Tự chủ ĐH đi kèm trách nhiệm giải trình

04/10/2014 03:00 GMT+7

Tự chủ ĐH, nhất là về tài chính, được xem là giải pháp để vượt qua những thử thách mà các trường đang gặp phải. Tuy nhiên, việc trao quyền tự chủ bao giờ cũng đi kèm với việc ban hành chính sách và cơ chế kiểm soát, còn được gọi là trách nhiệm giải trình.

4 khía cạnh tự chủ

 
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là một trong 4 trường ĐH công lập đã được Chính phủ thông qua đề án tự chủ tài chính - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mức độ tự chủ của một trường ĐH thông thường được thể hiện thông qua 4 khía cạnh. Về tổ chức: Mức độ tự chủ trong việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn để bầu hoặc miễn nhiệm hiệu trưởng; đề xuất các thành viên thuộc hội đồng trường, xác lập cấu trúc tổ chức và ra các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động của trường... Về tài chính: Mức độ tự chủ trong việc tiếp nhận và sử dụng ngân sách, xác định mức học phí, quyền sở hữu cơ sở vật chất, quyền vay vốn và sử dụng các giá trị thặng dư... Về nhân sự: Tự chủ trong việc tuyển dụng, đề bạt, trả lương và sa thải đối với giảng viên, nhân viên... Về học thuật: Tự chủ trong việc ấn định chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện xét tuyển, mở ngành học mới, xây dựng chương trình đào tạo và chọn cơ chế đảm bảo chất lượng...

Một trường ĐH có mức độ tự chủ cao khi được giao nhiều quyền quyết định về 4 khía cạnh trên.

Xây dựng niềm tin của xã hội

Song song với việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, cần xây dựng và ban hành khung trách nhiệm để đảm bảo nguồn kinh phí của nhà nước và xã hội đóng góp cho các trường ĐH được sử dụng đúng, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người học. Nói cách khác, các trường ĐH phải có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Trường ĐH cần xây dựng hệ thống các mục tiêu trung và dài hạn cho riêng mình cùng các bộ tiêu chí đánh giá, như: chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy; nghiên cứu khoa học; phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, trường ĐH phải thực hiện báo cáo tự đánh giá theo định kỳ với các nội dung và tiêu chí cụ thể. Cơ quan kiểm định chất lượng độc lập sẽ thẩm định báo cáo này. Căn cứ vào mức độ hoàn thành so với bộ chỉ tiêu đã đăng ký, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp điều chỉnh ngân sách hoặc can thiệp cần thiết.

Tuy khó định lượng một cách cụ thể song trách nhiệm giải trình với xã hội, hay nói cách khác là xây dựng niềm tin của xã hội đối với giáo dục ĐH cũng rất quan trọng. Trong thực tế, giáo dục ĐH đang xây dựng và củng cố niềm tin thông qua việc đáp ứng các kỳ vọng của xã hội, bao gồm: Sự minh bạch trong quá trình điều hành và phát triển của các trường ĐH, thể hiện thông qua việc công bố các số liệu về chất lượng và điều kiện giảng dạy, cơ hội việc làm, kiểm toán tài chính; Sự bình đẳng và công bằng trong việc tiếp cận với giáo dục, sự cân bằng và hài hòa giữa học phí và chất lượng đào tạo; Việc tăng học phí phải đi kèm với những chính sách hỗ trợ, vay vốn, cấp học bổng... để đảm bảo rằng các SV hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội theo học, đồng thời phải giải trình về các điều kiện để đảm bảo chất lượng tương xứng với mức học phí; Trách nhiệm phục vụ cộng đồng và đào tạo ra những nhà lãnh đạo có đủ tầm và tâm để dẫn dắt sự phát triển của hệ thống giáo dục cũng như của xã hội.

Nhiều nước tăng học phí ĐH 

Thống kê cho thấy, học phí và các khoản phí khác ở các trường ĐH công lập của Mỹ tăng 27%, tính từ năm học 2008 - 2009 đến nay. Trong năm học này, học phí trung bình của các trường ĐH tư là 30.000 USD, trường ĐH công dành cho SV trái tuyến là 22.000 USD. Năm 2012, cứ 10 SV tốt nghiệp ĐH thì có đến 7 phải gánh trên vai món nợ ước tính lên đến 30.000 USD. Trong khi 20 năm trước đó, chưa đến một nửa số SV ra trường phải nợ tiền và số tiền nợ cũng chỉ dưới 10.000 USD.

Ở Anh, việc cho phép các trường ĐH có thể thu học phí lên đến 9.000 bảng kể từ năm học 2012 so với 3.000 bảng ở các năm học trước đó. Hiện tượng tăng học phí cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore...

PGS-TS Vũ Hải Quân 

>> ĐH Kinh tế - Luật công bố điểm chuẩn chính thức
>> ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM xét tuyển bổ sung 950 chỉ tiêu
>> ĐH Đà Nẵng công bố điểm thi của ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.