Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chưa được tuyển sinh cả nước

09/06/2017 10:00 GMT+7

Hơn chục ngàn thí sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM đã sửng sốt trước thông tin năm nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM.

Hơn chục ngàn thí sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM ngày hôm qua (8.6) hết sức sửng sốt, bàng hoàng trước thông tin mà Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố: Năm nay trường vẫn chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM chứ không mở rộng cả nước như thông báo hồi tháng 3.
Vấn đề dư luận quan tâm là 12.000 thí sinh (TS) không có hộ khẩu TP.HCM đã đăng ký xét tuyển vào trường này sẽ được giải quyết thế nào?
Vì sao được rồi lại không ?
Trong Văn bản số 1771 công bố trên trang thông tin điện tử, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết trường vừa nhận được Công văn số 3445/UBND-VX do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 6.6 thông báo chưa chấp thuận cho phép trường này mở rộng đối tượng tuyển sinh ĐH năm học 2017 - 2018, vẫn tuyển sinh như những năm trước đây. Trường thông báo để TS có thể điều chỉnh nguyện vọng hợp lý trong đợt điều chỉnh ngày 15 - 21.7 theo lịch của Bộ GD-ĐT.
Trong khi đó, theo đề án tuyển sinh được PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường ký công bố giữa tháng 3, trường này tuyển sinh trong phạm vi cả nước thay vì chỉ tuyển TS có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM như trước đây. Thông tin này được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ thituyensinh.vn và trên các báo.
Theo thông báo này của trường, ngày 10.1 trường đã gửi công văn đến Bộ GD-ĐT về việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh 2017 với điều kiện tuyển TS phải có hộ khẩu TP.HCM như các năm trước. Tuy nhiên, trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại trường ngày 22.2, trường được chỉ đạo về việc thay đổi khu vực tuyển sinh trong năm nay. Trên cơ sở đó, ngày 3.3 trường đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc tuyển sinh toàn quốc.
Đến ngày 6.3 trường đã nhận được văn bản của Văn phòng Thành ủy TP.HCM về kết luận của ông Đinh La Thăng tại buổi làm việc về tình hình hoạt động và giải quyết các kiến nghị của trường với nội dung chấm dứt áp dụng cơ chế tuyển sinh theo hộ khẩu thành phố, thực hiện tuyển sinh đầu vào với học sinh cả nước từ năm học tới.
Thông báo của trường ghi rõ: “Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ngày 20.3 là hạn chót để các trường cung cấp thông tin tuyển sinh vào hệ thống tuyển sinh của Bộ. Tại thời điểm này, tuy chưa nhận được văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM nhưng vì kết luận của đồng chí bí thư thành ủy nên trường phải đăng thông tin đề án tuyển sinh toàn quốc vào trang thông tin tuyển sinh của Bộ”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều 8.6, PGS-TS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong văn bản gửi cho trường UBND TP.HCM nêu rõ lý do của việc từ chối chấp thuận việc mở rộng đối tượng tuyển sinh là do công tác chuẩn bị các điều kiện chưa chu đáo (gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cơ chế tài chính) và chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ.
Văn bản này cũng nêu rõ việc chưa chấp thuận này dành cho năm học 2017 - 2018 và giao ban giám hiệu nhà trường khẩn trương xây dựng đề án mở rộng đối tượng tuyển sinh trình UBND TP.HCM, báo cáo xin ý kiến các bộ ngành liên quan. “Như vậy việc mở rộng phạm vi tuyển sinh chưa thực hiện trong năm nay chứ không phải là không thực hiện”, PGS-TS Diệu nói.
“Đây là việc trường không mong muốn. Trong năm nay mặc dù đã đăng ký xét tuyển nhưng TS vẫn còn cơ hội điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Như vậy, TS không bị mất quyền lợi về đăng ký nguyện vọng”, PGS-TS Diệu nói thêm.
12.000 TS phải điều chỉnh nguyện vọng ?
Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc thay đổi điều kiện tuyển sinh diễn ra trong thời điểm sau khi TS đã hoàn thành việc đăng ký xét tuyển. Theo số liệu trường cung cấp, năm nay có tới 16.429 TS của 63 tỉnh thành đã đăng ký xét tuyển vào trường. So với trung bình mỗi năm trên dưới 3.000 TS đăng ký ở các năm trước thì con số trên đã tăng lên rất nhiều trong năm nay. Đáng lưu ý, trong số trên 16.400 TS đăng ký xét tuyển này chỉ có 4.000 có hộ khẩu tại TP.HCM, số còn lại là TS của các địa phương khác.
Ngay khi thông báo này được đưa ra, rất nhiều luồng ý kiến tỏ ra lo ngại về hệ quả có thể xảy ra. Trong đó, có ý kiến cho rằng nếu thông tin điều chỉnh này không đến được với tất cả TS sẽ dẫn đến tình trạng có những TS mất cơ hội trúng tuyển hoặc trúng tuyển “oan”.
Ý kiến
Ảnh hưởng tâm lý TS
Ở thời điểm này việc cần làm là thông tin phải đến được với TS, đặc biệt là những TS không thuộc đối tượng tuyển sinh của trường. Bởi nếu TS thuộc diện này không có thông tin, không thực hiện điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi thì sẽ mất đi cơ hội trúng tuyển ĐH năm nay. Thậm chí, kể cả những TS có thông tin và điều chỉnh nguyện vọng, việc thay đổi quyết định tuyển sinh ở thời điểm này cũng ảnh hưởng tới tâm lý TS. Đặc biệt những TS đã xác định xét tuyển vào trường này bằng nguyện vọng 1 hoặc các nguyện vọng đăng ký chỉ dành cho trường này.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa 
Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
Thông tin tuyển sinh cần nhất quán
Trong tình huống này, trường phải giải quyết theo hướng đặt quyền lợi TS lên trên hết. Cũng may là thay đổi này diễn ra trước khi thi, TS vẫn còn cơ hội điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết kết quả thi. Có thể nói, điều này chưa ảnh hưởng nhiều tới TS. Tuy nhiên, sự việc này cho thấy việc công bố thông tin tuyển sinh cần được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình tuyển sinh để không ảnh hưởng tới người học.
Tiến sĩ Trần Đình Lý 
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.