Trường trung cấp 'chết' trước thời hạn

08/09/2016 08:01 GMT+7

Bộ GD-ĐT quy định năm 2016 là thời hạn cuối cùng để các trường ĐH dừng việc tuyển sinh và đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Trên thực tế, nhiều trường ĐH đã bỏ hẳn bậc học này từ trước đó nhưng trường trung cấp vẫn 'không sống được'.

Bán trường, chuyển đổi mô hình
Tính đến năm học 2015 - 2016, toàn quốc có 482 cơ sở đào tạo TCCN. Trong đó, có 245 trường TCCN, 183 trường CĐ đào tạo TCCN và còn 27 trường ĐH có đào tạo bậc học này. Chỉ tiêu đề ra là 280.640 học sinh (HS) nhưng chỉ có 143.135 người học, đạt 51%. Số HS theo học tại 245 trường TC chỉ khoảng gần 80.000. Những năm qua, nhiều ý kiến cho rằng trường ĐH hút hết HS khiến trường TC không tuyển được, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 6.000 HS học tại các trường ĐH này (chiếm 4%).
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh TCCN tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn so các năm học trước. Nếu tính về quy mô đào tạo, năm 2015 - 2016 giảm gần 60.000 HS so với 2014 - 2015. Nhiều cơ sở giáo dục tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt có hơn 20 cơ sở không tuyển được học sinh TCCN. Các trường còn lại đa số chỉ đạt 20 - 30%. Các trường ngoài công lập có nơi chỉ tuyển được vài chục HS.

tin liên quan

Người trẻ chê học nghề
Bất chấp việc hàng trăm ngàn cử nhân đang thất nghiệp, phần đông người trẻ vẫn đổ xô vào bậc đại học, trong khi nhiều nghề có lương tốt, cơ hội việc làm cao lại không có người học.

Trước tình thế đó, thời gian qua, chủ đầu tư của hàng loạt trường ngoài công lập chấp nhận “đầu hàng”, phải rao bán, chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác. Các trường như: Hồng Hà, Mai Linh, Phương Đông, Gia Định… đều đã đổi chủ. Có đơn vị phải chuyển sang hoạt động đào tạo bậc mầm non như Trường TC Đông Dương… Lại có trường phải “thay tên đổi họ” cho dễ tuyển sinh như Tân Thanh đổi thành Kinh tế du lịch TP.HCM.
Không có người học, hàng loạt ngành phải đóng cửa. Giáo viên cũng tự nghỉ hoặc bị các trường đề nghị nghỉ việc.
Phó hiệu trưởng một trường tại TP.HCM cho biết: “Khoảng năm 2007 - 2008, quy mô đào tạo của trường 2 khóa lên đến 3.000. Nhưng đến giờ chỉ còn được hơn 500”.

tin liên quan

Bộ LĐ-TB-XH chính thức quản lý giáo dục nghề nghiệp
Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2016. Trong đó, Thủ tướng đã chính thức giao cho Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều nguyên nhân
Lâu nay, một trong những nguyên nhân khiến “thị phần” người học TC bị chia ra vì trường ĐH tuyển quá nhiều chỉ tiêu bậc học này. Với lợi thế học liên thông ngay tại trường, các trường ĐH hút hết HS. Thế nhưng, trong 2 năm nay, hàng trăm trường ĐH đã không còn đào tạo TC như trước đây. Vậy vì sao trường TC vẫn sống dở chết dở?
“Cứ đến mùa tuyển sinh, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ thấy Bộ nhắc đến bậc ĐH, CĐ không đả động gì tới bậc TC. Trong khi rất nhiều văn bản chỉ đạo phải phân luồng HS nhưng chủ yếu là trên lý thuyết, rồi kêu gọi thay đổi tâm lý người học, ai học tốt thì vào ĐH, học trung bình thì rẽ sang nghề. Thế nhưng, chính Bộ GD-ĐT còn phân biệt, và không có động thái gì vực dậy bậc học này, gần như quên lãng, thì làm sao người học cảm thấy tin tưởng để đăng ký học? Trong khi đó, trên thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của người học TC vẫn là nhiều nhất”, hiệu trưởng một trường TC tại TP.HCM thổ lộ.

tin liên quan

Chưa biết thế nào là 'bài thi tổng hợp'?
Dự thảo phương án thi 2017 Bộ GD-ĐT vừa đưa ra đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với những câu hỏi lớn về cái gọi là 'bài thi tổng hợp' và 'đánh giá năng lực'.

Hai năm trở lại đây, Bộ cho phép các trường ĐH mở rộng xét tuyển đầu vào, từ trường lớn đến trường nhỏ đều có thể dùng phương thức xét điểm học bạ. Ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ, TC Đại Việt, nhận định: “Trên thực tế, nhiều em đã nhập học vào trường rồi, nhưng nghe tin trường ĐH xét học bạ với mức điểm thấp bèn bỏ học dù đã đóng học phí. Điều đó chứng tỏ, tâm lý HS vẫn muốn học ĐH hơn. Vào ĐH quá dễ, thì còn ai muốn vào TC?”.
Sự tác động của những chính sách, văn bản gần đây đối với trường TC là rất lớn, vô tình kềm hãm sự phát triển của bậc học này. Có thể kể đến Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT về việc muốn học liên thông phải thi tuyển sinh ĐH, khiến lượng HS học TC giảm hẳn. Dù sau đó Bộ có điều chỉnh, nhưng người học không còn quan tâm nữa. Sau đó là cho các trường ĐH tuyển sinh bằng học bạ khiến người học trung bình cũng có thể vào ĐH, đường cùng mới chịu vào TC. Gần đây nhất là Thông tư 26 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ quy định từ năm 2021 sẽ ngưng tuyển dụng hệ TC điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y học; từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ TC trong toàn bộ ngành y tế, khiến các trường TC có đào tạo thêm khối ngành sức khỏe lao đao.

tin liên quan

Không vì phản ứng mà ngại đổi mới
Nhân dịp năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh) đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn xung quanh những vấn đề “nóng” của giáo dục hiện nay.

Từ thực tế trên, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: “Các trường phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Trên thực tế vẫn có những trường tuyển sinh khá, thậm chí không bao giờ thiếu chỉ tiêu. Vậy trường không tuyển được thì nguyên nhân là gì? Có phải ngành nghề đã bão hòa, không theo kịp xu hướng? Có phải chưa đầu tư vào chất lượng? Đầu ra có đảm bảo?”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, khẳng định học xong ra có việc làm ngay là yếu tố quan trọng nhất để các trường TC hút người học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.