Trường CĐ hồi hộp lo ĐH 'tuyển vét'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
25/07/2018 09:01 GMT+7

Đại diện các trường CĐ và trung cấp cho rằng tỷ lệ nhập học sẽ chỉ đạt dưới 50% do nhiều trường ĐH 'vơ bèo vạt tép'.

Tốt nghiệp THPT là đậu ĐH
Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn (trừ khối ngành sư phạm). Điều đó dẫn đến tình trạng một số trường ĐH đưa ra mức điểm sàn quá thấp. Riêng trong thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Bình Dương đến nay còn không có mức điểm xét tuyển cho phương thức dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mà chỉ nói chung chung “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận đăng ký xét tuyển: Theo chuẩn đảm bảo chất lượng quy định của Bộ GD-ĐT”, trong khi năm nay Bộ không quy định về ngưỡng diểm này. Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ, trường đưa ra mức điểm sàn là 12, một mức điểm coi như chỉ cần đậu tốt nghiệp là có thể vào học ĐH!

Bà Trương Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng việc Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn ĐH làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyển sinh ở các bậc học thấp hơn. “Với mức điểm xét tuyển thấp như một số trường ĐH đưa ra, cơ hội đậu ĐH lớn như vậy thì điều chắc chắn là thí sinh sẽ chọn học ĐH, chỉ rất ít em xác định được năng lực, hoàn cảnh của mình thì mới nộp vào CĐ”, bà Nhung nhìn nhận.
Tỷ lệ ảo rất lớn
Đến thời điểm này, nhiều trường CĐ đang chuẩn bị gọi thí sinh nhập học. Số lượng hồ sơ nộp vào các trường hiện cũng rất khả quan. Chẳng hạn, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã vượt nhiều so với mức chỉ tiêu 3.000. Trường CĐ Công thương TP.HCM cũng nhận được 4.000 hồ sơ trên tổng số 5.000 chỉ tiêu. Trường CĐ Kỹ thuật Vinatex đã có 3.500 thí sinh đăng ký hồ sơ trực tuyến, trong khi Trường CĐ Bách Việt cũng nhận được 1.700 hồ sơ trực tuyến...
Đề xuất 2 bộ cần kết nối trong tuyển sinh
Để đưa ra giải pháp cho năm tiếp theo, bà Phan Thị Hải Vân đề xuất Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT cần có sự kết nối, phối hợp trong tuyển sinh. Một số lãnh đạo trường CĐ cũng cho rằng Bộ GD-ĐT không nên “độc quyền” trong phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia. Theo đó, trong phiếu này phải có mục xét tuyển CĐ để thí sinh có thêm lựa chọn, tránh việc tách rời tuyển sinh giữa 2 hệ thống dẫn đến “mạnh ai nấy làm” như hiện tại
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, lo lắng: “Rõ ràng năm trước số lượng thí sinh sử dụng điểm thi THPT quốc gia nộp hồ sơ vào trường nhiều hơn hẳn, chiếm 50%. Nhưng năm nay chỉ còn gần 40%. Các em nộp hồ sơ vào CĐ gần như chỉ là để dự phòng, nên tỷ lệ ảo hằng năm lên tới 50%. Năm nay nguy cơ ảo còn nhiều hơn, do các trường ĐH đẩy mạnh xét học bạ, và nhiều trường xét điểm thi THPT quốc gia thì lại có mức thấp”.
Bà Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, cũng khẳng định năm nay tỷ lệ ảo chắc chắn sẽ tăng nhiều so với năm trước, khiến việc tuyển sinh CĐ phải kéo dài mà chưa chắc đã đạt chỉ tiêu.
Chia sẻ về vấn đề này, một đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, nhận định: “Việc các trường ĐH xét tuyển bằng học bạ và điểm thi THPT quốc gia với mức điểm nhận hồ sơ quá thấp nhằm “vét” thí sinh dẫn đến chất lượng đào tạo ĐH sẽ không đảm bảo. Hơn nữa, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ không còn nguồn để tuyển, phá vỡ việc thực hiện công tác phân luồng theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.