Tréo ngoe biên chế giáo dục

Việc giao chỉ tiêu biên chế 'một cục' từ trên xuống, không chủ động trong việc tuyển dụng đội ngũ đang khiến nhiều trường gặp khó trong hoạt động. Tăng tự chủ nhân sự được coi là lời giải bài toán về quản lý biên chế ngành giáo dục.

Tăng học sinh, không tăng giáo viên
Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) hiện có 36 biên chế giáo viên (GV). Năm nay, trường tăng 90 học sinh (HS) nâng tổng số HS toàn trường là 900. Theo định biên, trường còn thiếu tới 3 biên chế. Thêm vào đó, năm nay, trường có 5 cô giáo nghỉ theo chế độ thai sản dẫn đến thiếu GV trầm trọng.
Tuy nhiên, việc xin thêm biên chế của trường không được duyệt. Trong lúc chờ cấp trên cho thêm biên chế, trường phải dồn lớp và huy động các thầy cô giáo thay phiên nhau đứng lớp lấp chỗ trống. Cả hiệu trưởng, hiệu phó mỗi tuần cũng phải đứng lớp tới 14 - 16 tiết trong khi quy định của ngành chỉ là 2 tiết.
Theo bà Đào Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, việc dồn lớp đang khiến sĩ số các lớp học vượt quá quy định. Khối 1 bình quân mỗi lớp 44 em, còn khối 2 là 42 em trong khi chỉ tiêu chỉ 35 HS mỗi lớp. Sĩ số lớp đông khiến các dãy bàn học buộc phải kê sát lên bục giảng và cửa ra vào, gây không ít phiền toái cho cả thầy lẫn trò.
Ông Trần Nam Hải, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Uông Bí, cho biết: “Năm học 2017 - 2018, toàn TP tăng 1.000 HS, tăng 32 lớp học các cấp, theo định biên thì thiếu khoảng 60 GV”. Tuy nhiên, chỉ tiêu biên chế các trường trong thành phố được giao từ năm 2012 đến nay không tăng trong khi số HS tăng, số lớp tăng đã dẫn đến hiện tượng thừa - thiếu cục bộ. "Giải pháp tình thế lúc này là dồn lớp, GV dạy ở nhiều trường hoặc dạy chéo môn", ông Hải nói.
Trường buộc phải làm sai quy định
Những quy định cứng về chỉ tiêu biên chế cũng đang khiến nhiều trường ĐH phải khốn đốn. Lãnh đạo một trường ĐH về kỹ thuật tại Hà Nội cho biết chỉ tiêu biên chế của trường được giao từ Bộ Nội vụ về bộ chủ quản, rồi phân tiếp về trường. Khi quy mô đào tạo tăng lên thì đội ngũ giảng viên nhà trường cũng phải tăng lên để đảm bảo các quy định của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó chỉ tiêu biên chế được giao thì "chỉ có mức độ nhất định". Vì vậy, các trường buộc phải "lách" bằng cách ký hợp đồng lao động với các giảng viên mới dù điều này là trái quy định.
Theo quy định hiện hành, viên chức sau khi được tuyển dụng sẽ được các đơn vị sự nghiệp công ký hợp đồng làm việc (có hoặc không xác định thời hạn). Nghị định 68/2000 của Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí công việc không phải chuyên môn. Đối với công việc chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị sự nghiệp buộc tuyển dụng thông qua thi tuyển và ký hợp đồng làm việc dành cho viên chức. Tuy nhiên, do hạn chế của định biên, nhiều đơn vị buộc phải ký hợp đồng lao động (theo luật Lao động) cho những vị trí này.
Trên thực tế, giáo dục cùng với y tế là 2 lĩnh vực được phép tăng biên chế sự nghiệp trên cơ sở tăng số trường, lớp, HS, giường bệnh… Tuy nhiên, theo quy định, các địa phương chỉ được tuyển GV biên chế khi xây dựng thêm trường mới.
Quy định này khiến nhiều địa phương "mắc kẹt" vì số trường học xây mới không nhiều, trong khi các trường vẫn phải mở rộng quy mô.
Thiếu môn này, nhận môn khác
Việc quy định cứng chỉ tiêu biên chế theo kiểu rót từ trên xuống không chỉ khiến các trường gặp khó khăn mà ngay cả các phòng, sở, thậm chí cả Bộ GD-ĐT cũng khó có thể kiểm soát biến động đội ngũ của ngành mình.
Tại cuộc làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ GD-ĐT về đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (khi đó là Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội), đã than phiền rằng các trường hiện nay không được quyền tự chủ về công tác nhân sự, tuyển dụng đội ngũ. Chẳng hạn, Hà Nội dù rất muốn ưu tiên tuyển dụng đối tượng có chất lượng cao nhưng không được vì đó là chuẩn chung.
Ông Độ cũng cho rằng trong vấn đề đội ngũ với GV thì quan trọng nhất là cơ cấu vì thực tế đủ về số lượng nhưng lại không đảm bảo về cơ cấu. Ví dụ với cấp THCS, Bộ giao định biên là 1,9 GV/lớp nhưng thực tế nhiều khi tuyển đủ về số lượng nhưng chỉ theo kiểu “điền vào ô trống”.
Có trường thiếu GV nhạc họa nhưng không tuyển được thì lại lấp chỗ trống bằng cách tuyển GV toán vào để đủ định biên. Điều này dẫn tới tình trạng, tổng số vẫn là 1,9 GV/lớp nhưng có khi vẫn thiếu GV ở một số môn học. Nếu giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc tuyển chọn thì họ sẽ tuyển đúng, đủ GV ở những bộ môn đang cần.
Còn ông Chu Văn Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân (Hòa Bình), cho biết việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà không được tự chủ về bộ máy và nhân sự thì sẽ rất khó cho trường. "Chẳng hạn cơ quan cấp trên phân người về thì hiệu trưởng sẽ ký hợp đồng làm việc. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, trường lại báo cáo cấp trên để chấm dứt hợp đồng chứ trường không tự quyết định".

tin liên quan

Đãi ngộ công bằng sẽ xóa áp lực biên chế giáo dục
Lương thấp so với các ngành nghề khác trình độ tương đương nên giáo viên có xu hướng bỏ việc khi tìm được công việc với mức lương và phúc lợi cao hơn. Để giữ chân giáo viên, điều quan trọng không chỉ biên chế mà chính là chế độ đãi ngộ công bằng, đặc biệt cho những người giỏi.
Tại một hội nghị của ngành giáo dục hồi đầu năm, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, từng cho rằng ngành GD-ĐT hiện nay không có quyền gì về đội ngũ và tài chính. Con người thì do ngành nội vụ nắm, tiền thì ngành tài chính nắm và phân bổ, trong khi ngành GD-ĐT thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng.
Theo kết luận của Bộ Nội vụ trong báo cáo gửi tới hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông 2017 mới đây, tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV đã trở thành vấn đề nhức nhối khi nhiều địa phương quyết định chuyển GV ở bậc học trên xuống dạy ở cấp học mầm non vốn đang thiếu trầm trọng.
Trong khi đó, theo ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, quyền tự chủ về nhân sự của các trường đã được quy định rõ tại điều 58 luật Giáo dục 2005. Theo đó, các trường có quyền tuyển dụng và tham gia vào quá trình điều động nhà giáo. Bên cạnh đó, nhà trường có quyền huy động và sử dụng, quản lý các nguồn lực theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Tiến, từ tự chủ trên văn bản đến tự chủ trên thực tế là một khoảng cách lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.