Tư vấn trực tuyến ôn thi tốt nghiệp môn Toán

06/05/2008 15:30 GMT+7

Vào lúc 15h ngày 9.5, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tổ chức tư vấn trực tuyến hướng dẫn những kỹ năng ôn tập và kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Toán năm học 2007-2008. Khách mời của chương trình gồm ông Quách Tú Chương - Chuyên viên môn Toán, Sở GD-ĐT TP.HCM và ông Phạm Hồng Hải - Giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM).

* Cho em hỏi là ngoài việc giải các đề toán thiệt nhiều thì cần phải nắm kiến thức khái quát như thế nào để làm một bài thi hoàn chỉnh và thật tốt (nhất là các câu khó)? (phuong mai)

- Ông Quách Tú Chương - Chuyên viên môn Toán, Sở GD-ĐT TP.HCM: Thứ nhất em cần nắm thật kỹ các kiến thức căn bản trong SGK và giải lại các bài toán đã học trong năm. Để bài thi được hoàn chỉnh em cần phải biết cách trình bày lời giải cho ngắn gọn, xúc tích, tính toán chính xác.

* Neu on toan thi nen on phan nao truoc va nen tap trung on phan nao? (mai thi hong - kp5, p.dong hung thuan, q.12, tp.hcm)

- Thầy Phạm Hồng Hải - Giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM): Em phải ôn theo chủ đề. Phần giải tích thì có 3 chủ đề chính: 1. Đạo hàm và khảo sát, 2. Nguyên hàm tích phân và ứng dụng, 3. Đại số tổ hợp.

Phần hình học gồm 2 chủ đề chính: 1. Phương pháp tọa độ trong mặt phẳng, 2. Phương pháp tọa độ trong không gian.

Nội dung ôn tập cần bám sát sách giáo khoa, các kiến thức và kỹ năng cơ bản.

* Em khong biet hoc toan nhu the nao? Vay em phai hoc nhu the nao de giup em cai thien hon, ky thi sap den roi em khong biet phai lam sao? Nam nay mon toan ra nhu the nao? Co kho hon nam truoc hay khong? Hinh thuc thi ra sao a? (trần ngọc hà,
hàm chính - hàm thuận bắc - bình thuận)

- Ông Quách Tú Chương: Ở thời điểm này em nên làm lại các bài tập trong SGK đã học trong năm học, ôn lại các công thức căn bản. Đề thi ra cho kỳ thi tốt nghiệp chỉ chú trọng phần cơ bản của lớp 12. Hàng năm chỉ có 1 câu khó (1 điểm), năm nay thì chưa biết.

* Cho em hỏi cách trình bày môn toán trong khi thi tốt nghiệp? (Bùi Khắc Vinh - Chi Cong, Tuy Phong, Binh Thuan)

- Thầy Phạm Hồng Hải: Phải trình bày từng câu, các chi tiết lập luận cần phải chính xác, kể cả các ký hiệu toán, các công thức trong SGK. Hoàn chỉnh từng câu đầy đủ.

* Thua cac thay (co), mon Toan la mot mon kha kho voi nhieu dang bai, vay co cach nao de hoc va nho het cac dang toan ma khong bi nham lan voi nhau khong? (Song Huong - 12/B Le Van Tam, TP.HCM)

- Thầy Phạm Hồng Hải: Để làm tốt các dạng bài thì trước tiên cần thuộc và hiểu thật kỹ các định lý, các công thức liên quan đến từng bài học, từng chương và khả năng vận dụng các định lý công thức đó cho từng bài tập.

Trước tiên, làm thật kỹ các bài cơ bản, luyện tập thành thạo kỹ năng giải để nắm được từng dạng bài tập, không nên học vẹt một cách giải mà cần phải tập suy luận.

Đại diện báo Thanh Niên (trái), đang tặng hoa cho các khách mời tham dự chương trình. Ảnh Khả Hòa

* Em muon hoi ve cach ra de thi nam nay? (vu hong nhung, 64b minh khai_truong dinh_hai ba trung _ha noi)

- Ông Quách Tú Chương: Các năm trước đề thi thường bao gồm:

* Chương trình không phân ban:

+ Phần giải tích (từ 6 - 6,5 điểm): 1 bài khảo sát hàm số + các vấn đề về hàm số, 1 bài về tính tích phân, 1 bài về đại số tổ hợp và 1 bài về các vấn đề hàm số như tiệm cận, tìm giá trị lớn nhất - nhỏ nhất...

+ Phần hình học (3,5 - 4 điểm): 1 bài toán trong mặt phẳng Oxy, 1 bài trong không gian Oxyz

* Chương trình phân ban:

+ Phần giải tích (từ 6 - 6,5 điểm): 1 bài khảo sát hàm số + các vấn đề về hàm số, 1 bài về tính tích phân, 1 bài về số phức, 1 bài về phương trình mũ, logarit và 1 bài về các vấn đề hàm số như tiệm cận, tìm giá trị lớn nhất - nhỏ nhất...

+ Phần hình học (3,5 - 4 điểm): 1 đến 2 bài trong không gian Oxyz

* Cac loai may tinh su dung trong ki thi TNPT. Cau truc de thi mon toan? (giap, tamky)

- Ông Quách Tú Chương: Theo văn bản mới nhất của Bộ GD-ĐT thì chỉ cấm các máy tính có khả năng soạn thảo văn bản, có thẻ nhớ. Tất cả các máy khác đều dùng được. Phần cấu trúc đề thi môn Toán em có thể tham khảo ở câu trên.

* Cho em hỏi, nếu 1 người mất căn bản hoàn toàn môn toán thì làm sao lấy lại căn bản trong thời gian ngắn nhất? Để thi tốt môn toán tốt nghiệp lần này em cần chuẩn bị chủ yếu những gì? Và cách làm thật tốt môn toán trong thời gian 90 phút ra sao? Có thể cho em biết được không? Cám ơn nhiều (Anh Phong, Biên Hòa, Đồng Nai)

- Thầy Phạm Hồng Hải: Để lấy lại căn bản thì trước mắt phải học thật kỹ phần lý thuyết, công thức căn bản. Làm lại bài tập căn bản của sách giáo khoa.

Để làm bài tốt trong kỳ thi, cần đọc thật kỹ đề bài, chọn câu dễ, câu thích hợp của mình làm trước và thật cẩn thận, vì thông thường các câu cơ bản thì điểm cao, sau đó làm tiếp các phần còn lại.

Trong quá trình đang làm bài, nếu thấy có ý liên quan đến các câu hỏi khác, thì ghi ra giấy nháp để chút nữa quay lại dùng.

* Em muốn hỏi năm nay thi tốt nghiệp cũng vẫn 6 môn giống mọi năm không? Thi những môn gì? Chúng em ở vùng sâu vùng xa nên nắm bắt thông tin rất là chậm ạ,  em xin các anh chị hãy giúp em trả lời câu hỏi này. (nguyen thị an, trường cấp 3 yJút - Đăk Lắk)

- Ông Quách Tú Chương: Năm nay thi TNPT gồm 6 môn là: Văn, Sử, Ngoại ngữ, Toán, Lý, Sinh. Thi thay thế môn ngoại ngữ là môn Hóa.

Ông Quách Tú Chương (trái), đang giải đáp những thắc mắc của thí sinh. Ảnh Khả Hòa

* Xin cho hỏi em đang ôn thi môn toán theo hệ chuyên ban thí điểm. Trong sách giáo khoa của hệ chuyên ban thí điểm này có rất nhiều điểm khác với sách giáo khoa hệ không phân ban. Ví dụ, trong bài khảo sát hàm bậc 3 không sử dụng bảng xác định khoảng lồi, lõm, điểm uốn mà chỉ ghi điểm uốn hay không khảo sát hàm bậc 2 trên bậc nhất, không xác định tiệm cận xiên. Như vậy trong đề thi đại học thì nếu đề bài ra vào các dạng trên thì chúng em sẽ phải làm thế nào? (Đỗ Hữu Cần, P304, KTX Đại học Bách Khoa Hà Nội)

- Ông Quách Tú Chương: Nếu em học hệ phân ban thí điểm thì trình bày theo đúng SGK của phân ban thí điểm.

* Cho em hỏi có được dùng máy tính để giải phần tích phân như trong cách giải thứ 2 của sách hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT phát hành không ạ? (khuongduy)

- Ông Quách Tú Chương: Em nên trình bày theo đúng các bước của phép tính tích phân, máy tính chỉ giúp em kiểm tra kết quả tính toán.

* Cho em hỏi phương pháp ôn tập môn Toán khi ngày thi tốt nghiệp đang đến gần mà sức học em lại chỉ ở mức độ trung bình? (Trần Hoàng Khánh An, Đồng Nai)

- Ông Quách Tú Chương: Em phải ôn lại các kiến thức cơ bản và làm lại các bài tập trong SGK mà em đã học trong năm.

* Các thầy cho em hỏi là phần giải bất đẳng thức và tìm GTNN, GTLN có phân theo dạng toán nào hay không, hay mỗi bài có 1 phương pháp riêng ạ? Em cảm ơn (Lê Mỹ Chí Thuận - Quảng Ngãi)

- Thầy Phạm Hồng Hải: Trong phần thi TNPT thì phần bất đẳng thức và tìm giái trị lớn nhất, nhỏ nhất thông thường đưa về các dạng:

- Dùng tính đơn điệu và cực trị của hàm số

- Sử dụng bảng biến thiên của hàm số

- Tìm miền giái trị của hàm số

* Cac loai may tinh su dung trong ki thi tnpt? Cau truc de thi mon toan? (Giap - Tam Ky)

- Thầy Phạm Hồng Hải: Theo quy định, không sử dụng máy tính soạn thảo văn bản được, không sử dụng máy tính có thẻ nhớ.

Thầy Phạm Hồng Hải (phải), đang tư vấn trực tuyến cho các thí sinh. Ảnh Khả Hòa

* Cac thay co the chi cho chung em nhung kinh nghiem lam tot 1 bai thi mon Toan? (Trần Quang Duẩn, Hải Phòng)

- Ông Quách Tú Chương: Trước tiên, em nên đọc đề thật kỹ, chọn những câu dễ (căn bản) và làm trước cho thật hoàn chỉnh, sau đó mới tập trung vào làm những câu khó hơn. Điều cốt yếu là phải trình bày lời giải cho thật tốt, tính toán kỹ lưỡng, cẩn thận tránh để mất điểm một cách đáng tiếc. Trước khi nộp bài, nên kiểm tra lại các phép tính, lập luận. Nếu nắm vững các kiến thức căn bản thầy tin em sẽ hoàn thành bài thi TNPT thật tốt.

* Trong khi làm bài, em nên làm những phần nào, trong kỳ thi này khi vẽ đồ thị hàm số xấu thì có bị trừ điểm không? Em xin cám ơn! (trần nhân tâm, 310 tăng bạt hô-phú binh-huế)

- Ông Quách Tú Chương: Khi em vẽ đồ thị sai dạng thì bị trừ điểm là hiển nhiên. Tốt nhất em nên vẽ đầy đủ:

- Hệ trục tọa độ Ox, Oy.
- Các điểm cực đại, cực tiểu, điểm uốn (nếu có) phải có các tọa độ trên 2 trục.
- Các tiệm cận.
- Dạng đồ thị.

Cần chú ý: tính đối xứng của đồ thị và các nhánh ra vô cực.

* O chuong trinh khong phan ban logarit co thi khong a? (Nguyen Viet Duc)

- Ông Quách Tú Chương: Giải phương trình, bất phương trình về logarit thì không có nhưng kiến thức về logarit và hàm mũ thì em vẫn phải nắm vững để tính đạo hàm và tích phân (chương trình không phân ban).

* Trong một bài toán khi không giải theo đúng đáp án nhưng vẫn ra kết quả đúng thì có được điểm tối đa không? Cách tính điểm từng phần như thế nào đối với những lời giải như vậy? (Công - Phú Thọ)

- Thầy Phạm Hồng Hải: Mọi cách giải hơp lý và đúng theo chương trình vẫn được điểm tối đa, điểm từng phần tính tương ứng theo đáp án và được Ban hướng dẫn chấm thi trao đổi trong khi chấm.

* Em muốn hỏi trong đề thi Toán TNTHPT có phải năm nào cũng có phần đại số tổ hợp & mặt cầu? Bài toán của dạng này sẽ cho loại khó hay chỉ cho ở dạng căn bản? (Huỳnh Ngọc Như Thủy, 105/26 Nguyễn Thị Tú ,p.BHH,q BT)

- Ông Quách Tú Chương: Phần này không chắc chắn năm nào cũng có nhưng nếu có thì cũng chỉ ra dạng căn bản.

* Mỗi thí sinh khi làm bài đều có 1 cách giải riêng. Vậy cho em hỏi khi chấm thi sẽ như thế nào? (Nguyen Phan Hai Khiem, khu pho 3_Phan Rang Thap Chap, Ninh Thuan)

- Ông Quách Tú Chương: Tuy mỗi thí sinh đều có cách giải khác nhau nhưng điều quan trọng là phải làm đúng. Phần nào đúng thì các thầy vẫn cho điểm.

* Xin thầy cho biết khi vẽ đồ thị hàm số có được vẽ bằng bút chì không, sử dụng compa vẽ vòng tròn thì có được vẽ bằng bút chì hay vẽ bằng bút mực? (Lê Văn Thông – Bắc Bình, Bình Thuận)

- Ông Quách Tú Chương: Chỉ duy nhất sử dụng compa vẽ đường tròn thì được dùng bút chì còn lại thì phải sử dụng bút mực để vẽ (dùng thống nhất 1 màu mực).

* Xin cho biết làm thế nào để ôn tập và làm tốt các bài toán về hình học không gian? (Nguyễn Văn Minh, Quận 3, TP.HCM)

- Ông Quách Tú Chương: Ở phần thi tốt nghiệp THPT, các em phải chú ý ôn tập phần hình học giải tích trong không gian Oxyz. Nếu em học chương trình phân ban thí điểm thì em cần chú ý thêm các dạng bài tập về:

- Tính thể tích khối lăng trụ và khối chóp.
- Tính diện tích mặt cầu, thể tích khối cầu.
- Tính diện tích xung quanh hình nón, diện tích xung quanh hình trụ.

Lưu ý khi ôn tập:

- Ôn thật kỹ các kiến thức cơ bản, các định nghĩa..., bám sát SGK không bỏ qua phần nào.

 - Cần thuộc thật kỹ các định lý, các công thức liên quan đến từng tiết mục, từng bài học.

- Thuộc và hiểu đúng các giả thuyết liên quan của từng định lý, từng công thức và nhất là khả năng vận dụng các định lý, công thức đó vào từng loại bài tập.

- Ôn luyện nhằm thành thạo các dạng bài tập chứ không phải thuộc "vẹt" hay luyện tủ một bài cụ thể.

- Bài thi tốt nghiệp phổ thông là bài tập và câu hỏi cơ bản, không nên sa đà vào các bài tập quá khó.

Lưu ý khi làm bài thi:

- Đọc thật kỹ toàn bộ đề bài và chọn câu dễ, câu thích hợp, câu sở trường của mình làm trước và làm thật cẩn thận kể cả phần tính toán.

- Các bài điểm cao là các câu hỏi, bài tập kiểm tra kiến thức cơ bản nhất, nhưng một số học sinh lại chủ quan làm thật nhanh nhưng lại sai về tính toán.

- Cần làm hoàn chỉnh từng bài, từng câu, mỗi chi tiết, phương trình, lập luận cần chính xác vì môn Toán thi tự luận.

Thầy Phạm Hồng Hải
Giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM)

Ban Thanhnien Online - Giáo dục
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.