Trường đại học sẽ 'cắm chốt' các điểm thi THPT

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/06/2020 08:09 GMT+7

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dù cán bộ, giảng viên trường đại học không coi thi, chấm thi nhưng Bộ GD-ĐT cũng huy động khoảng 6.000 người từ các trường ĐH làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và 'cắm chốt' tại điểm thi.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết dự kiến tuần này Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn công tác kiểm tra, thanh tra các khâu của kỳ thi, sau đó tiến hành tập huấn cho những người làm nhiệm vụ này.

Tăng cường giảng viên giám sát khâu in sao đề thi

Ông Nguyễn Đức Cường cho hay Thanh tra Bộ GD-ĐT đã lên kế hoạch chi tiết thanh tra công tác thi và tuyển sinh ĐH. Theo đó, công tác thanh tra sẽ thực hiện ở tất cả các khâu. Cụ thể, Bộ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị thi, khu vực in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, công tác tổ chức thi, tuyển sinh, xét tuyển, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh...
Bộ sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra việc chỉ đạo, chuẩn bị thi và việc thanh tra/kiểm tra công tác chuẩn bị thi của sở GD-ĐT theo các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam (tổng số 20 sở).
Năm nay, theo ông Cường, quy chế thi tăng cường cán bộ, giảng viên của trường ĐH vào khâu in sao đề thi. Cụ thể, việc kiểm tra, giám sát tại vòng 2 của khu vực in sao đề thi cũng được tiến hành với 63 cán bộ, giảng viên của cơ sở giáo dục ĐH thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát độc lập tại 63 sở GD-ĐT, 1 người/sở. Trước đây, vòng 2 in sao đề thi chỉ có lực lượng giám sát là cán bộ công an và thanh tra sở thì nay có thêm cán bộ, giảng viên của trường ĐH.

Kiểm tra trường ĐH tổ chức thi riêng

Để kiểm tra công tác tổ chức thi, tuyển sinh, Bộ sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn có 3 - 5 người, kiểm tra tại 2 cơ sở giáo dục ĐH có tổ chức thi riêng và dự kiến kiểm tra 20 cơ sở giáo dục ĐH (thành phần gồm cán bộ, công chức thanh tra và các đơn vị thuộc Bộ). Bộ cũng sẽ kiểm tra công tác tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh với 3 đợt kiểm tra các cơ sở giáo dục ĐH. Số các cơ sở giáo dục ĐH được thanh tra, kiểm tra căn cứ vào tình hình thực tế do lãnh đạo Bộ quyết định.
Về kiểm tra công tác coi thi, đoàn thanh tra của Bộ sẽ kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức coi thi và việc thanh tra, kiểm tra công tác coi thi của sở GD-ĐT (bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi); thời gian kiểm tra từ 8.8 đến hết ngày 10.8. Bộ sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở. Thành viên trong mỗi đoàn kiểm tra được phân thành các tổ, mỗi tổ kiểm tra trực tiếp 1 điểm thi.
Số lượng thành viên mỗi tổ tại 1 điểm thi được điều động trên nguyên tắc: tổ 2 người với điểm thi có dưới 15 phòng thi; tổ 3 người với điểm thi từ 15 - 24 phòng thi; tổ 4 người với điểm thi từ 25 - 34 phòng thi; tổ 5 người với điểm thi từ 35 - 44 phòng thi; tổ 6 người với điểm thi trên 45 phòng thi. “Kinh nghiệm mọi năm thì điểm thi nào có đông nhất là 50 - 60 phòng thi. Những người này sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra toàn bộ các khâu coi của từng điểm thi, bao gồm cả công tác thanh tra của sở GD-ĐT”, ông Cường cho biết.
Ông Cường nêu dự kiến, năm nay có khoảng trên dưới 2.000 điểm thi, do vậy sẽ huy động khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên của các trường ĐH tham gia giám sát, kiểm tra khâu coi thi.

Giám sát chặt khâu chấm thi

Cũng theo ông Cường, về thanh tra công tác chấm thi, sẽ thành lập 63 đoàn thanh tra tại 63 hội đồng chấm thi gồm lãnh đạo các vụ, cục làm trưởng đoàn. Mỗi đoàn có từ 4 - 6 người, thanh tra trực tiếp tại một sở GD-ĐT trong thời gian chấm thi, trong đó có 1 người là cán bộ, giảng viên các trường ĐH do Bộ huy động cũng sẽ “cắm chốt” trong suốt thời gian chấm thi.

Không để “khoảng trống, điểm mờ” nào trong kỳ thi

Phát biểu tại hội nghị về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT do Bộ  GD-ĐT tổ chức trong tháng 6, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh một số yêu cầu đối với công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả 3 cấp.
Thứ nhất, bảo đảm tính độc lập ở mọi cấp thanh tra, kiểm tra. Thứ hai, phân rõ trách nhiệm từng cấp thanh tra, kiểm tra với “5 rõ” (rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ mục tiêu, rõ phương pháp và rõ trách nhiệm). Thứ ba, mọi công đoạn của công tác thi đều được thanh tra, kiểm tra với yêu cầu rõ nhất là không có khoảng trống, không có điểm mờ. Thứ tư, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng với chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao.
Năm nay sẽ có những thay đổi trong công tác tổ chức tập huấn đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt, cụ thể với sở thì sẽ có 3 người trực tiếp dự tập huấn của Bộ bao gồm giám đốc sở, chánh thanh tra, thanh tra viên; mỗi trường ĐH cũng có 3 người gồm: 1 lãnh đạo trường ĐH, 1 trưởng phòng thanh tra nội bộ và 1 cán bộ của trường. Sau đó, các cán bộ chủ chốt của sở, của trường ĐH này lại về tập huấn cho tất cả cán bộ, giảng viên được huy động làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi.
Riêng công tác thanh tra chấm thi, Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị tập huấn cho đội ngũ này. Nguyên tắc là trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ phải có trách nhiệm tập huấn cho các thành viên của mình.
Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đang xây dựng một tài liệu tập huấn điện tử, mô phỏng các khâu của kỳ thi bằng các clip hoặc đồ họa để người được tập huấn dễ hình dung, nắm vững từng quy trình, nhiệm vụ của mỗi thành viên. Sau đó, sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá để xem người tham gia tập huấn có nắm vững nhiệm vụ, cách thức thực hiện nhiệm vụ của mình trong kỳ thi hay không. Nắm được thì mới giao nhiệm vụ chính thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.