Tư vấn trực tuyến ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử và Sinh học

20/05/2008 15:54 GMT+7

hrefVào lúc 15h ngày 20.5, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên đã tổ chức tư vấn trực tuyến, hướng dẫn những kỹ năng ôn tập và kinh nghiệm làm bài thi môn Lịch sử và Sinh học tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008 trên Thanhnien Online. Khách mời gồm ông Trần Như Thanh Tâm và ông Lê Ngọc Lập - Chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM.

* Cho em hỏi cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Sinh học năm nay có bao nhiêu phần trăm là lí thuyết và bao nhiêu phần trăm là các bài toán. Em xin cảm ơn! (Ngo Phuong Thuy, 197 Le Hong Phong, Cam Loc, Cam Ranh, Khanh Hoa)

- Ông Lê Ngọc Lập - Chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM: Cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Sinh học phần lý thuyết và bài tập đan xen vào nhau. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi lý thuyết nhiều hơn so với câu hỏi về bài tập.

* Học Sử như thế nào cho nhanh thuộc và nắm bài tốt, và ôn thi tốt nghiệp cần nắm trọng tâm phần nào? (vân anh, Đông Hà, Quảng Trị)

- Ông Trần Như Thanh Tâm, Chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM: Để học Sử cho nhanh và nắm bài tốt, các em cần có cách ôn tập cho khoa học, có nghĩa là các em phải biết nắm vững các kiến thức cơ bản của bài học và từ đó các em mới có thể trình bày bài làm của mình thật đầy đủ và đúng theo yêu cầu của câu hỏi.

Để có thể nhớ bài học một cách lâu dài thì các em nên có những bảng tóm lược các giai đoạn lịch sử. Ví dụ bảng tóm lược về các chiến thắng quan trọng của ta trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp như: chiến thắng Việt Bắc (1947), Thu Đông (1950), Đông Xuân (1953-1954)... hoặc là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các em cũng cần phải lập một bảng tóm lược về các chiến lược mà Mỹ đã thực hiện ở miền Nam Việt Nam.

Về trọng tâm ôn tập, Bộ GD-ĐT cũng đã phổ biến hướng dẫn trọng tâm ôn tập môn Sử năm học 2007-2008. Trong quá trình ôn tập, các thầy cô đứng lớp đã hướng dẫn các em ôn theo trọng tâm này. Điều quan trọng là các em cố gắng nắm vững các kiến thức cơ bản của các trọng tâm như tôi đã trình bày ở trên.

Đại diện báo Thanh Niên (trái) tặng hoa cho các khách mời tham dự chương trình. Ảnh Ngọc Thạch

* Em muon thay co, chuyen gia tu van giup chung em, chi cho chung em cac phan on tap trong tam cua mon Sinh de chung em on tap mot cach tot nhat. (Nguyen Anh Hung, Da Nang)

- Ông Lê Ngọc Lập: Để học môn Sinh đạt kết quả tốt, các em cần học kỹ bài trong SGK; nắm vững và hiểu rõ tường tận các kiến thức; tóm tắt ý của từng bài; hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ, bảng tóm tắt. Làm và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm theo từng bài, từng chương. Rút kinh nghiệm những câu làm không đúng (đọc kỹ lại bài học để biết những chỗ do hiểu không đúng dẫn đến làm sai câu hỏi trắc nghiệm). Có kế hoạch để ôn bài, luyện tập các câu hỏi trắc nghiệm.

* Em học môn Sinh gần hết rồi, nhưng sao bây giờ lại thấy đầu mình trống rỗng chẳng nhớ được nhiều. Em phải làm sao bây giờ? Môn Sinh, phần các Đại, các Kỷ có cần học không ạ? Em thấy phần này khó học quá. (Trâm, lagi, Bình Thuận)

- Ông Lê Ngọc Lập: Để học môn Sinh đạt kết quả tốt, các em cần nắm các ý trong từng bài. Riêng về phần các Đại, các Kỷ, các em nên học dưới dạng bảng tóm tắt, trong đó lưu ý những điểm nổi bật, riêng biệt của các Đại, các Kỷ.

* Thầy cho em hỏi cấu trúc đề thi môn Lịch sử năm nay như thế nào? (Nguyễn Thị Anh Lý, Đà Nẵng)

- Ông Trần Như Thanh Tâm: Mọi năm cấu trúc đề Lịch sử bao gồm 2 phần: phần lịch sử Việt Nam (khoảng 7 điểm) và phần lịch sử thế giới (khoảng 3 điểm). Năm nay, theo thông báo của Bộ, số câu hỏi có thể nhiều hơn, nhưng theo tôi, vẫn có thể nằm trong khung điểm như trên. Đối với bộ môn Lịch sử, thường ra 2 đề chọn 1, nên thí sinh có nhiều khả năng lựa chọn những câu hỏi mà mình có thể làm được.

* Cho em hỏi làm sao để làm bài tốt môn Sinh học, đặc biệt là các bài toán? (nhiều bạn đọc)

- Ông Lê Ngọc Lập: Về phần bài tập, để làm tốt các câu hỏi trắc nghiệm có liên quan đến bài tập, các em cần nắm vững các công thức tính chiều dài, phân tử lượng… của gen, so sánh số lượng các loại nucleotit, số liên kết hydro, số nucleotit môi trường cung cấp trong quá trình tự nhân đôi của gen ban đầu và gen đột biến, từ đó xác định dạng đột biến gen.

Trong câu hỏi trắc nghiệm bài tập về đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể, các em cần nhận xét theo dữ kiện của đề bài để xác định các dạng đột biến cấu trúc. Ở câu hỏi trắc nghiệm bài tập về đột biến số lượng nhiễm sắc thể, các em cần nắm vững cách viết giao tử, sơ đồ lai, các tỷ lệ kiểu gen, tỷ lệ kiểu hình (35:1; 11:1…).

Ở câu hỏi trắc nghiệm bài tập về di truyền học quần thể, các em cần nắm vững cách tính tần số tương đối các alen, xác định cấu trúc di truyền của quần thể có cân bằng hay không cân bằng…

* Cho tôi hỏi tại sao mấy năm trước đây môn Sử có hạn chế mà tại sao năm này lại không hạn chế bài nào? Theo tôi được biết thì năm ngoái môn Sử có hạn chế 1 phần mà. Ví dụ như 4 phần cũng hạn chế được 1 phần, nhưng sao năm này lại không hạn chế 1 phần nào vậy? Năm nay là năm cuối cùng học theo sách cũ mà sao lại khó đến như vậy. Mong quý báo tư vấn cho tôi vấn đề này. (minh nhật, 118 dồng nai, nha trang, Khánh Hòa)

- Ông Trần Như Thanh Tâm: Thực ra năm nay Bộ cũng có sự hướng dẫn về nội dung ôn tập môn Lịch sử năm học 2007-2008. Hướng dẫn này nằm từ trang 7 đến trang 10 trong cuốn "Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử năm học 2007-2008" do NXB Giáo dục ấn hành vào tháng 3.2008 (chương trình không phân ban). Đối với chương trình phân ban thì nằm từ trang 10 đến trang 17.

Ông Trần Như Thanh Tâm (trái), đang tư  vấn trực tuyến cho các thí sinh. Ảnh Ngọc Thạch

* Trong môn Sinh thi tốt nghiệp, có phải mình chỉ cần học kỹ 3 chương: biến dị, úng dụng di truyền học vào chọn giống, nguyên nhân và cơ chế tiến hóa, thì mình có thể làm được 32 câu trong đề thi phải không? Vì em thấy cấu trúc đề thi là như thế. Đồng thời cho em hỏi môn Sinh có được giới hạn chương hay bài nào không, và đề thi có khó như đề thi thử TNPT của TP.HCM không? (võ xuân dễ)

- Ông Lê Ngọc Lập: Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT dành cho thí sinh chương trình không phân ban gồm các chương:

1. Biến dị
2. Ứng dụng di truyền học vào chọn giống
3. Di truyền học người
4. Phát sinh sự sống
5. Sự phát triển của sinh vật
6. Nguyên nhân và cơ chế tiến hóa
7. Phát sinh loài người

Như vậy, để việc ôn tập và làm bài đạt kết quả tốt, em cần học kỹ bài trong SGK, theo sự hướng dẫn ôn tập của các thầy cô ở trường.

* Em học Sử gần hết rồi, nhưng sao bây giờ lại thấy đầu mình trống rỗng chẳng nhớ được nhiều, em phải làm sao bây giờ? (Lai - Bình Thuận)

- Ông Trần Như Thanh Tâm: Có 2 vấn đề theo tôi nghĩ đã xảy ra với em: một là cách ôn tập của em chưa khoa học, có nghĩa là em chưa nắm được những kiến thức cơ bản như đã trình bày ở trên, hai là do em quá mệt mỏi trong lúc ôn tập nhiều môn một lúc. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây, theo tôi, chính là ở cách học của em. Phần lớn học sinh hay quên kiến thức đã học chủ yếu là do cách học thuộc lòng. Điều này rất nguy hiểm bởi vì khi đi thi các em sẽ dễ bị mất bình tĩnh dẫn đến việc quên hết các kiến thức đã học.

* Với môn Lịch sử, nên viết liền thành đoạn hay nên viết rời từng ý? Nếu gạch đầu dòng, dùng dấu mũi tên "=>" có bị coi là đánh dấu bài không? (Đức)

- Ông Trần Như Thanh Tâm: Theo tôi, Lịch sử là một môn Khoa học xã hội, nên khi làm bài cũng phải chú ý đến cách hành văn. Vì thế, các em không nên làm bài theo cách viết rời từng ý và không nên dùng các dấu mũi tên "-->" trong bài làm của mình.

* Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành cuốn sách "Hướng dẫn ôn tập thi TN THPT năm học 2007 - 2008 môn Lịch sử". Em xin hỏi những phần kiến thức trong đó có đủ để thi ĐH không? Vì thấy trong đó kiến thức được giới hạn ít hơn chương trình chúng em được học. Xin cảm ơn quí thầy cô! (Nguyễn Thị Anh Lý, Đà Nẵng)

- Ông Trần Như Thanh Tâm: Kỳ thi TN chỉ yêu cầu thí sinh nắm vững một số kiến thức của chương trình lớp 12. Do đó hằng năm Bộ đều có hướng dẫn ôn tập đối với bộ môn Lịch sử trong kỳ thi TN, nhưng đối với kỳ thi ĐH thì sẽ không có sự hạn chế chương trình như kỳ thi TNPT do phải tuyển lựa học sinh giỏi vào các trường ĐH. Chính vì thế cuốn "Hướng dẫn ôn thi TNPT" không đủ để em ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi ĐH.

* Thua thay cho em hoi cach thuc lam bai thi trac nghiem mon Sinh hoc (nhiều bạn đọc)

- Ông Lê Ngọc Lập: Để làm bài trắc nghiệm đạt kết quả tốt, các em cần lưu ý:

1. Đọc toàn bộ các câu hỏi trong đề trắc nghiệm (40 câu).

2. Làm trước những câu dễ mà em biết. Sau đó sẽ làm tiếp những câu hỏi khó hơn cần suy luận, tính toán.

3. Về thời gian để làm các câu trắc nghiệm nên phân bố hợp lý, không mất thời giờ quá lâu cho một câu trắc nghiệm nào đó. Phải tận dụng toàn bộ thời gian để làm bài.

4. Đối với những câu trắc nghiệm như: phát biểu hoặc điều nào sau đây là không đúng. Các em cần tìm phương án không đúng trong 4 phương án của câu hỏi. Hoặc những câu hỏi liên hệ đến nhiều vấn đề. Hoặc những câu hỏi về bài tập phức tạp, các em phải làm nhiều phép tính để có đáp án chính xác.

5. Cần đọc đi đọc lại nhiều lần đối với những câu hỏi khó trong đề để có đáp án chính xác.

6. Phải cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi trắc nghiệm, không bỏ trống một câu nào cả.

7. Kiểm tra lại lần cuối phần trả lời các câu trắc nghiệm.

Ông Lê Ngọc Lập (trái), đang giải đáp các thắc mắc của bạn đọc.
Ảnh Ngọc Thạch

* Hiện nay việc trả lời câu hỏi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm, em thấy phải trả lời và ghi nhớ rất nhiều sự kiện, nhiều mốc thời gian rất mệt và khó nhớ làm chúng em rất lo lắng và hoang mạng. Rất mong được sự hướng dẫn cách ôn tập cho phần thi này.

- Ông Trần Như Thanh Tâm: Năm học 2007-2008, môn Lịch sử vẫn thi theo hình thức tự luận nên em vẫn phải ôn tập theo hình thức này. Theo kế hoạch của Bộ thì năm học 2008-2009 mới áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với bộ môn Lịch sử. Chúng tôi sẽ trả lời chi tiết câu hỏi này vào một dịp khác.

* Cần phải chú ý những điểm nào khi học, khi làm bài? Có cần phải học thuộc lòng hết tất cả? Nếu em học thuộc ý chính, sau đó diễn giải theo cách riêng mình nhưng vẫn giữ được ý chính thì có đạt được điểm tuyệt đối không? Các cột mốc trong lịch sử rất khó nhớ, thầy/cô có "bí quyết" gì giúp chúng em "tiêu thụ" dễ các con số khô khan đấy? Em cám ơn rất nhiều! (Tran Thong)

- Ông Trần Như Thanh Tâm: SGK có thể trình bày rất chi tiết nhiều sự kiện nhưng ở đây vấn đề là chúng ta phải nắm vững các kiến thức cơ bản mà các thầy cô đã truyền đạt ở lớp. Nếu em diễn giải theo cách riêng của mình nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung trong hướng dẫn chấm thì em vẫn có thể đạt được điểm tối đa. Về các cột mốc lịch sử để cho dễ nhớ, các em nên lập những bảng sự kiện phân theo các giai đoạn lịch sử.

* Môn Sử em cứ hay lộn ngày tháng năm. Cho em hỏi có cách nào nhớ ngày tháng năm chính xác không? (Mỹ Kim, 106/34c Tôn Thất Hiệp, F.13, Q.11, TP.HCM)

- Ông Trần Như Thanh Tâm: Về việc làm thế nào để nhớ các sự kiện lịch sử một cách chính xác thì theo tôi các em nên chú ý:

Khi lập bảng tóm tắt các giai đoạn lịch sử các em cần nhớ các sự kiện lịch sử quan trọng bởi trong SGK có rất nhiều sự kiện lịch sử. Điều này các thầy cô bộ môn cũng đã hướng dẫn trong quá trình ôn tập. Khi đã chọn lọc các sự kiện quan trọng để học thì việc nhớ ngày tháng năm sẽ dễ dàng hơn đối với các em.

Ban Thanhnien Online - Giáo dục
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.