Trường học ngày càng nhiều nguy cơ mất an toàn: Mỗi trường cần có một 'ủy ban an toàn'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/09/2019 08:08 GMT+7

Nguy cơ tai nạn xảy đến với học sinh không chỉ do những nguyên nhân khách quan mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm phòng ngừa của các trường trong các hoạt động hằng ngày.

Sau khi để xảy ra vụ việc đau lòng, Trường Gateway (Hà Nội) thành lập “ủy ban an toàn”. Nhưng chẳng lẽ chỉ khi nào “mất bò mới lo làm chuồng” ?

Hàng loạt vấn đề

An toàn giao thông cho học sinh (HS) những tưởng chỉ là việc xảy ra ở bên ngoài nhà trường nhưng trên thực tế đã xảy ra với HS ngay trong sân trường và người gây tai nạn lại chính là các thầy cô giáo.
Vụ HS ở Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị lái xe chở hiệu trưởng tông gãy xương đùi do xe chạy vào sân trường giờ HS đang chơi. Đau lòng hơn là vụ tai nạn giao thông tại Trường tiểu học Vân Hồ, tỉnh Sơn La khi giáo viên lùi xe trong sân trường khiến 1 HS tử vong, 1 em khác bị thương.
Hiện nay nhiều trường phổ thông tổ chức dạy học cả ngày và kiêm nhiệm cả dịch vụ bán trú cho HS. Sắp tới, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy học 2 buổi/ngày là bắt buộc với cấp tiểu học. Điều này đồng nghĩa với việc HS sẽ ở trường từ sáng sớm đến chiều, do vậy việc bảo đảm an toàn cho HS sẽ là vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi HS ăn uống, ngủ nghỉ và tham gia rất nhiều hoạt động ở trường, buộc hoạt động bán trú sẽ phải tổ chức chuyên nghiệp hơn chứ không phải tự phát như hiện nay.
Hàng loạt vấn đề đặt ra liên quan an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, y tế, phòng chống cháy nổ trong bếp ăn, an toàn tại khu vực sân chơi, bãi tập… Việc hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày do Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã lần đầu tiên đề cập đến việc tổ chức bán trú trong trường tiểu học. Trong đó nêu yêu cầu việc tổ chức ăn trưa, bán trú phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho HS.
Theo ông Trần Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, trong khi ngành giáo dục trong và ngoài nước đã có nhiều cuộc cải cách đáng kể về nội dung, chương trình cũng như mô hình trường, cơ sở giáo dục thì hệ thống tiêu chuẩn thiết kế công trình trường học vẫn còn chưa theo kịp với những thay đổi đó.

Phụ thuộc vào sự tận tâm của từng trường

Không ít vụ tai nạn đau lòng xảy ra với HS mới “lộ” ra rằng quy trình đảm bảo an toàn cho trẻ ở cơ sở giáo dục là quá lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm của người lớn. Các văn bản, chỉ thị của Bộ GD-ĐT về đảm bảo an toàn cho HS cũng nêu rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục về việc để xảy ra mất an toàn, tai nạn, thương tích cho HS. Tuy nhiên, ngay cả vụ việc “động trời” xảy ra ở Trường Gateway thì ngoài người được thuê phụ trách đưa đón trẻ và lái xe thì nhà trường chưa có bất cứ ai bị xử lý kỷ luật, đình chỉ chức vụ hay công tác dạy học…
Động thái của hàng loạt các trường sau các vụ tai nạn với HS gần đây được đánh giá là muộn còn hơn không, khi bổ sung và siết các quy trình, quy định nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ…
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết: “Những chuyện đau lòng có thể xảy ra bất kỳ ở trường nào, loại hình trường nào”. Theo ông Khang, dù công lập hay tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, cái tâm của nhà giáo là quan trọng nhất.
Bà Lê Tuệ Minh, Tổng hiệu trưởng Trường Wellspring, cũng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một trường học an toàn cho HS. Trong đó, quan trọng nhất là phòng ngừa các nguy cơ/rủi ro có thể xảy đến.
Sau vụ việc chấn động dư luận, Trường Gateway mới quyết định thành lập Ủy ban An toàn trường học. Ủy ban này có nhiệm vụ rà soát toàn diện và tăng cường các giải pháp để bảo đảm an toàn cho HS tại trường và công tác đưa đón. Trường này còn cam kết sẽ thiết lập cơ chế kiểm tra chéo các hoạt động của Ủy ban An toàn trường học do nhà trường và phụ huynh phối hợp thực hiện.
Trước thực tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng “ủy ban an toàn” trong mỗi trường học không nên chỉ thành lập ở trường có vụ việc đau lòng đã xảy ra mà mỗi trường cần có một bộ phận để phòng ngừa rủi ro cho HS.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho rằng giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích hiệu quả nhất chính là ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đìnhcộng đồng. Vì thế, trước khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài, đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường cần chủ động loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích; đồng thời trang bị cho HS kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình.
Không thể bắt phụ huynh "tự chịu trách nhiệm"
Liên quan đến vụ Trường quốc tế Singapore (ở P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) yêu cầu phụ huynh ký đơn "tự chịu trách nhiệm" về dịch vụ xe đưa đón HS (Thanh Niên đã thông tin), bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho rằng các trường khi đã làm tất cả các dịch vụ trong trường học phải có sự thỏa thuận với phụ huynh. “Đối với dịch vụ xe đưa đón, phải đảm bảo an toàn cho HS từ khi đón tại địa điểm đón cho đến khi HS vào lớp. Bản thân người dẫn các HS đi cũng phải có trách nhiệm kiểm tra kỹ lưỡng và bàn giao cho giáo viên cẩn thận. Không tổ chức làm thì thôi, còn đã làm thì phải có trách nhiệm!”, bà Thuận nói.
Bà Thuận cũng nhấn mạnh: “Không thể để trường đứng ra tổ chức xe đưa đón nhưng lại bắt phụ huynh chịu trách nhiệm được”.
An Dy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.