Tư vấn trực tuyến ôn thi môn Văn, Địa lý và chuẩn bị trước ngày thi

22/05/2007 13:48 GMT+7

14h chiều nay (22/5), chương trình Tư vấn mùa thi 2007 của Báo Thanh Niên tiếp tục tổ chức buổi tư vấn trực tuyến lần 16 trên Thanhnien Online với nội dung chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ 2007 môn Văn, Địa lý và những điều thí sinh cần chuẩn bị trước ngày thi... Nhiều vấn đề thắc mắc của bạn đọc đã được các thầy cô giải đáp đẩy đủ trong buổi tư vấn trực tuyến này.

Khách mời tham dự chương trình có: PGS Trần Hữu Tá (Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM), cô Cao Thị Thu Hồng (giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) và thạc sĩ Trần Đình Lý (thành viên ban tuyển sinh trường ĐH Nông Lâm TP.HCM).

* Đề thi môn Địa lý qua các năm thường có dạng phân tích và chứng minh một vấn đề nào đó. Em xin được hỏi cô Cao Thị Thu Hồng là đề Địa năm nay có thể ra một vấn đề nào khác không? Nên ôn kỹ vào phần nào hơn? Em xin đươc hỏi thêm là đề thi TN THPT và đề thi đại học có trùng nhau hoặc giống nhau không? Em xin cảm ơn cô nhiều. (lê văn nhân, nam, Thanh Hóa)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Thi ĐH thì học sinh cần phải học toàn diện, không nên học tủ bất cứ bài nào hoặc lĩnh vực nào, vì đề thi vẫn có thể được lặp lại. Em nên học kỹ tất cả các phần, quan trọng là phải nắm được cái cơ bản nhất, trọng tâm nhất của mỗi phần.

Thường thì đề thi tốt nghiệp PTTH và ĐH không trùng nhau nhưng có một số vấn đề có thể giống nhau, hoặc người ta chỉ hỏi một vấn đề nhỏ trong một lĩnh vực lớn.

* Em hoc hoai ma cu khong vao la sao thua thay? Thay cho em bi quyet hoc on cho no co ket qua, nhat la mon van. (nguyenbacuong, 21 tuổi, Nam, quynh luu nghe an, hoc sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Thầy hơi ngạc nhiên trước câu hỏi của em. Trong số các môn học ở phổ thông, theo thầy môn Sử và môn Văn là 2 môn thích thú và dễ học nhất. Hãy nói riêng về môn Văn. Còn gì sung sướng hơn khi ở tuổi thanh niên ta được tiếp xúc với những áng văn bất hủ của dân tộc và nhân loại. Đầu óc ta rộng mở, tâm hồn ta trong sáng, mỗi con người ta như muốn vươn lên cái chân-thiện-mỹ. Vì vậy theo thầy, muốn thích Văn trước hết nên lưu ý mấy điều sau đây:

- Đọc kỹ tác phẩm. Nếu là văn học cổ nên xem chú thích các từ Hán Việt, các điển cố. Văn học hiện đại thì không phải làm việc này.

- Nên suy nghĩ và tìm hiểu xem bài thơ, bài văn đó người ta định nói gì. Trong giờ giảng văn các thầy cô thường gọi là chủ đề.

- Nên chú ý về đặc điểm thể loại. Nếu là thơ nên lưu ý đến tình cảm mà bài thơ muốn truyền đạt cho ta; đến cái tôi của nhà thơ được thể hiện như thế nào. Thí dụ: tình yêu quê hương bàng bạc nhưng sâu lắng trong Tràng Giang của Huy Cận, tình yêu nam nữ sôi nổi nồng nhiệt và trong sáng trong Sóng của Xuân Quỳnh. Nếu là truyện (truyện ngắn hoặc trích đoạn truyện dài) nêu lưu ý đến cốt truyện, nhân vật (số phận, tính cách nhân vật đó).

- Nên lưu ý đến giọng điệu riêng của nhà văn, nhà thơ. Giọng văn uyên bác của Nguyễn Tuân; giọng văn có vẻ lạnh lùng nhưng thật ra vô cùng đau xót của Nam Cao trước CMT8...

Trên đây là một vài gợi ý để em suy nghĩ. Có thể lúc đầu em đến với tác phẩm văn chương hơi khó khăn nhưng hãy cứ đọc, đọc lại lần nữa, nghĩ về nó, thế nào cũng cảm nhận được cái hay, cái đẹp của mỗi tác phẩm. Và từ đó tinh hoa của tác phẩm sẽ vào chúng ta lúc nào mà không hay biết. Muốn nói thêm với em điều này: có một số bạn học công phu đến mức không chỉ thuộc lòng thơ mà thuộc lòng cả những đoạn văn xuôi hay. Từ yêu Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Tây tiến của Quang Dũng, các bạn đó đã tìm đọc thêm tác phẩm khác của 2 cây bút nổi tiếng này. Vốn liếng văn học đến với chúng ta giống như kiến tha mồi mỗi ngày một chút rồi sẽ đến lúc chúng ta ngạc nhiên thích thú bởi "tổ" đã đầy lúc nào không biết. Thân chúc em ngày một yêu văn hơn.

* SGK Địa lí có câu "Việc phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến là chiến lược quan trọng hàng đầu cua nhà nước ta''. Tại sao? (Thùy Duyên, 20 tuổi, Thái Bình, hoc sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Việc phát triển  vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến là chiến lược quan trọng hàng đầu của nhà nước ta vì:

- Gắn liền như vậy thì sẽ kịp thời thu hoạch, đảm bảo được chất lượng nông sản.
- Giảm được chi phí vận chuyển, khiến giá thành rẻ, tăng khả năng cạnh tranh.
- Thu hút được nhiều nguồn lao động, giải quyết được việc làm, phân bố hợp lý địa bàn dân cư.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Như vậy việc phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến là chiến lược quan trọng hàng đầu của nước ta. Nó giải quyết được những vấn đề cấp bách nhất hiện nay như: việc làm, sản xuất, tăng ngân sách cho khu vực và quốc gia...

* Đề thi năm nay liệu có gì thay đổi so với năm trước không? Nếu có thì sẽ thay đổi theo dạng nào? (lê thị phhong thuỷ, 19 tuổi, Nữ, nhà 100, ngõ 33, phường phúc thắng, thị xã phúc yên, tỉnh vĩnh phúc, học sinh)

- Thạc sĩ Trần Đình Lý - Thành viên Ban tuyển sinh Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Xin chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của em. Chắc chắn đề thi năm nay sẽ thay đổi so với năm trước! Và những năm trước nữa.

Theo chủ trương của Bộ, năm nay nội dung đề thi bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, không đánh đố, tránh các câu hỏi bắt thí sinh thuộc lòng... Đề thi sẽ gồm hai phần, phần bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban (thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 phần riêng của đề thi). Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD& ĐT đã có văn bản hướng dẫn về thi trắc nghiệm số 155/BGDĐT- KH & KĐ ngày 5/1/2007.

* Xin các thầy cô vui lòng cho em biết làm sao để ôn thi môn Địa lý và môn Sử có hiệu quả nhất và nhớ các số liệu chính xác? Em xin chân thành cảm ơn thầy cô! (nguyễn văn tuấn, 18 tuổi, Nam, hà nội, học sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Đối với bộ môn Địa lý có rất nhiều số liệu cần phải nhớ. Để dễ thuộc, em nên lập bảng tổng hợp. Ví dụ: Khi ta nói về các nhà máy thủy điện, nếu cứ học bình thường sẽ rất khó thuộc. Em hãy lập bảng như sau và nên theo thứ tự từ thấp đến cao hoặc từ cao xuống thấp.

Các nhà máy Thủy điện

Công suất

 Trên sông

1. ĐRayHlinh
2. Thác Bà
...

  12.000 KW
110.000kW
...

Srêpôk
Chảy
...

Em có thể photo thành nhiều bản nhỏ, "rải" nhiều nơi trong nhà để có thể xem được bài học bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Sau khi đã thuộc bài, em có thể lập bảng trống và tự mình điền vào những kiến thức trên. Nếu cứ lặp lại thường xuyên công việc này, em sẽ dễ dàng nắm vững bài học.

* Xin cho biet khi thi tot nghiep THPT thi duoc quyen dem theo nhung dung cu gi? Co duoc dem theo bang phan loai tuan hoan khong? (Nguyen Vinh Son, 18 tuổi, Nam, Quan Thu Duc, TPHCM, Hoc sinh)

- Thạc sĩ Trần Đình Lý - Thành viên Ban tuyển sinh trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Về việc này, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi những đồ dùng như: bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình (các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử) và máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học và bảng tính tan (đối với môn thi Hóa học), atlat địa lý VN (đối với môn thi Địa lý).

Phải hết sức lưu ý: tuyệt đối không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu. Thí sinh cũng không được mang vào khu vực thi các thiết bị thu phát, điện thoại di động, máy nhắn tin, máy MP3, MP4, các thiết bị có sử dụng thẻ nhớ...

* Minh co the trinh bay 1 bai van bang cach gach dau dong khong? (Huynh Thi Thuy Loan, 19 tuổi, Nữ, 28/21B Vo Thi Sau, hoc sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Có thể trình bày với điều kiện đấy là ở giấy nháp. Thầy không định nói đùa, bởi vì trước khi chính thức viết bài bao giờ các em cũng nên dành chừng 15 phút (trong tổng số 150 phút hoặc 180 phút) để nhận thức đề và viết đề cương sơ giản.

Thế nào là nhận thức đề? Nghĩa là đọc đi đọc lại đề bài để xem người ta hỏi cái gì, kiểu loại bài là gì và trên cơ sở đó chúng ta có thể phác họa trong óc hướng làm bài.

Thế nào là đề cương sơ giản? Thông thường một bài văn nghị luận (dù là nghị luận xã hội hay nghị luận văn chương) bao giờ bài làm cũng gồm 3 phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề. Các em nên lưu ý đến phần giải quyết vấn đề trước (có khi người ta còn gọi là thân bài). Nội dung của phần này nên gồm mấy ý, các em gạch đầu dòng các ý đó và nếu có thể thì "chua" thêm sẽ nêu dẫn chứng gì. Sau đó nên chú ý phần đặt vấn đề, phần này rất ngắn, có khi chỉ cần 5-6 dòng nhưng vì là mở đầu bài văn cho nên cần để cho người đọc (giám khảo) có cảm tình.

Đặt vấn đề cần rõ ràng, rành mạch để tạo điều kiện có thể triển khai giải quyết vấn đề cho tốt. Nhiều em có kinh nghiệm thường tranh thủ viết thành văn để diễn đạt cho được chỉnh, gọn, sáng sủa, hấp dẫn. Kết thúc vấn đề cũng vậy, thường là ngắn, tóm tắt lại cho rõ những ý cơ bản mà mình đã triển khai, khẳng định quan điểm nhận thức của mình để vấn đề được chặt chẽ.

Đến lúc viết bài văn chính thức thì không thể gạch đầu dòng được đâu em ạ. Phải viết thành văn. Hết phần đặt vấn đề thì phải xuống dòng. Trong phần giải quyết vấn đề, sau mỗi ý lớn cũng phải xuống dòng. Và tất nhiên sau phần giải quyết vấn đề, chuyển sang phần kết thúc vấn đề cũng phải xuống dòng.

Nếu em viết bài văn dưới dạng gạch đầu dòng điểm sẽ rất thấp. Bởi vì giám khảo nếu có thể biết được suy nghĩ và nhận thức của em về mặt nội dung thì không thể đánh giá được năng lực diễn đạt, hành văn của em. Mà như em đã biết, đánh giá một bài văn bao giờ cũng phải bao gồm cả hai phần nội dung và hình thức.

Thế nhé, khi làm bài đừng có lẫn lộn giữa đề cương sơ giản và bài làm chính thức. Hãy cứ gạch đầu dòng khi viết đề cương sơ giản nhưng đến bài làm chính thức thì phải rất văn chương.

PGS Trần Hữu Tá (trái) - đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc.
Ảnh Ngọc Thọ

* Em vốn không học tốt môn Văn cho lắm, vì thế kỳ thi tốt nghiệp sắp đến, cô em định hướng cho em là hãy chọn học thơ hoặc học truyện, vì lúc ra đề sẽ cho chọn 1 trong 2. Vậy cô em định hướng như thế có hợp lý không ạ? Sẽ có phần thơ và truyện cho thí sinh chọn lựa chứ ạ? (Trinh, 18 tuổi, Nam, Đường 27-FSơn Kỳ-Quận TPhú, HSINH)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Kinh nghiệm cho thấy, ở phổ thông học sinh nên phấn đấu để có thể làm quen với việc làm văn về đề thơ cũng như đề truyện. Thứ nhất, những tác phẩm thơ và truyện của chương trình 12 đều rất hay. Thứ hai, số lượng thơ và truyện trong chương trình không nhiều lắm. Hơn 10 bài thơ, 7 bài văn toàn là những tác phẩm rất quen thuộc không chỉ với học sinh mà với người đọc cả nước. Thứ ba, thông thường đề thi có câu hỏi về văn, có câu về thơ; nhưng không loại trừ có năm chỉ toàn văn hoặc thơ. Không cẩn thận sẽ "lệch tủ".

Em nên lưu ý, đề bao giờ cũng gồm 2 phần: 1. Một, hai câu hỏi yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức (phần này được từ 2-4 điểm); 2. Một bài làm văn đòi hỏi các học sinh vận dụng kiến thức. Phần này điểm tối đa là 6 hoặc 8 (tùy theo phần tái hiện kiến thức có 1 hoặc 2 câu).

* Em nghe nói lệ phí dự thi TS ĐH, CĐ có nhiều mức và do các trường quyết để giảm chi phí cho các trường? (Trần Ngọc Bình, 18 tuổi, Nam, Phường Đúc, TP.Huế, HS)

- Thạc sĩ Trần Đình Lý - Thành viên Ban tuyển sinh trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Điều em nghe nói là chưa đúng. Việc thu lệ phí ĐKDT, dự thi, dự tuyển năm 2007 theo các mức quy định của Bộ GD&ĐT như sau:

1. Phí đăng ký dự thi: 40.000 đồng/thí sinh/hồ sơ, thu tại các sở giáo dục và đào tạo.

2. Phí dự thi, thu tại nhà trường khi thí sinh đến dự thi:

- Dự thi văn hóa: 20.000 đồng/thí sinh/lần dự thi (bao gồm tất cả các môn).

- Sơ tuyển: 40.000 đồng/thí sinh/lần dự thi (bao gồm tất cả các môn).

- Dự thi năng khiếu: 80.000 đồng/thí sinh/lần dự thi (bao gồm tất cả các môn).

Như vậy, có thể em có sự hiểu nhầm về các mức của mục thứ hai. Các trường thu phí đăng ký dự thi và phí dự thi đều theo quy định của Bộ GD&ĐT.

* Khi nào thì nhận giấy báo dự thi ĐH-CĐ? Nếu có sai sót thì báo với ai (trường thi hay nơi nộp HS)? (Trần Ngọc Bình, 18 tuổi, Nam, Phường Đúc, TP.Huế, HS)

- Thạc sĩ Trần Đình Lý - Thành viên Ban tuyển sinh trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Em cứ yên tâm thi tốt nghiệp THPT cho thật tốt để đón nhận giấy báo dự thi ĐH - CĐ vào tuần đầu tháng 6.2007. Nhận giấy báo dự thi tại nơi đã nộp hồ sơ ĐKDT. Đọc kỹ nội dung Giấy báo dự thi; nếu phát hiện có sai sót thì thông báo cho Hội đồng tuyển sinh trường điều chỉnh.

* Em muốn biết trong chương trình ôn thi đại học môn Văn, học sinh có phải học phần tìm hiểu tác giả tác phẩm của phần văn học nước ngoài không? (Nguyễn Toàn Việt, 18 tuổi, Nam, trừơng THPT Pleiku,Gia Lai, học sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Em là một học sinh cẩn thận, kỹ tính. Câu em hỏi là cần đấy. Thông thường đề thi ra Văn học Việt Nam (phần hiện đại, từ 1930 trở đi) nhưng không loại trừ sẽ có câu hỏi về Văn học nước ngoài. Thế nhưng chương trình hạn chế cũng đã ghi rõ là nếu có hỏi thì chỉ hỏi xoay quanh 6 tác giả với 6 tác phẩm hoặc đoạn trích. Cụ thể: M.Gocki với tác phẩm "Một con người ra đời"; Lỗ Tấn với tác phẩm "Thuốc"; Exênin với "Thư gửi mẹ"; L.Aragông với "Enxa trước gương"; Hemingway với "Ông già và biển cả"; Sôlôkhốp với "Số phận con người". Tất nhiên muốn hiểu tác phẩm thì phải hiểu tác giả (thân thế, sự nghiệp).

Thầy nêu thử 1 đề để em rút kinh nghiệm. Có thể người ta yêu cầu em cho biết: "Enxa Triôlê đã có vai trò như thế nào trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của L.Aragông?".

Với đề này, em phải trả lời 2 người gặp nhau lúc nào, trong hoàn cảnh Aragông đang bế tắc và khủng hoảng như thế nào (khủng hoảng đến mức muốn tự tử). Thế nhưng tình yêu sét đánh ấy như đã "cải tử hoàn sinh" cho nhà thơ vĩ đại trong tương lai của nước Pháp. Ông yêu đời trở lại, định hướng đúng đắn cho lý tưởng chính trị cũng như quan điểm sáng tác và những tác phẩm xuất sắc nhất của Aragông xuất hiện bắt đầu từ đấy. Cho nên có thể nói Enxa - người bạn đời lý tưởng của Aragông - như là "đồng tác giả" với Aragông trong tất cả các tập thơ cũng như các tập tiểu thuyết dầy dặn quy mô của Aragông trong suốt 30 năm trời.

Cô Cao Thị Thu Hồng. Ảnh Ngọc Thọ

* Xin co Hong gioi thieu cho em biet ky hon cach hoc mon Dia de chuan bi thi Dai hoc khoi C. Voi suc hoc cua em, em nghi rang minh se khong kho de dau tot nghiep THPT nen ngay bay gio da don kha nhieu suc cho viec thi DH, rat mong co huong dan chi tiet cho. (Nguyen Vinh Son, 18 tuổi, Nam, Quan Thu Duc, TPHCM, Hoc sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Để học Địa lý có hiệu quả nhất, em cần nắm những vấn đề cơ bản. Em có thể chia chương trình Địa lý 12 ra thành 2 phần:

+ Nguồn lực phát triển. Gồm: các yếu tố như vị trí địa lý, địa hình, đất đai, khí hậu, sông ngòi, tài nguyên khoáng sản, sinh vật, điều kiện xã hội... (Từ bài "Vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên" đến bài "Sử dụng vốn đất"). Phần này thí sinh cần nắm thật vững và giải thích được các hiện tượng địa lý. Ta có thể áp dụng những nguồn lực trên để phân tích các thuận lợi và khó khăn của các ngành kinh tế và các vùng kinh tế.

+ Các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Nếu đã nắm và hiểu kỹ những kiến thức của phần trên, em có thể dễ dàng vận dụng để xử lý những vấn đề đặt ra trong phần này.

Các vùng kinh tế thường được chia ra thành 2 phần: Nguồn lực phát triển (bao gồm ngoại lực: vốn, kỹ thuật, thị trường cùng nội lực) và Thực trạng phát triển. Đến đây em có thể lập bảng tổng hợp để rút ra những so sánh cho các vùng.

* Em muốn hỏi thêm một câu trong phần thực hành Địa là khi vẽ biểu đồ hình tròn có được sử dụng bút chì để vẽ không? (Trần Thị Yến Hoà, 18 tuổi, Nữ, Quế Phú -Quế Sơn- Quảng Nam, hoc sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Theo quy chế, trên bài thi, thí sinh chỉ được dùng duy nhất một màu mực. Riêng biểu đồ tròn, thí sinh được vẽ vòng tròn bằng viết chì nhưng tất cả những nội dung bên trong phải được sử dụng bằng một màu mực thống nhất khác.

* Hien nay on thi TN THPT phai hoc het mon Van chuong trinh 12 gom Van hoc Viet Nam va Van hoc nuoc ngoai. Nhu vay chung em co phai hoc luon phan tich tac pham van hoc nuoc ngoai cho phan tap lam van khong? Va de thi 3 nam truoc theo qui dinh cua Bo la se khong cho lai phai khong? (thanhtam, 18 tuổi, Nữ, 127/8f2/12k Mau than,quan Ninh Kieu,Can tho, hoc sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Như thầy vừa nói ở trên, đề thi chủ yếu là thuộc Văn học Viêt Nam, nhưng không loại trừ Bộ sẽ ra đề về Văn học nước ngoài (có khi là một câu yêu cầu tái hiện kiến thức, có khi là bài văn yêu cầu vận dụng kiến thức). Cho nên tốt nhất là nên ôn tập tất cả. Vả lại chỉ có 6 tác phẩm thôi mà, tất cả đều rất hay, tiêu biểu cho tinh hoa của những nền văn học lớn (Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Liên Xô cũ).

Thầy có một lời khuyên chân thành: trong những năm tới dù tiếp tục học ĐH (ngành văn hoặc KHKT) hoặc vào đời làm một công việc gì đó, các em vẫn nên tiếp tục đến với văn chương và những tác giả mà thầy vừa kể trên chính là những người mà chúng ta nên đến đầu tiên. Nền văn học của một dân tộc dù lớn đến đâu cũng không phải là có nhiều thiên tài văn chương đâu. Họ là tài sản chung của nhân loại, là người tri kỷ của mỗi chúng ta, giúp chúng ta nhiều lắm trong việc bồi đắp tình cảm, tâm hồn cũng như nhận thức xã hội, con người và thiên nhiên.

* Co nen dua qua nhieu so lieu vao bai lam dia li khong? (tran thao vy, 19 tuổi, Nữ, thua thien hue, hoc sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Đưa số liệu vào bài thi nhiều hay ít phụ thuộc vào đề thi. Đối với đề chứng minh, thường em phải dẫn chứng các số liệu theo yêu cầu của đề bài. Tuy nhiên không phải vì thế mà buộc em phải học quá chi tiết về các số liệu bởi xu hướng giảm tải chương trình hiện nay chỉ cần thí sinh nắm vững những kiến thức quan trọng cơ bản.

Thạc sĩ Trần Đình Lý. Ảnh Ngọc Thọ

* Xin cho biet nhung loai may tinh nao duoc dem vao phong thi? Co phan biet giua thi DH va thi tot nghiep khong khi dem dung cu vao phong thi? (Le Thi Mai, 18 tuổi, Nữ, Long An, Hoc sinh)

- Thạc sĩ Trần Đình Lý - Thành viên Ban tuyển sinh trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Như trên đã nói, Bộ GD-ĐT đã qui định thống nhất, khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH - CĐ  thí sinh chỉ được sử dụng các loại máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không sử dụng thẻ nhớ hay lập trình...

Bộ cũng đã công bố danh mục các loại máy tính cầm tay thông dụng thí sinh được phép sử dụng. Trong đó, đối với nhãn hiệu Casio có các loại sau: Casio fx95, fx220, fx500A, fx500 MS, fx570 MS, fx570 ES. Đối với nhãn hiệu Sharp có các loại: Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM. Đối với máy tính hiệu Canon, thí sinh được sử dụng các loại: Canon FC 45S, LS153TS, F710, F720. Ngoài ra, thí sinh có thể sử dụng các máy tính cầm tay khác có tính năng tương đương các loại máy kể trên.

* De chuan bi thi mon Van, de on thi dai hoc thi co can phai on them Van hoc 11 hay khong, va neu on thi on nhung phan nao? (nguyen thi thu trang, 18 tuổi, Nữ, 56A O 20 PHUONG HA LONG,NAM DINH, HOC SINH)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Như Bộ GD-ĐT quy định đề thi TN THPT, bao gồm toàn bộ phần Văn học Việt Nam và phần Văn học nước ngoài ở lớp 12. Sách chỉnh lý hợp nhất thì dừng ở 1975. Sách thực nghiệm phân ban (mới chỉ áp dụng ở một số trường) kéo dài thêm phần Văn học Việt Nam giai đoạn 1975-2000.

Để nắm vững phần Văn học Việt Nam lớp 12, theo ý thầy cần xem lại, thầy nói là xem lại chứ không cần học quá kỹ phần Văn học lớp 11, đặc biệt là từ bài Xuân Diệu trở đi. Tại sao thế? Rất đơn giản, sự phát triển của Văn học Việt Nam hiện đại là liền mạch. Nhiều tác giả nổi tiếng từ trước CMT8 (Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nam Cao...) sau này cũng vẫn là những cây bút chủ chốt của nền văn học cách mạng. Để hiểu Nguyễn Tuân của "Sông Đà" thì không thể không hiểu Nguyễn Tuân của "Vang bóng một thời". Phong cách nghệ thuật của ông có những điều không thay đổi và có những điểm đổi mới cho nên hiểu toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân bài viết sẽ rất phong phú, dù đề ra có thể chỉ là về "Người lái đò Sông Đà".

* Các lưu ý đặc biệt khi ra đề thi trắc nghiệm? (Trần Ngọc Bình, 18 tuổi, Nam, Phường Đúc, TP.Huế, HS)

- Thạc sĩ Trần Đình Lý - Thành viên Ban tuyển sinh trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Đề thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn. Theo các văn bản quy định của Bộ, các lưu ý khi ra đề thi trắc nghiệm như sau:

+ Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, có đề thi trắc nghiệm riêng cho các đối tượng thí sinh học chương trình: THPT phân ban thí điểm; THPT không phân ban; bổ túc THPT.

+ Đề thi trắc nghiệm tuyển sinh đại học, cao đẳng: có phần chung cho tất cả thí sinh và phần riêng cho thí sinh phân ban thí điểm, phần riêng cho thí sinh không phân ban (thí sinh chỉ được làm một trong hai phần riêng của đề thi; nếu thí sinh làm cả hai phần riêng thì bài thi không được chấm điểm).

+ Các câu trắc nghiệm trong đề thi đều có 4 lựa chọn A, B, C, D. Đề thi được in sẵn và có nhiều phiên bản (mỗi phiên bản có một mã đề thi), do máy tính tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A, B, C, D. Số phiên bản đề thi là nội dung được bảo mật đến khi thi xong.

+ Việc đáp ứng các yêu cầu của đề thi, phạm vi kiến thức và yêu cầu về giám sát, bảo mật đối với đề thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy định như đối với đề thi tự luận.

* Chỉ cho em biết cách vẽ biểu đồ miền vì biểu đồ này hơi khó. (nguyễn hùynh đông huy, 19 tuổi, Nam, ấp tịnh châu xã tịnh thới thành phố cao lãnh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Khi nhìn vào bảng số liệu nếu đề bài yêu cầu "... vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu, hoặc tỷ lệ, tỉ trọng" của một đối tượng địa lý, học sinh cần lưu ý:

+ Nếu số liệu có dưới 4 mốc thời gian thì em sẽ vẽ biểu đồ tròn.
+ Nếu số liệu có từ 4 mốc thời gian trở lên thì em hãy nghĩ ngay đến biểu đồ miền.

Lúc đó, cho dù đề bài cho số liệu tuyệt đối thì em cũng phải xử lý số liệu sang giá trị tương đối để vẽ các loại biểu đồ này.

* Chúng em học chương trình phân ban thí điểm THPT. Trong nội dung chương trình môn Ngữ Văn, có một số tác phẩm mới đưa vào giảng dạy. Trong phạm vi eo hẹp của tiết học trên lớp, chúng em chưa thể hiểu hết được tác phẩm trong khi sách tham khảo dành cho chương trình chưa có bán tại các nhà sách. Vậy, các thầy cô có thể cung cấp cho chúng em một số tài liệu tham khảo các tác phẩm này để chúng em có thể hiểu hơn về chúng không ạ? ( Ví dụ như: Nhận đường, Một người Hà Nội, Chiếc thuyền ngoài xa, kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt; kịch Vũ Như Tô, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa...). (Ngô Bích Đào, 19 tuổi, Nữ, Hà Nội, Học Sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Sách tham khảo về tác giả của những bài văn đó thực ra rất nhiều. Em có thể đọc cả năm không hết. Thế nhưng trong thời gian hết sức hạn chế, các em nên tìm đọc các cuốn sách mỏng thôi (hơn 100 trang) về từng tác giả Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Tưởng... của NXB Trẻ (tủ sách văn học nhà trường, do Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM chịu trách nhiệm tổ chức bản thảo). Chắc chắn các em sẽ có được những gợi ý có ích. Bởi vì cuốn nào cũng có một bài giới thiệu chung về thân thế, sự nghiệp của tác giả, kèm theo một số bài (hoặc đoạn) nghiên cứu sâu sắc, có giá trị về các tác phẩm của tác giả đó. Không những thế mỗi cuốn lại có một số bài văn mẫu và một số đề gợi ý để các em suy nghĩ tập làm.

* Cho em hỏi nếu mình chỉ học môn Địa lí trong sách giáo khoa không thì liệu có đủ kiến thức để làm bài thi đại học không? (mai thi huyen, 18 tuổi, Nữ, phulong anmy tuyan phuyen, hoc sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Đối với bộ môn Địa lý, thường có 2 phần lý thuyết và thực hành:

+ Thực hành: Được thường xuyên luyện tập từ cấp 2 cho đến lớp 12 với các dạng chính biểu đồ cột, biểu đồ đường (đồ thị), biểu đồ tròn, biểu đồ miền, biểu đồ kết hợp giữa cột và đường... Trong phần nhận xét biểu đồ, em phải dựa vào lý thuyết đã học và dựa vào một số mốc lịch sử (1954: giải phóng miền Bắc; 30.4.1975: Đất nước hoàn toàn thống nhất...) để giải thích.

+ Lý thuyết: Về cơ bản, đề thi ĐH chỉ yêu cầu thí sinh nắm vững chương trình Địa lý lớp 12.

* Cách chấm điểm môn Văn như thế nào? Và mình phải làm như thế nào để đạt điểm cao ạ? (Lê thị Thanh Phước, 20 tuổi, Nữ, Lợi Nông_Thuỷ Châu_Hương Thuỷ, Học sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Bộ GD-ĐT bao giờ cũng chuẩn bị rất cẩn thận cho các kỳ thi, trong đó khâu ra đề được coi trọng trước tiên. Thường thường Bộ hay mời một số thầy cô giỏi dạy ở bậc THPT và một số thầy cô ở Khoa Văn ĐHSP Hà Nội, TP.HCM, Huế... tập trung tại Hà Nội để ra đề. Công việc này được tiến hành trước hàng tháng, qua nhiều bước (cá nhân chuẩn bị, tập thể thông qua và người duyệt cuối cùng là các vị lãnh đạo ở Bộ hoặc ở Vụ Phổ thông).

Đề thi bao giờ cũng có kèm theo đáp án. Đáp án được chuẩn bị rất chi tiết: xác định yêu cầu, quy định những nội dung cần đạt. Biểu điểm thường rất chi li, đến từng ý cụ thể của bài (điểm mỗi ý cũng được quy định là 1 hoặc thậm chí 0,5). Việc đánh giá cho điểm bao giờ cũng gồm 2 phần: đánh giá về ý và đánh giá về văn. Nếu em làm đúng đến đâu nhưng nếu viết sai ngữ pháp, câu không chỉnh, từ dùng không chính xác, dẫn chứng sai... thì khó mà được điểm cao. Vì vậy thầy gợi cho em một kinh nghiệm nhỏ: Em cố gắng dành cho phần đọc lại khoảng 10 phút. Có nghĩa là nếu bài quy định làm 150 phút thì đến phút thứ 140 em nên kết thúc, sau đó đọc lại. Đọc kỹ, hết sức nghiêm với văn của chính mình, tránh tình trạng chủ quan, tự mãn. Kinh nghiệm cho biết nếu làm tốt khâu này thì em sẽ khắc phục được khá nhiều những lỗi do sơ suất hoặc do vội vàng. Điểm số nhất định sẽ được cải thiện đáng kể.

* Thua thay Tran Huu Ta: sap den ngay thi tot nghiep THPT roi, em muon thay cho em nhung loi khuyen ve viec hoc mon Van trong giai doan nay. Nen tap trung nhu the nao? Vao nhung loai kien thuc nao? Em thanh that cam on thay. (Nguyen Vinh Son, 18 tuổi, Nam, Quan Thu Duc, TPHCM, Hoc sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Vinh Sơn thân mến, thầy hết sức cảm thông với các em, đến lúc này khi chỉ cách ngày thi một tuần lễ thì có lẽ 10 em hết 9 em sẽ hoang mang và lo ngại. Thầy đề nghị hãy hết sức bình tĩnh. Có một quy luật tâm lý mà có lẽ các em chưa cảm nhận hết: đó là "Quy luật hưng phấn và ức chế". Hiện nay em ôn đủ các môn cho nên dễ có cảm giác đầu óc mình giống như một cái tủ lạnh đựng đủ mọi thứ hoa quả, bánh trái, nước v.v... Thế nhưng khi em bước vào phòng thi, thi môn Văn chẳng hạn, thì lúc đó chắc chắn mọi kiến thức khác em sẽ quên hết (ức chế) và kiến thức Văn sẽ xếp hàng trình diễn trước mắt em (hưng phấn).

Đến lúc này, theo ý thầy em có thể giảm cường độ học, dành nhiều thì giờ thư giãn hơn (xem 1 bài báo, 1 đoạn phim trên truyền hình, trò chuyện với cha mẹ, người thân, và đặc biệt ngủ nhiều hơn). Những ngày trước đây nếu em thức đến 12h đêm, 1h sáng thì bây giờ thầy khuyên em 11h nên đi ngủ. Một giấc ngủ thật sâu, thật ngon và 5h sáng hôm sau thức dậy em sẽ có cảm giác hết sức khoan khoái.

Về môn Văn, đây là lúc em nên đọc lại bài văn học sử về giai đoạn văn học hiện đại (1930-1945 và 1945-1975), đọc lại những đoạn giới thiệu tác giả (Việt Nam và nước ngoài), đọc lại những bài văn trong sách lớp 12. Những bài thơ thường là ngắn (những bài dài như Bên kia sông Đuống, Tiếng hát con tàu, Tâm tư trong tù... thì Bộ GD-ĐT đã quy định chỉ học trích đoạn, em có thể hỏi lại các thầy cô đang dạy em) nên em cứ "nghêu ngao" đọc cho thuộc. Việc thuộc thơ rất cần, bởi vì mình có thể chọn lựa được những dẫn chứng đắt giá vào những chỗ cần chứng minh và sẽ không làm cho giám khảo khó chịu vì mình trích không chính xác.

Các truyện ngắn hoặc trích đoạn truyện dài cũng nên đọc lại để nhớ những chi tiết cần thiết để làm rõ tính cách nhân vật, số phận nhân vật. Theo ý thầy, trong những ngày này việc học Văn chỉ cần thế là đủ. Nếu muốn cẩn thận hơn có thể mỗi ngày dành chừng nửa tiếng đọc một đôi bài trong những cuốn sách mà thầy kể trên của NXB Trẻ (tủ sách văn học nhà trường). Tuyệt đối không nên mất thì giờ vào việc học thuộc lòng những bài văn mẫu. Theo thầy biết, các thầy cô giám khảo rất dị ứng với những bài thi kiểu này.

* Xin co Hong cho em biet viec su dung ban do trong ky thi DH (mon Dia) the nao: co duoc dem Atlat khong? Thi sinh co buoc phai ve ban do khong? (Le Thi Mai, 18 tuổi, Nữ, Long An, Hoc sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Trong kỳ thi ĐH, thí sinh không được sử dụng Atlat. Chương trình Địa lý 12 thí sinh học gì thi nấy; không đánh đố, không có những kiến thức bên ngoài.

* So lieu trong sach Đia li lay nam 1999 co duoc cong nhan hay khong? (dau quangtruong, 20 tuổi, Nam, 59duống7khupho5 phuonghiepbinhphuocquanthuduc tphcm, học sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Số liệu của đáp án được căn cứ ở SGK mới nhất.

* Xin thầy cô cho em biết trong đề thi tốt nghiệp THPT môn văn năm 2007 có phần trắc ngiêm không ạ? (nguyễn thị thuý, 18 tuổi, Nam, thanh hoá, học sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Theo thầy biết, kỳ thi sắp tới không có phần trắc nghiệm. Nghĩa là đề vẫn ra như mọi năm gồm 2 phần: tái hiện kiến thức và vận dụng kiến thức. Đến năm sau (2008) thì hãy chờ xem sao. Thầy cũng rất thích những đề thi có phần trắc nghiệm. Nhưng căn cứ vào đặc thù môn Văn thì dù có thi trắc nghiệm cũng vẫn nên có phần tự luận, để kiểm tra năng lực diễn đạt, trình độ cảm thụ của thí sinh.

Để cẩn thận hơn em nên đề đạt với thầy cô giáo đang dạy em, để thầy cô báo cáo với hiệu trưởng và thầy (cô) hiệu trưởng chính thức hỏi Sở GD-ĐT. Thầy tin là năm nay chưa có phần trắc nghiệm.

* Thưa cô, thi đại học môn Địa có nhất thiết phải học thuộc lòng tất cả trong SGK không ạ? (Thảo Nguyên, 17 tuổi, Nữ, Quy Nhơn, Học sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Theo quan điểm của cô, dù môn Địa lý 12 nặng về kinh tế xã hội nhưng không nhất thiết thí sinh phải học thuộc lòng tất cả. Quan trọng là các em phải hiểu được vấn đề, tìm được mối quan hệ nhân quả và giải thích được các hiện tượng địa lý.

* Các trường có tỷ lệ chọi cao sẽ có điểm chuẩn cao? Tại sao em thấy nhiều trường không công bố tỷ lệ chọi theo ngành? (Trần Ngọc Bình, 18 tuổi, Nam, Phường Đúc, TP.Huế, HS)

- Thạc sĩ Trần Đình Lý - Thành viên Ban tuyển sinh trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Chắc em đang nhìn thấy mình "chọi" với nhiều người phải không? Hãy hết sức bình tĩnh. Tỷ lệ chọi cao cũng chưa hẳn đã làm cho điểm chuẩn của các trường cao theo. Tỷ lệ chọi thấp cũng không hẳn làm điểm chuẩn của các trường thấp theo. Khi "nghiên cứu" về tỷ lệ chọi của các trường, các ngành, cần hết sức lưu ý điều quan trọng là “chọi” với đối tượng có học lực thế nào?

Lấy thí dụ, ĐH Y Hà Nội năm 2005 có tỷ lệ chọi là 1 chọi 3, sang năm 2006, tỷ lệ chọi này tăng lên đến 1 chọi 6. Và cuối cùng, điểm chuẩn của ĐH Y Hà Nội vẫn không thay đổi (với mức trên 25 điểm).

Việc nhiều trường không công bố tỷ lệ chọi theo ngành, có lẽ do có hiện tượng tỷ lệ chọi “ảo”, tức là con số được tính bằng số hồ sơ dự thi của thí sinh/chỉ tiêu của mỗi trường ĐH-CĐ. Tỷ lệ chọi thật là số thí sinh thực tế đến thi/chỉ tiêu của mỗi trường.

Trước khi kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ diễn ra thì mọi tỷ lệ chọi được công bố đều là tỷ lệ chọi ảo. Số hồ sơ dự thi của thí sinh năm nào cũng có ảo. Ví dụ như có trường ĐH năm 2006 có hơn 32 nghìn bộ hồ sơ dự thi nhưng chỉ có 21 nghìn thí sinh đến dự thi, “ảo” hơn 11 nghìn. Thí sinh sau khi nộp hồ sơ dự thi tại một số trường ĐH, CĐ, khi nghe thông tin tại những trường mình đã nộp hồ sơ có tỷ lệ chọi quá cao đã hoang mang nên không dám dự thi vào trường đó. Do đó, có thể một số trường sợ TS hoang mang và chưa biết "ảo/thật" thế nào nên nhiều trường đã chỉ công bố tỷ lệ chọi chung của trường hoặc theo khối...

* Xin cho em biết cách thức làm bài thực hành Địa lý có hiệu quả (PHAN MINH QUOC, 19 tuổi, Nam, QUANG NAM, hoc sinh)

- Cô Cao Thị Thu Hồng - Giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Bài thực hành Đại lý gồm 3 phần lớn:

1. Vẽ biểu đồ: Nếu số liệu cho giá trị tuyệt đối và yêu cầu thể hiện động thái phát triển, so sánh tương quan giữa các đại lượng thì ta có thể vẽ các loại biểu đồ cột, đường, kết hợp... Nếu số liệu cho giá trị tuyệt đối hoặc tương đối nhưng yêu cầu thể hiện cơ cấu, hoặc tỷ lệ, tỷ trọng thì bắt buộc em phải vẽ biểu đồ tròn hoặc miền.

2. Nhận xét biểu đồ: Em có thể chọn một trong các cách nhận xét sau:

Lấy số liệu năm sau trừ cho số liệu năm trước, thường là giá trị tuyệt đối.
Coi số liệu năm trước là 100%, đi tìm tỷ lệ % của năm sau thường là giá trị tương đối.
Lấy số liệu năm sau chia cho số liệu năm trước để tìm tăng hoặc giảm bao nhiêu lần.
Nếu thiếu thời gian, thí sinh có thể làm tắt bằng cách so sánh giữa năm đầu và năm cuối.

Trong quá trình nhận xét cần lưu ý nếu đề bài yêu cầu về quy mô em phải lấy số liệu tuyệt đối để dẫn chứng. Nếu đề bài yêu cầu nhận xét về cơ cấu, em phải lấy số liệu tương đối để dẫn chứng. Nếu làm ngược lại thí sinh sẽ không được điểm. Không bỏ sót các dữ liệu, tìm mối quan hệ giữa các dữ liệu đó, tìm các giá trị lớn nhất, nhỏ nhất đặc biệt là các số liệu tăng hoặc giảm đột biến. Tìm các mối quan hệ theo chiều ngang và chiều dọc. Riêng đối với đề dân số, nên tìm những mốc thời gian số liệu tăng gấp đôi hoặc tăng nhiều lần.

3. Giải thích biểu đồ (Tùy theo yêu cầu đề bài): Dựa vào lý thuyết đã học và một vài mốc lịch sử lớn để làm rõ vấn đề.

* Xin cho em hỏi bộ môn văn cần chú ý đến những tác giả nào khi học? (NGUYÊN PHƯỚC THẠNH, 19 tuổi, Nam, 17/12 TÔ HIỆU,QUẬN LIÊN CHIỂU, TP ĐÀ NẴNG, học sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Em hãy chú ý đến tất cả những tác giả trong chương trình văn lớp 12. Lý do: mỗi năm ra đề một khác, năm nay đề không trùng với năm ngoái. Nhưng biết đâu đấy cũng có thể trùng thì sao. Chỉ có điều ra gì thì ra đề thi vẫn không được phép "thoát ly" khỏi chương trình 12. Mà như thầy nói ở trên số tác giả và tác phẩm của Văn học Việt Nam chưa đến 20, phần nước ngoài chỉ có 6. Với số lượng như thế học tủ làm gì cho khổ. Bởi vì phải dự liệu trước khả năng mình bị lệch tủ và lúc ấy thì vô cùng ân hận.

* Thưa thầy cô cho em hỏi năm nay Bộ GD-ĐT có giới hạn về môn văn không ạ? (nguyễn thị tuyên, 19 tuổi, Nữ, quảng trị, học sinh)

- PGS Trần Hữu Tá - Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM: Bộ GD-ĐT quy định chương trình thi TN THPT năm nay cũng như một số năm trước bao gồm toàn bộ phần Văn học Việt Nam và phần Văn học nước ngoài (SGK chỉnh lý hợp nhất năm 2000, NXB Giáo dục tái bản liên tục các năm sau). Nhưng 4 bài sau đây không có trong phạm vi ra đề thi:

- Vãn cảnh (trích "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh)
- Thời và thơ Tú Xương (Nguyễn Tuân)
- Huệ Chi trước lễ cưới (Nguyên Hồng)
- Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)

Ngoài ra có 4 bài chỉ học đoạn trích do đó đề thi chỉ đề cập đến đoạn trích đã học:

- Tâm tư trong tù (Tố Hữu)
- Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)
- Các vị La Hán chùa Tây Phương (Huy Cận)
- Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)

Em nên hỏi lại cô giáo về 4 bài đó trích học từ đâu đến đâu để tiện cho việc chuẩn bị thi. Còn phần Văn học nước ngoài thì như thầy đã nói gồm 6 tác giả với 6 tác phẩm hoặc đoạn trích.

Thanhnien Online - Ban Giáo dục
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.