Trường chuyên còn tác dụng gì?

18/10/2007 22:47 GMT+7

Trên Thanh Niên số ra ngày 13.10.2007, chúng tôi đã đề cập đến bệnh "luyện gà" tại các trường chuyên tỉnh Hà Tây - cũng là thực trạng khá điển hình tại trường chuyên trong cả nước hiện nay. Tình trạng nhiều trường THPT chuyên tập trung quá nhiều cho việc luyện thi học sinh giỏi, đến khi những quyền lợi dành cho những học sinh đoạt giải bị hạn chế thì vấp phải không ít băn khoăn từ phụ huynh và học sinh. Vậy trường chuyên còn tác dụng gì?

Kết nối để giữ nhân tài

Sau khi Bộ GD- ĐT quyết định bỏ chế độ tuyển thẳng vào ĐH cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi (HSG) quốc gia và giảm số lượng đội tuyển HSG mỗi tỉnh, thành từ 10 xuống còn 6/môn thì có tình trạng khá nhiều học sinh đậu vào các lớp chuyên (của trường chuyên) nhưng lại xin chuyển qua học các lớp không chuyên; hay có học sinh xin chuyển ra lớp không chuyên ở lớp 10 không được thì đến lớp 11, 12 vẫn tiếp tục đề đạt nguyện vọng này.

Ngoài ra, trong các kỳ thi chọn vào đội tuyển HSG của tỉnh, thành phố, không ít học sinh cố tình làm bài không tốt để khỏi vào đội tuyển. Sở dĩ như vậy vì đề thi HSG thường ra nhiều dạng đặc biệt so với chương trình phổ thông và đề thi ĐH, nếu vào đội tuyển thì phải tập trung dài hạn chuẩn bị thi HSG quốc gia, phải dồn sức quá nhiều cho 1 môn nên khi quay trở lại học bình thường thì không còn thời gian để luyện thi ĐH (thi đủ 3 môn).

Ông Đỗ Lệnh Điện - Ảnh: N.Q

Ông Đỗ Lệnh Điện - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Amsterdam, Hà Nội nhận định: "Mục tiêu của trường chuyên là phải phát triển toàn diện, trên cơ sở đó, học sinh sẽ được phát huy năng lực đặc biệt của mình. Vì vậy, trường chuyên nào quá chú trọng việc luyện thi HSG thì cần phải điều chỉnh". Còn ông Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM đề nghị xem việc tổ chức thi HSG là một hoạt động bình thường và nội dung đề thi vòng 1 (cấp quốc gia) nên bớt độ khó để ra sát với chương trình phổ thông, sau đó tăng dần độ khó ở vòng 2, vòng 3 để chọn lại đội dự tuyển (khoảng 20 học sinh/môn) và tập trung bồi dưỡng để chọn ra đội tuyển thi quốc tế. Các học sinh trong đội dự tuyển này cần được hưởng chế độ ưu tiên dành cho học sinh có năng khiếu đặc biệt như được nhận học bổng và được tuyển thẳng vào ĐH (số lượng không nhiều vì đã được chọn kỹ nên sẽ không bị dư luận phản đối). Chương trình học các môn chuyên có nhiều nội dung nghiên cứu rất sâu, một số nội dung học ở ĐH được đưa xuống cho đối tượng HSG học trước. Vì vậy cũng cần nhanh chóng có sự kết nối về chương trình, tạo ra sự "liên thông tín chỉ" giữa trường THPT chuyên và các trường ĐH, có hình thức kiểm tra đánh giá nội dung học tập ở trường THPT chuyên để tiến tới "công nhận tín chỉ" khi các học sinh này lên học ở ĐH.

Liệu có còn sức hút?

Ông Võ Anh Dũng - Ảnh: N.Q

Ông Võ Anh Dũng cho biết: "Trường chuyên vẫn còn sức hấp dẫn, bằng chứng là ở kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2007 - 2008, trường chúng tôi tuyển 550 học sinh mà có đến gần 5.000 học sinh dự thi. Các trường chuyên ở TP.HCM và các địa phương khác cũng có "tỷ lệ chọi" tương tự như thế. Sở dĩ các trường chuyên vẫn được nhiều phụ huynh quan tâm vì hầu hết đều có đội ngũ giáo viên có năng lực tốt, các địa phương cũng đầu tư cơ sở vật chất trường chuyên tốt hơn các trường bình thường".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng - Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD - ĐT), để trường chuyên vẫn còn sức hút, cần điều chỉnh một số yêu cầu về nội dung, cấu trúc đề thi, hình thức thi... của kỳ thi HSG quốc gia theo hướng đảm bảo sự liên thông chặt chẽ giữa chương trình giáo dục đại trà và nội dung chuyên sâu; giữa nội dung chuyên sâu và nội dung thi HSG quốc tế. Ngoài ra, cần mạnh dạn áp dụng một số hình thức giáo dục đặc biệt mà nhiều nước trên thế giới đã làm như: học "nhảy lớp", vào THPT sớm hơn, học theo sở thích... nhằm đáp ứng tốt nhất việc dạy học theo hướng phát triển năng lực mỗi cá nhân và hội nhập với giáo dục quốc tế.

Tìm một hướng đi khác?

Ông Nguyễn Bác Dụng - Ảnh: N.Q

Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM Nguyễn Bác Dụng cho rằng, trường THPT chuyên phải thực hiện giáo dục học sinh với hai triết lý: giáo dục đại chúng và giáo dục tinh hoa. "Đại chúng" vì THPT chuyên không là đặc quyền, đặc lợi cho bất kỳ bộ phận dân cư nào trong xã hội. Mọi học sinh tốt nghiệp THCS đủ điều kiện dự thi đều bình đẳng về cơ hội để được thụ hưởng giáo dục chuyên. "Tinh hoa" vì giáo dục THPT chuyên là phương thức đáp ứng sự phát triển của những học sinh có ưu thế hơn những học sinh khác về năng lực học tập, giúp các học sinh này phát triển năng khiếu trên cơ sở đảm bảo giáo dục toàn diện.

Lâu nay, các trường THPT chuyên chưa có chương trình riêng, nhưng để phát triển hệ thống này, chắc chắn Bộ GD - ĐT phải có những chương trình học đặc biệt để phù hợp với những học sinh năng khiếu, chứ không phải tất cả học sinh đều phải học theo một chương trình đại trà. Trong tương lai, hệ thống trường chuyên sẽ được ưu tiên để phát triển mạnh, cụ thể hóa bằng 9 chương trình Bộ GD - ĐT đưa ra tại hội nghị các trường THPT chuyên toàn quốc vừa qua. Các nội dung được đưa vào chương trình học ở các trường chuyên phù hợp với chương trình ĐH cần được thẩm định để học sinh khỏi phải học lại khi lên học ở ĐH.

Trước mắt, Bộ GD - ĐT cần thẳng thắn, can đảm nhìn ra những thiếu sót của mình, chấp nhận cả tốn kém (như vay vốn ODA) để thay đổi ngay chương trình học, cách kiểm tra đánh giá, cách tuyển sinh ĐH và có sự liên thông giữa trường THPT chuyên và ĐH. Khi tuyển sinh ĐH cần phân thành 2 bước: đầu tiên là những bài thi trắc nghiệm kiểm tra trình độ chung, sau đó thí sinh muốn đi vào chuyên ngành nào thì có các bài thi với nội dung và phương pháp riêng của mỗi chuyên ngành. 

* Hệ thống các trường THPT chuyên sắp tới phải làm nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Bộ GD-ĐT cũng đã công bố chương trình quốc gia về việc phát triển hệ thống trường chuyên từ 2008- 2020 gồm 9 chương trình cụ thể. Nhiều nhà giáo lâu năm công tác ở hệ thống trường chuyên đều tâm đắc với 9 chương trình được nêu ra và kiến nghị Bộ GD-ĐT có lộ trình cụ thể hơn nữa, trong đó phải thực hiện ngay đổi mới công tác tuyển sinh; đổi mới nội dung và phương pháp dạy học phù hợp đặc thù của trường chuyên; mở rộng các lớp cử nhân và kỹ sư tài năng; quản lý và sử dụng nhân tài. (Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân)

* Để đánh giá chính xác và khách quan khả năng của HSG, cần sử dụng nhiều loại hình đánh giá (quá trình, tổng kết và chẩn đoán), nhiều phương pháp (trắc nghiệm, quan sát, phỏng vấn...), nhiều hình thức (trắc nghiệm tự luận, trắc nghiệm khách quan, vấn đáp, thảo luận, thuyết trình...). (Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng)

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.