Trường THCS đặc thù lên phương án thi tuyển lớp 6

Lãnh đạo các trường THCS đặc thù đều đón nhận dự định bỏ lệnh cấm thi của Bộ GD-ĐT với sự đồng tình cao. Tuy nhiên, mỗi trường có dự định khác nhau về đánh giá năng lực để tuyển học sinh.

Nên để các trường lựa chọn phương án phù hợp
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng việc bãi bỏ “lệnh cấm thi dưới mọi hình thức” vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT là một chủ trương thuận theo “lẽ tự nhiên”. Thực tế đã chứng minh rằng việc bỏ thi vào lớp 6 đã nảy sinh không ít bất cập, các trường những năm trước được quyền thi tuyển thì mấy năm qua, dù tuân thủ quy định nhưng khi phải tiếp nhận học sinh (HS) mà mình không kiểm soát được chất lượng đầu vào cũng cảm thấy việc cấm thi không phù hợp.
Tuy nhiên, ông Khang cho rằng kiểm tra đánh giá năng lực thực chất vẫn là một hình thức thi, còn kiểm tra kiến thức hay năng lực thì chỉ là cách thức ra đề của kỳ thi. "Như vậy, nếu Bộ quy định cả cách thức ra đề của kỳ thi cấp trường thì nghe chừng quy định mang tính cầm tay chỉ việc quá. Trong khi đối tượng chịu sự tác động của chủ trương này ở Hà Nội chỉ chiếm tối đa khoảng 1%, nghĩa là trong khoảng gần 700 trường THCS của Hà Nội thì chỉ có khoảng 6 - 7 trường đặc thù, có quá đông HS đăng ký dự tuyển so với chỉ tiêu tiếp nhận", ông Khang nói.
Ông Khang phân tích thêm, việc tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay cũng được Bộ giao hoàn toàn quyền chủ động cho địa phương, Bộ chỉ đưa ra 3 hình thức tuyển sinh để các địa phương lựa chọn, đó là xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa thi và xét để tuyển sinh vào lớp 10.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cho rằng có nhiều cách để kiểm tra đánh giá năng lực HS và nên để mỗi trường chủ động lựa chọn một cách thức phù hợp với mong muốn về đối tượng đầu vào của trường mình, chứ không phải chỉ có cách thức duy nhất như bài thi của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).
Bà Thúy cho biết, ý tưởng ban đầu là trường sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh không gây căng thẳng nhưng vẫn đạt được mục tiêu chọn lọc HS, đó là một ngày trải nghiệm làm HS THCS dành cho thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường. HS sẽ có một ngày trọn vẹn ở trường, tham gia các hoạt động trải nghiệm, những cuộc trao đổi nhẹ nhàng để thể hiện sự hiểu biết của bản thân về cuộc sống, về lịch sử, về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên… Những giáo viên tham gia trải nghiệm cùng các em sẽ là những người lặng lẽ quan sát, đánh giá và lựa chọn những HS phù hợp.
Hồ sơ đăng ký các trường “nóng” sẽ tăng cao
Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), dự đoán nếu dự thảo được thông qua thì năm nay, các trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp sẽ có lượng hồ sơ đăng ký đầu vào cao hơn mọi năm rất nhiều. Bởi như năm trước, xét tuyển hồ sơ và tiêu chí phụ là bằng khen, nên phụ huynh tự lọc hồ sơ của con. Nếu đủ điều kiện họ mới nộp vào. Còn khi tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, nhiều HS sẽ muốn thử sức.

tin liên quan

Thi hay không thi vào lớp 6?
Trong khi phụ huynh học sinh đang sốt ruột chờ công bố chính thức về việc có thi hay không vào lớp 6 của một số trường đặc thù thì cả Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT vẫn ngập ngừng, lúng túng.
Ông Nguyễn Xuân Khang cho rằng, dù cách thức thi thế nào thì cũng sẽ xuất hiện những “lò” luyện thi tương ứng, ngay cả kiểm tra chỉ số IQ, EQ cũng không tránh được điều này. Do vậy, nếu tìm một cách thi nào mà người học không phải học thêm là khó khả thi. “Áp lực mà quá sức thì tiêu cực nhưng áp lực ở mức vừa phải thì là động lực thúc đẩy sự phát triển của HS”, ông Khang nói.
Đánh giá năng lực là gì ?
Lý giải về cụm từ "đánh giá năng lực", ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: "Đánh giá năng lực HS hoàn toàn khác so với đánh giá kiến thức bởi kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Như vậy, đánh giá năng lực HS là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà HS thu nạp được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể".
Cũng theo ông Thành, hiện nay, Bộ đang có định hướng phát triển các năng lực chủ yếu cho HS, gồm: năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, toán học, ngôn ngữ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, nghệ thuật và năng lực thể chất. Việc đánh giá năng lực HS dựa vào tiêu chí của từng trường học. Khi thực hiện bài đánh giá năng lực, điều quan trọng nhất, đó là không phải giao cho HS làm một bài toán, một bài thi ngôn ngữ mà cần kiểm tra cách HS sử dụng những tri thức học được vào trong bài thi của mình.
Ý kiến:
Không quản thì cấm ?
Trước đây, không quản lý được việc HS tiểu học phải đi luyện thi để thi tuyển vào trường THCS đặc thù của các địa phương nên Bộ cấm tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6. Tuy nhiên trong 3 năm vừa qua, TP.HCM “lách” bằng bài khảo sát năng lực còn Hà Nội thì cho HS tham gia đủ các cuộc thi để lấy chứng chỉ “đè” chứng chỉ nhằm trúng tuyển. Vậy Bộ có tính toán bài bản không, có nhìn rõ bản chất vấn đề hay cứ thấy không quản thì cấm cho nhanh? Khi cầu vượt gấp nhiều lần cung thì việc tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực là công bằng nhất. Lúc này chỉ còn tồn tại vấn đề làm sao để không còn luyện thi, khiến HS phải học thêm ngày đêm. Bộ cần phải giao trách nhiệm cho các địa phương thực hiện tuyển sinh các trường THCS đặc thù.
Cao Huy Thảo (Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Úc )
Tránh gây áp lực cho HS
Ngoài những trường đã tuyển theo địa bàn cư trú thì mỗi địa phương đều có trường đào tạo HS bậc THCS với mục tiêu giáo dục đặc thù. Thông thường những trường này đều có số lượng HS đăng ký dự thi lớn trong khi số chỗ học không nhiều. Do vậy chỉ có hình thức đánh giá năng lực HS là khả thi và tạo sự minh bạch. Tuy nhiên dù tuyển bằng hình thức nào thì cũng phải tránh việc gây áp lực cho HS.
Nguyễn Văn Ngai (Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.