Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chưa được tuyển sinh cả nước: Hơn 12.000 thí sinh lao đao

10/06/2017 07:46 GMT+7

Việc thông báo dừng tuyển sinh trên phạm vi cả nước của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) không chỉ vi phạm quy chế tuyển sinh mà còn làm cho hơn 12.000 thí sinh (hộ khẩu tại các tỉnh, thành khác) hoang mang trước kỳ thi THPT quốc gia cận kề.

Điều chỉnh thì từ năm sau
Trước văn bản thông báo dừng tuyển thí sinh (TS) trong phạm vi cả nước của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày 8.6, sáng qua 9.6, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản yêu cầu trường phải thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và đúng các nội dung trong đề án tuyển sinh mà nhà trường đã công bố trước đó, tức phải tuyển sinh trong phạm vi cả nước.
Văn bản của Bộ nêu rõ, tại khoản 3 điều 3 Quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy hiện hành, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ trước khi TS đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trường cũng phải chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án.

Trên công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã xây dựng đề án tuyển sinh và nêu rõ phạm vi tuyển sinh trong toàn quốc. Điều này đã công khai trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ cũng như trang web của trường. Đây là thông tin căn bản để 16.429 TS của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đăng ký xét tuyển vào trường (trong đó có khoảng 12.000 TS không có hộ khẩu tại TP.HCM).
Từ đó, Bộ cho rằng, vào thời điểm này khi các TS đã hoàn thành đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển và ngày thi đã đến rất gần thì việc thay đổi khu vực tuyển sinh của trường là không phù hợp với quy chế tuyển sinh. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây băn khoăn, lo lắng cho nhiều TS ở các tỉnh, thành ngoài TP.HCM đã đăng ký xét tuyển vào trường.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Thanh Niên, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói rằng thay đổi này rất quan trọng, sẽ gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh và ảnh hưởng tới TS. Ông Ga nhấn mạnh: “Khi xây dựng đề án, Bộ không bắt buộc trường phải mở rộng tuyển sinh trong cả nước, trường tự công bố và phải thực hiện. Nếu muốn điều chỉnh, trường có thể công bố để áp dụng cho đợt tuyển sinh năm sau”.
Cũng theo ông Ga, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang hiểu chưa đúng về quy định điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi. “Việc điều chỉnh nguyện vọng là tạo cơ hội cho TS thay đổi nguyện vọng nếu muốn, còn trường bắt buộc TS phải điều chỉnh nguyện vọng vì không điều chỉnh là không được. Hai việc này hoàn toàn khác nhau”, ông Ga nói.

Có phải thực sự chưa đủ điều kiện tuyển sinh cả nước?
Trong văn bản gửi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày 6.6, UBND TP.HCM chưa chấp thuận việc mở rộng đối tượng tuyển sinh trong năm học này bởi điều kiện chuẩn bị của trường chưa chu đáo gồm: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và cơ chế tài chính.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ tiêu tuyển sinh không đổi của năm nay so với trước đó có thể thấy nguyên nhân này chưa thực sự hợp lý. Theo phương án tuyển sinh đã công bố, năm nay trường tuyển 1.200 chỉ tiêu, giảm 60 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó, riêng ngành y đa khoa tuyển 850 chỉ tiêu, giảm 100 so với 2016. “Chỉ tiêu giảm trong khi cơ sở vật chất và đội ngũ không có biến động thì điều kiện tuyển sinh của trường không đổi. Bởi dù tuyển TS có hộ khẩu TP.HCM hay của địa phương khác, số sinh viên nhập học khóa mới vẫn như nhau”, một cán bộ của trường cho biết.

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được các trường thực hiện dựa trên điều kiện đảm bảo chất lượng cụ thể (cơ sở vật chất, đội ngũ...). Trong khi số người học giảm, điều kiện đảm bảo chất lượng không đổi thì chất lượng phải tăng lên. Tuy nhiên, theo ông Ga, việc tăng số lượng và mở rộng đối tượng tuyển chọn người học là 2 việc khác nhau. Theo đó, việc mở rộng phạm vi tuyển sinh sẽ giúp trường tuyển được nhiều TS giỏi hơn.
Nhận định này khá hợp lý khi nhìn vào thực tế lịch sử tuyển sinh của trường. Trước đây, để chọn ra trên 1.000 sinh viên, trường chỉ được tuyển lựa trong khoảng trên 3.000 TS có hộ khẩu tại TP.HCM. Trong khi với trên 16.400 TS cả nước đăng ký xét tuyển năm nay cho 1.200 chỉ tiêu, mức độ cạnh tranh đầu vào tăng lên nhiều lần. Điều này có thể thấy rõ nếu so sánh với điểm đầu vào ngành y đa khoa giữa trường này và Trường ĐH Y Dược TP.HCM vốn có phạm vi tuyển sinh cả nước. Cụ thể, năm 2015 điểm chuẩn ngành y đa khoa của trường là 24 và đợt 1 năm 2016 là 22,8 trong khi Trường ĐH Y Dược TP.HCM cao hơn nhiều với 28 điểm 2015 và 26,75 năm 2016.
Như vậy có thể nói, việc mở rộng đối tượng tuyển sinh sẽ giúp nâng cao chất lượng người học của trường nói riêng và đội ngũ nhân lực y tế nói chung.
Buộc phải thực hiện đúng quy chế
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy 2017 do Bộ GD-ĐT ban hành, sẽ cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan nếu tổ chức tuyển sinh không đúng với các quy định trong đề án tuyển sinh đã công bố, đồng thời buộc nhà trường phải thực hiện đúng quy chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.