Từ chuyện thầy Park trong bóng đá, nghĩ về người thầy trong giáo dục

02/12/2019 18:19 GMT+7

Tôi xem bóng đá chủ yếu bằng cảm xúc. Không hề rành về luật, về chiến thuật gì cả và chỉ thường xem những trận có đội Việt Nam đá. Vì vậy, với chiến thắng của U.22 Việt Nam trước U.22 Indonesia hôm qua, lòng cảm thấy lâng lâng và thật sự xúc động.

Hơn cả, đó là sự xúc động dành cho thầy Park, Huấn luyện viên trưởng của đội tuyển.

Xúc động bởi nhớ lại sự bộc trực của thầy khi chạy ra khỏi đường biên bảo vệ cho người học trò đang bị đau nằm trong sân do bị đối phương chơi xấu (trong trận đấu với Thái Lan ngày 26.3) hay cho chính tiền đạo Tiến Linh trong trận đấu tối qua. Xúc động bởi những biểu cảm của thầy khi nuối tiếc về một cơ hội bị bỏ lỡ, hay khi đội tuyển bóng đá chúng ta ghi bàn. Xúc động bởi những lời xin lỗi, nhận sai rất chân thành, nhìn thẳng vào sự thật, không quanh co “tại, bị, thì, là, mà…” khi những học trò của mình thi đấu không như mong muốn. Xúc động bởi dẫu khi chúng ta đang hân hoan trong chiến thắng, thầy Park vẫn rất khiêm tốn, bình thản, dành những lời cám ơn và khen tặng thật tâm cho cộng sự, học trò. Xúc động bởi nụ cười rất hiền của thầy, bởi cử chỉ ấm áp mà thầy dành cho học trò sau mỗi trận đấu: ôm chặt người học trò của mình, vỗ đầu, động viên lẫn an ủi… dẫu thành công hay thất bại!

Tất cả, đã kết tinh tạo nên chân dung, hình ảnh người thầy vừa nghiêm khắc, uy nghi, nhưng cũng gần gũi, tình cảm, truyền được cảm hứng chiến đấu cho học trò…

Cổ động viên tại TP.HCM vỡ òa sau trận thắng của U.22 Việt Nam trước U.22 Indonesia

Minh Tân

Từ chuyện của thầy Park trong bóng đá, tôi thật sự thấy thẹn với bản thân trong suốt thời gian qua! Vấp váp, sai lầm nối tiếp sai lầm, đôi khi mang mãi trở thành sự dằn vặt khôn nguôi… Phải chăng, câu chuyện của thầy Park trong bóng đá cũng trở thành nguồn cảm hứng cho mỗi người thầy chúng ta? Đâu đó, chúng ta đã mạnh dạn nhận lấy trách nhiệm khi học trò mình chưa đạt kết quả như mong muốn hay là muôn vàn những lý do “quăng” cái lỗi cho học trò, cho gia đình? Đâu đó, chúng ta đã mạnh dạn ghi nhận sự nỗ lực của học trò sau mỗi thành công hay đó là lồng ghép khéo léo “kết quả đó do tôi dạy dỗ”? Đâu đó, chúng ta đã biết truyền cảm hứng cho học trò thay vì những lời nói, hành động tạo áp lực?

Thầy Park của bóng đá, dẫu hoạt động trong lĩnh vực thể thao, nhưng nếu xét ở tính chất công việc thì như một người thầy lớn của đội tuyển Việt Nam. Tôi thật sự suy nghĩ mãi về cách thầy Park nhận lỗi trong pha bắt bóng sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng dẫn đến bàn thua của U.22 Việt Nam? Phải chăng điều đó đã giúp Bùi Tiến Dũng bớt day dứt về lỗi lầm của mình, người hâm mộ sẽ cảm thông và bớt chỉ trích hơn người “thủ môn quốc dân” này? Và phải chăng đó chính là nhân cách đẹp của người thầy lớn? Vậy phải chăng, đây là điều mà mỗi người thầy cũng nên đối đãi với học sinh của mình?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.