Trọng dụng người giỏi không nên phân biệt

12/02/2015 05:39 GMT+7

Trong cuộc trao đổi với phóng viên một ngày cuối năm, Giáo sư Phùng Hồ Hải, Phó viện trưởng Viện Toán học - Viện Hàn lâm khoa học VN, cho rằng chính sách trọng dụng người tài phải đồng bộ, cơ chế tuyển dụng - sử dụng phải rõ ràng, minh bạch và không phân biệt người giỏi trong nước hay trở về từ nước ngoài.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên một ngày cuối năm, Giáo sư Phùng Hồ Hải, Phó viện trưởng Viện Toán học - Viện Hàn lâm khoa học VN, cho rằng chính sách trọng dụng người tài phải đồng bộ, cơ chế tuyển dụng - sử dụng phải rõ ràng, minh bạch và không phân biệt người giỏi trong nước hay trở về từ nước ngoài.
 
Giáo sư Phùng Hồ Hải - Ảnh: Quý HiênGiáo sư Phùng Hồ Hải - Ảnh: Quý Hiên
Cần tạo môi trường, cơ chế bình đẳng
Ông đánh giá thế nào về thực trạng du học của giới trẻ VN ?
Làm bất kỳ việc gì cũng cần có một nhóm, thậm chí cần cả một đơn vị hoặc rộng hơn. Vì thế một vài cá nhân cho dù giỏi đến mấy cũng sẽ không thay đổi được điều gì nếu không có sự hợp tác, hỗ trợ của những đồng nghiệp xung quanh
Giáo sư Phùng Hồ Hải
Với chất lượng đào tạo trong nước như hiện nay, du học là mơ ước của các bạn trẻ. Lợi thế của các bạn trẻ ngày nay so với thời chúng tôi là các em rất có nhiều cơ hội du học, kể cả du học có học bổng. Thậm chí, ở bậc sau đại học tình hình thực tế là chúng ta đang thiếu người để cử đi học chứ không thiếu chỗ học. Cơ quan chúng tôi có thể liên hệ được khá nhiều suất học bổng nhưng lại không tìm ra được sinh viên đáp ứng các tiêu chí về chất lượng để giới thiệu. Có thể nói chất lượng đào tạo ĐH tại VN rất đáng báo động.
Đối với nhiều người, du học là một bước đệm giúp họ lập nghiệp nơi xứ người. Nhưng nhiều người cũng đã trở về, như chính ông chẳng hạn…
Từ trước đến nay tôi vẫn cho rằng chuyện đi hay ở, trở về hay không là quyết định của từng cá nhân chứ không nên khái quát lên thành vấn đề xã hội. Nhà nước mình cũng khá cởi mở, không ngăn người đi, cũng không cản trở người về. Trên bình diện toàn cầu, vấn đề sống và làm việc ở đâu càng được xem là sự lựa chọn của mỗi cá nhân.
Nhưng theo ông chúng ta cần phải làm gì để sự trở về của những người được đào tạo bài bản ở những nước có nền ĐH phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng trong nước?
Tất nhiên chúng ta cần nhiều giải pháp thu hút nhân lực. Nhưng theo tôi không nên phân biệt người được đào tạo ở trong nước hay ngoài nước. Cái mà nhà nước cần làm là tạo một môi trường, một cơ chế tuyển dụng - sử dụng nhân lực bình đẳng với tất cả mọi người. Ai giỏi thì phải được trọng dụng, phải được tạo điều kiện để làm việc tốt cho dù họ được đào tạo ở đâu. Nhà nước cứ dành cho những người giỏi những vị trí phù hợp, đãi ngộ xứng đáng, tất yếu sẽ có những người thực sự giỏi ứng cử vào các vị trí đó. Còn cách đặt vấn đề ưu tiên vô điều kiện người được đào tạo ở nước ngoài hơn những người khác đang học trong nước theo tôi chưa hợp lý.
Không nên có “chủ nghĩa lý lịch” trong đào tạo
Nghĩa là khi đưa ra chính sách trọng dụng nhân tài, chúng ta cần căn cứ vào các tiêu chí năng lực chứ không phải bằng cấp?
Đúng vậy, phải nhìn vào thực chất chứ không nên nhìn vào bằng cấp, không nên có "chủ nghĩa lý lịch" trong đào tạo - tốt nghiệp ở một trường danh tiếng là hiển nhiên giỏi. Điểm mấu chốt là chính sách tuyển dụng, sử dụng minh bạch, hợp lý. Năm qua trong dư luận có lúc ồn lên việc người này người kia được đào tạo ở nước ngoài, có bằng cấp nọ kia nhưng thi trượt chỗ này, chỗ khác. Tôi cho rằng cách nhìn nhận sự việc căn cứ vào hình thức bề ngoài như vậy khiến xã hội trở nên nhiễu thông tin, làm cho dư luận có ấn tượng không chính xác về sự việc. Cái cần lưu tâm ở đây phải là đi vào chi tiết xem quy trình, tiêu chí đánh giá của việc tuyển dụng có đạt được sự công bằng, có khoa học hay không. Thực tế là những bất hợp lý trong khâu tuyển chọn viên chức nhà nước đang là rào cản chung của sự phát triển.
Du học sinh VN tại Nhật Bản, một trong những mục tiêu phấn đấu của bạn trẻ hiện nay - Ảnh: VYSA
Du học sinh VN tại Nhật Bản, một trong những mục tiêu phấn đấu của bạn trẻ hiện nay - Ảnh: VYSA
Thực tế có những người năng lực đã được khẳng định trong môi trường làm việc ở nước ngoài nhưng chúng ta lại thiếu chính sách thu hút họ trở về phục vụ đất nước, ông nghĩ sao?
Quan điểm của tôi, như đã nói ở trên, trước hết ta cần cải tạo môi trường làm việc trong nước, nếu môi trường của chúng ta hấp dẫn, những người tài ở nước ngoài sẽ muốn trở về.
Ngược lại, giả sử nhà nước tập trung ưu tiên cho một số cá nhân, nhưng những đồng nghiệp của họ lại không được quan tâm thì khi đó những cá nhân được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt cũng khó mà phát huy được năng lực. Làm bất kỳ việc gì cũng cần có một nhóm, thậm chí cần cả một đơn vị hoặc rộng hơn. Vì thế một vài cá nhân cho dù giỏi đến mấy cũng sẽ không thay đổi được điều gì nếu không có sự hợp tác, hỗ trợ của những đồng nghiệp xung quanh.
Giáo sư Phùng Hồ Hải đoạt huy chương đồng Olympic toán quốc tế năm 1986 (khi đang học lớp 11), được nhà nước gửi sang học ngành toán ở ĐH Tổng hợp Lomonoxov - Liên Xô (cũ) rồi làm nghiên cứu sinh ở ĐH Tổng hợp Munich, Đức. Ông về nước làm việc tại Viện Toán học từ năm 1996.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.