Trung tâm luyện thi đại học đến thời... đóng cửa: Chọn giáo viên thương hiệu từ mạng xã hội

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
09/04/2019 08:08 GMT+7

Việc luyện thi đại học thay đổi rất khác so với trước. Trung tâm nổi tiếng nay chuyển hướng hoạt động, học sinh chọn luyện thi theo nhóm nhỏ với những giáo viên nổi tiếng.

Nổi tiếng từ… facebook

Trong khi các trung tâm luyện thi đại học (ĐH) lớn, nổi tiếng một thời chật vật tìm cách tồn tại thì nhiều trung tâm nhỏ lại phát triển vì những nơi này đang có những giáo viên (GV) nổi tiếng, có sức ảnh hưởng của mình.
[VIDEO] Thời hoàng kim đi qua, trung tâm luyện thi đại học vắng vẻ đến khó tin

Khoảng 11 giờ ngày 23.3, chúng tôi có mặt tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa (BDVH) trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM). Trung tâm có cơ sở khá khiêm tốn, chỉ là một căn nhà 3 tầng, được cải tạo lại thành các phòng học. Học sinh (HS) ngồi kín mít trong lớp học môn văn vì đứng lớp là thầy Đỗ Đức Anh, một GV trẻ khá nổi tiếng đang dạy tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM). Thầy Đức Anh cũng là một người viết văn, xuất bản khá nhiều sách, được nhiều HS biết đến. Thầy Anh cũng hay xuất hiện trên báo chí vì có cách dạy sáng tạo như yêu cầu HS đóng vai nhà báo, đi vào nghĩa trang, lăn lê ở khắp con đường, vỉa hè… để thu thập tư liệu cuộc sống khi học môn văn. Trang Facebook của dự án “Học văn từ cuộc sống” do thầy phát động được rất nhiều HS tham gia và hưởng ứng.
Trang Facebook cá nhân của thầy Đức Anh luôn trong tình trạng “quá tải” vì số lượng người kết bạn, nhất là HS. Từ các năm trước, thầy giáo trẻ này đã thu hút HS trên toàn quốc khi giảng bài trực tiếp miễn phí trên Facebook. Qua đó, thầy và trò cũng có thể trao đổi trực tiếp về nội dung bài học. Kể từ đó, thầy Đỗ Đức Anh đã có thương hiệu cho mình. Anh đứng lớp ở đâu thì HS đăng ký luyện thi ở đó cũng đông. Lâm Thanh Phong (HS lớp 12A14 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1), hiện học tại đây, cho biết những năm gần đây Phong và các bạn thường tìm đến các thầy cô nổi tiếng về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm luyện thi ĐH. Trước đây, Phong chưa bao giờ đi học thêm môn văn nhưng đã xem một số chương trình luyện thi trực tiếp trên Facebook cá nhân của thầy Đỗ Đức Anh và đến đây đăng ký học. Ngoài ra, với môn toán, mẹ Phong cũng tìm một thầy giáo nổi tiếng để Phong theo học.
Chúng tôi cũng tìm đến một trung tâm BDVH - luyện thi ĐH khác tại Q.5. Lớp luyện thi môn văn ở đây cũng có khá đông học viên theo học. Người đứng lớp là thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, công tác tại Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Bảo Khôi cũng là một cái tên quen thuộc với rất nhiều HS khi xuất bản một số sách về cách rèn luyện kỹ năng làm bài môn văn, cách ôn tập môn văn cho kỳ thi THPT quốc gia… Facebook cá nhân của thạc sĩ Khôi cũng được nhiều HS biết đến, kết bạn và trao đổi.

Luyện thi nay chú trọng vào kỹ năng

Thạc sĩ Khôi cho biết, ở lĩnh vực luyện thi ĐH, phải thừa nhận một điều là “sóng sau đưa sóng trước”. GV luyện thi ĐH tên tuổi ngày xưa đã lớn tuổi, lớp trẻ dần dần thay thế. Cách tiếp cận vấn đề khác và cách triển khai phương pháp dạy cũng khác. GV cũng buộc phải có những thay đổi rất mạnh mẽ, buộc thải loại một số cách dạy cũ, chú tâm phần kỹ năng nhiều hơn. Đề thi hiện nay yêu cầu kỹ năng rất nhiều nên GV chỉ thuần kiến thức sẽ không giải quyết được vấn đề này. Xu hướng này càng về sau sẽ càng chiếm ưu thế.
Thầy Đỗ Đức Anh cũng cho biết: “Việc luyện thi ĐH đã thay đổi theo thời gian, với sự thay đổi phương thức thi cử từ phía Bộ GD-ĐT. Trước đây các trường ĐH ra đề nên các trung tâm luyện thi đa phần do trường ĐH mở, thu hút HS từ các tỉnh lên rất đông. Nhưng gần đây Bộ ra đề, việc luyện thi như vậy giảm sút rất nhiều. HS tìm đến một cách khác để luyện thi là học với các thầy cô tin cậy. Thầy cô có nhiều kênh tiếp cận HS như Facebook cá nhân. HS biết tiếng, nghe tên, học thử một thời gian, cảm thấy tốt sẽ theo học cho đến khi thi ĐH. Còn HS cảm thấy cách dạy không hợp với mình thì sẽ tìm GV khác”.

Chuyển đổi loại hình

Trước tình hình này, các trung tâm luyện thi ĐH lớn, nổi tiếng trước đây buộc phải chuyển hướng hoạt động.
Khi vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm BDVH của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo đã phải có quyết định tìm hướng đi mới cho trung tâm vì không còn học viên đăng ký học luyện thi nữa.
Tiến sĩ Đèo cho biết: “Với tình hình hiện tại, bắt buộc phải thay đổi mô hình trung tâm. Chúng tôi đang tập trung vào mảng BDVH cho HS lớp 6 - 12. Các lớp sẽ được thiết kế như lớp học chất lượng cao, sẽ tận dụng giảng viên chất lượng của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng như ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Phổ thông năng khiếu”.
Theo tiến sĩ Đèo, trung tâm sẽ tập trung chính vào việc truyền cảm hứng cho HS. Thầy cô sẽ biến kiến thức khô khan trên lớp thành kiến thức thực tế. Chẳng hạn môn toán, thầy cô sẽ truyền cảm hứng liên quan tư duy để tiếp cận bài toán. Với các môn lý, hóa, sinh, thầy cô sẽ mang thí nghiệm lên lớp học, cùng tương tác, để HS thấy được ứng dụng của môn học. “Từ đó HS sẽ có đam mê, mà khi có đam mê thì các em sẽ học tốt. Các lớp theo dạng mới này của trung tâm bắt đầu chiêu sinh vào tháng 4”, tiến sĩ Đèo cho biết.
Giám đốc một trung tâm luyện thi ĐH ở Q.3 (TP.HCM) từng khá nổi tiếng, nằm trong danh sách những trung tâm có đông học viên nhất trước kia, cho biết duy trì đến năm nay là... kiệt sức. Hiện tại trung tâm chỉ có khoảng 20 - 30 học viên. Từ năm sau, trung tâm này sẽ chuyển sang tư vấn du học.
Những năm gần đây, Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng đang thực hiện những công việc khác chứ không chú trọng luyện thi ĐH nữa. Đó là đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cũng như… tư vấn và trị liệu tâm lý.
Danh sách các trung tâm luyện thi ĐH nộp đơn lên Sở GD-ĐT TP.HCM xin giải thể những năm gần đây ngày càng nhiều. Những trung tâm nhỏ lẻ, thương hiệu ít nổi tiếng đã chuyển đổi thành những loại hình khác. Đa phần các trung tâm còn tồn tại nhờ dạy thêm cho HS phổ thông. Thậm chí, có trung tâm còn kiêm luôn… luyện chữ đẹp!
Ý KIẾN

Định hình thương hiệu riêng

Làm bất kỳ công việc gì cũng cần định hình thương hiệu, kể cả người thầy. Muốn định hình, cần tập trung chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Ngoài dạy đúng còn cần dạy hay, dạy thu hút, hấp dẫn, dạy HS nhớ bài. Việc định hình thương hiệu cần quá trình, cần sự tìm tòi của người thầy. Mỗi người thầy muốn có HS đến với mình trong lớp luyện thi ĐH thì phải tự nâng cao bản thân và định hình thương hiệu riêng. Các trung tâm hiện nay trả mức lương rất cao để thầy cô nổi tiếng về dạy cho trung tâm.
Đỗ Đức Anh (giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)

Học sinh thích giáo viên có cách dạy phá cách

Hiện tượng HS đăng ký học theo thầy cô nổi tiếng có rất lâu rồi. Đầu tiên là truyền miệng từ bố mẹ, anh chị, đến con cái, em út. Hiện tại là thời kỳ bùng nổ của mạng xã hội nên có nhiều thầy cô rất nổi tiếng. HS đôi khi thích GV có cách dạy phá cách. HS hoàn toàn có quyền lựa chọn GV. Vấn đề là bên cạnh chiêu trò khiến bài dạy hấp dẫn hơn thì GV cần có chiều sâu giúp HS có nhiều kiến thức hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi (Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.