tình trạng mất quá nhiều thời gian vào câu khó và làm sai, và không có thời gian để làm câu dễ mà lẽ ra mình đã có thể làm đúng.

Không bao giờ bỏ trống bất cứ phần nào. Sau khi em đã thực hiện lời khuyên trên và đến gần hết giờ thi vẫn còn một số câu mà em không thực sự hiểu rõ, thì hãy áp dụng khả năng suy đoán của mình để trả lời, dù có thể không chắc là mình làm đúng. Do cách chấm điểm hiện nay không trừ điểm khi thí sinh trả lời sai, nên nếu em quá thận trọng và để trống không trả lời khi mình chưa biết rõ, thì em đã tự làm hại mình vì có thể có các thí sinh khác cũng không hiểu rõ nhưng vẫn trả lời.

Chúc em may mắn trong kỳ thi.

* Cho em hỏi là tỉ lệ số câu giữa hữu cơ và vô cơ là bao nhiêu? Trong mỗi phần thì số câu bài tập là bao nhiêu? Có cho một số câu ngoài chương trình không ạ? (Thanh Ngọc, 17 tuổi, Nữ, Tiền Giang, học sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng: Đối với thi TNPT thì bài tập chỉ khoảng 10/40 câu, còn đối với kỳ thi ĐH thì tỷ lệ bài tập chiếm 50% số câu. Về tỷ lệ số câu giữa hữu cơ và vô cơ là bằng nhau, 50/50. Đề thi hoàn toàn không có những câu hỏi nằm ngoài chương trình.

* Phần đọc hiểu trong kỳ thi đại học đối với môn Anh văn thường xoay quanh những đề tài nào a? Em xin cảm ơn! (nhan, 17 tuổi, Nữ, thpt thị xã Quảng Trị, học sinh)

- Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Bài đọc trong phần đọc hiểu môn Anh văn trong kỳ thi đại học thường có độ dài trong khoảng 200-250 từ, và xoay quanh các đề tài thông thường có liên quan đến khoa học kỹ thuật, y học và sức khỏe, môi trường tự nhiên và xã hội, văn hóa, giáo dục, kinh tế, và đôi khi có các vấn đề thời sự và chính trị.

Một trong những kinh nghiệm tốt khi ôn thi là chú trọng những sự kiện đang diễn ra xung quanh và chuẩn bị đọc về những đề tài tương tự. Chẳng hạn, nhân dịp kỷ niệm 1 năm Việt Nam gia nhập WTO, các bài đọc trong kỳ thi có thể sẽ có liên quan đến cac vấn đề hội nhập kinh tế hoặc toàn cầu hóa, chẳng hạn.

* Thưa thầy cô, có phải mỗi câu trắc nghiệm đều 0,2 điểm không ạ? Hay là thang điểm của những câu khó thì nhiều hơn? Trong môn Hóa thì cần học như thế nào để có thể đạt được 8 điểm trở lên ạ? Hiện giờ em đang học trắc nghiệm trực tuyến trên trang học mãi và điểm số của em không được ổn định khi làm bài thi của cùng một chủ đề. Thầy cô có thể cho em một lời khuyên được không ạ? Em rất cám ơn thầy cô. (vũ quỳnh, 18 tuổi, Nữ, thái bình, học sinh)

- Thầy Lê Kim Hùng: Điểm số của mỗi câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm là như nhau, không phân biệt câu khó hay dễ. Đối với môn Hóa, nếu muốn đạt điểm cao trước hết phải nắm vững lý thuyết, sau đó em cần làm chắc các bài tập cơ bản trong SGK và sách bài tập. Về ôn tập, chủ yếu em nên học theo các phương pháp thầy cô dạy ở trường, lớp. Trong những trường hợp không thể đến lớp học, em nên lựa chọn các chương trình, bài thi do Bộ GD-ĐT đưa ra trước rồi mới học thêm những kiến thức nâng cao.

* Chao tien si Anh! em la mot thi sinh nam nay co nguyen vong thi khoi D. Đối với bộ môn anh van, em khong ro lam cau truc cua de thi ra sao va doi voi mot thi sinh nhu em can phai chuan bi cho minh that ky nhung gi khi buoc vao phong thi? (tuyền, 17 tuổi, Nữ, 191/1e trần kế xương_ Q.PN _TP.HCM, học sinh)

- Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Đề thi Anh văn trong cả hai kỳ thi Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học đều có những phần chính như nhau, mặc dù khác nhau về độ khó, số câu hỏi, và thời gian làm bài thi. Những phần chính trong bài thi Anh văn như sau:

- Ngữ âm (pronunciation): gồm 2 nội dung là phát âm (nguyên âm và phụ âm) và tìm dấu nhấn (trọng âm).

- Từ vựng (vocabulary), ngữ pháp (grammar), và cách dùng phù hợp (usage): bao trùm toàn bộ các kiến thức cơ bản mà thí sinh đã học trong chương trình trung học phổ thông.

- Đọc hiểu: gồm 1 bài đọc trong khoảng 200-250 từ, với 2 cách kiểm tra khác nhau: (1) chọn câu trả lời đúng để điền vào chỗ trống đã được tạo ra sẵn trong bài đọc. Đây là phương pháp kiểm tra tổng hợp, nhằm kiểm tra những kiến thức cơ bản về từ vựng, ngữ pháp và cấu trúc đoạn văn của thí sinh; (2) đọc bài và trả lời những câu hỏi đọc hiểu bằng cách chọn trong số những câu trả lời cho sẵn. Đây là phần đòi hỏi thí sinh phải vận dụng khả năng sử dụng ngôn ngữ và kiến thức tổng quát nhiều nhất, và cũng là phần thí sinh dễ làm sai nhất nếu không đọc và cân nhắc kỹ câu trả lời.

- Viết: cũng bao gồm 2 phương pháp kiểm tra khác nhau: (1) xác định câu sai: thí sinh đọc một câu có 4 phần có gạch chân, trong đó có một phần không đúng. Nhiệm vụ của thí sinh là xác định được phần sai. (2) chọn câu có cùng nghĩa với câu gốc (paraphrase). Thí sinh đọc một câu cho sẵn, sau đó đọc 4 lựa chọn trong đó có một câu có nghĩa gần nhất so với câu gốc. Thí sinh cần đọc và chọn ra câu này. Cả hai phần này đều đòi hỏi thí sinh phải nắm thật vững kiến thức tiếng Anh và đọc kỹ đề tìm ra sự khác biệt giữa các lựa chọn để làm cho đúng.

Chúc em làm tốt bài thi.

Ảnh Ngọc Thạch

* Cho em hỏi là cấu trúc thi trắc nghiệm có đánh giá hết được khả năng thật sự của một học sinh hay không? (Đinh Hoàng Phong, 16 tuổi, Nam, TPHCM, học sinh)

- Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Xin chúc mừng vì câu hỏi rất sắc sảo của em. Hỏi, có nghĩa là đã trả lời rồi, phải không? Thật ra ai cũng biết là không có một hình thức kiểm tra nào là đa năng, dù đó là hình thức trắc nghiệm, tự luận, hay vấn đáp cũng vậy.

Hình thức trắc nghiệm tất nhiên cũng có một số hạn chế. Chẳng hạn, trắc nghiệm chắc chắn không kiểm tra được kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ (nói hoặc viết), và cũng khó kiểm tra được tính sáng tạo do thí sinh chỉ lựa chọn trong những lựa chọn được cho sẵn.

Tuy nhiên, đối với môn tiếng Anh, trình độ của thí sinh trong các kỳ thi Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học vẫn chưa đủ cao để đòi hỏi phải sử dụng các hình thức thi khác như tự luận hoặc vấn đáp. Vả lại, nếu sử dụng đề thi tự luận như trước đây vẫn thường thấy trong đề thi cũ (trước khi chuyển sang hoàn toàn trắc nghiệm) thì có những vấn đề dường như không giải quyết được, đó là: (1) do trình độ thấp nên đề tự luận chỉ quanh đi quẩn lại có một số câu quen thuộc, khiến thí sinh có thể có khuynh hướng học thuộc lòng một số bài mẫu, như vậy dù kiểm tra dưới hình thức tự luận nhưng cũng không hề kiểm tra tính sáng tạo. (2) Ai cũng biết là điểm thi tự luận thường có độ tin cậy thấp, tức các giám khảo khác nhau có thể có độ nới tay hoặc chặt tay khác nhau khi cho điểm, dẫn đến tình trạng học tài thi phận.

Vì vậy, cân nhắc mọi điều thì quyết định áp dụng thi trắc nghiệm cho môn Anh văn trong 2 kỳ thi quan trọng là Tốt nghiệp và Tuyển sinh vẫn là tối ưu nhất.

Chúc em có cơ hội thể hiện được tối đa khả năng thật của mình trong kỳ thi.

* Em rất muốn biết môn Anh văn khi ra đề thi thường chiếm bao nhiêu % trong chuong trinh học, bao nhieu % sách tham khảo và em nên chọn cuốn sách nào để ôn là tốt nhất ạ? (nhan, 17 tuổi, Nữ, thpt thị xã Quảng Trị, học sinh)

- Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Trên nguyên tắc, đề thi tốt nghiệp chủ yếu dựa vào sách giáo khoa, có thể đến 80%; phần còn lại là phần mở rộng để tạo sự phân hóa đối với thí sinh. Đề thi tuyển sinh có thể có tỷ lệ 50-60% trong sách giáo khoa, phần còn lại lấy từ bên ngoài để tạo cơ hội phát hiện những thí sinh có trình độ tốt nhất để tuyển vào đại học.

Về tài liệu tham khảo, đối với hình thức trắc nghiệm thì lời khuyên vẫn là học thật kỹ chương trình. Ngoài ra, phần đọc hiểu có thể tham khảo các tài liệu luyện thi đọc hiểu cho trình độ B có bán sẵn trên thị trường, hoặc nếu em có điều kiện thì có thể đọc các bài đọc về khoa học kỹ thuật, y học và đời sống, giáo dục, văn hóa, xã hội... trên Internet. Trong trang web của wikipedia (www.wikipedia.org) có những bài đọc được viết bằng tiếng Anh đơn giản hóa rất phù hợp trình độ của em, nếu sử dụng để mở rộng kiến thức thì rất tốt.

* Chương trình làm ơn cho em hỏi để học trắc nghiệm môn Anh văn trên Internet thì có những trang web nào? (Hà quang Hiếu, 14 tuổi, Nam, 124 Đồ Chiểu F3 TP Vũng tàu, Học Sinh)

- Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Hiện nay có rất nhiều trang web có thể cung cấp cho em các bài kiểm tra tiếng Anh dưới dạng trắc nghiệm, nhưng một trang rất tốt mà em có thể dùng để học là trang Học tiếng Anh của Đài BBC (http://www.bbc.co.uk/). Trên trang này có rất nhiều bài trắc nghiệm cho mọi kỹ năng tiếng Anh.

Thanhnien Online - Ban Giáo dục
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.