Treo 'mật thư' trước cửa nhà cho học sinh những ngày chống dịch

Vũ Thơ
Vũ Thơ
06/05/2020 09:20 GMT+7

Trong mùa dịch Covid-19, học sinh ở vùng cao không có điều kiện để học trực tuyến , một trường học của tỉnh Yên Bái đã có sáng kiến đút bài tập vào các ống nhựa mang đến treo ở cửa nhà mỗi học sinh.

“Mật thư” học tập

Sáng kiến giao bài tập cho học sinh bằng ống nhựa đã được các thầy cô Trường tiểu học và trung học cơ sở số 2 Hồng Ca (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) thực hiện hơn 1 tháng qua, để các em không bị gián đoạn việc học trong thời điểm nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.
Chia sẻ về sáng kiến này, thầy Nguyễn Minh Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết Trường tiểu học và trung học cơ sở số 2 Hồng Ca thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên. Trường có hơn 400 học sinh đều là người dân tộc H’Mông, nhưng khu vực dân cư nơi các em sinh sống không có internet, không có mạng 3G, không có sóng ti vi. Vì vậy, khi nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, học sinh đã không thể có cách nào để học bài.
“Tôi rất trăn trở và suy nghĩ nhiều về việc này, nếu không giao được bài cho học sinh thì vô tình nhà trường đã làm "đóng băng" giáo dục, ở vùng cao kêu gọi được các em học sinh đến trường đã khó rồi, giờ lại nghỉ học dài như vậy thì chất lượng giáo dục sẽ đi xuống”, thầy Thanh tâm sự. Vậy là, với tinh thần tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học tập, thầy đã huy động các giáo viên triển khai giao bài tập cho học sinh ở nhà trong những ống tre (sau này chuyển thành ống nhựa). Cây tre được cắt thành từng đoạn ngắn, giáo viên in bài hướng dẫn ôn tập rồi cho vào và mang tới treo ở cổng nhà học sinh. Các em lấy bài tập làm và sau đó lại nhét vào treo lại ở cổng cho các thầy cô đến lấy và giao bài tập mới.
Chia sẻ về việc phải đút bài tập vào ống tre, thầy Thanh cho biết: “Các gia đình ở vùng cao nghỉ dịch nhưng vẫn đi làm nương đến tối mới về nhà, nên giáo viên không thể gặp được học sinh để giao bài tập. Hơn nữa, mùa dịch cần phải hạn chế tiếp xúc, nên nhà trường đã triển khai giao bài tập cho học sinh ở nhà bằng những ống tre, vì vùng này rất sẵn tre”.
Theo thầy Thanh, cứ vào ngày đầu tuần, ban giám hiệu cùng các giáo viên trong trường chia nhau đi đến từng thôn bản, khu dân cư để giao bài ôn tập cho từng học sinh. Lúc đầu, trường chỉ giao ở các nhà học sinh gần trường học. “Sau tuần đầu tiên thực hiện, thấy phản hồi từ phụ huynh rất tích cực, các em rất phấn khởi. Giáo viên và học sinh của trường thường gọi vui là ống “mật thư” học tập, nên nhà trường đã nhân rộng ra cả 4 thôn trong xã. Sau đó, 100% học sinh trong trường đều nhận bài tập bằng những ống “mật thư” này.

Đi bộ 5 - 6 tiếng để giao “mật thư”

Để đưa được các “mật thư” đến nhà học sinh, các thầy cô giáo Trường tiểu học và trung học cơ sở số 2 Hồng Ca đã phải trèo đèo lội suối, gặp những hôm trời mưa thì bài tập bị ngấm nước ướt. Vì vậy, thầy Thanh lại nghĩ ra cách đút bài tập vào ống nhựa. “Nhược điểm của ống tre là không kín, dễ ngấm nước khi trời mưa, nên chúng tôi đã khắc phục bằng cách dùng ống nhựa PVC để thay thế, dùng bịt đầu của ống gắn kín lại nên hoàn toàn yên tâm”, thầy Thanh nói. Vậy là những “mật thư” trong ống nhựa đã theo chân các thầy cô giáo đến với từng học sinh của trường.
“Ở vùng này thì đường đi chính là suối với các thôn bản ở sâu bên trong núi. Nhiều thầy cô sau khi đi hết đường xe máy, còn phải đi bộ hơn 1 giờ mới tới được nhà học sinh. Cả ngày có khi phải đi bộ trong rừng, lội suối 5 - 6 tiếng… Có thầy cô ngã ướt hết cả quần áo, nhưng rất may ống đựng bài vẫn khô ráo”, thầy Thanh kể. Dù vất vả nhưng các giáo viên của trường Hồng Ca vẫn hào hứng thực hiện công việc này. Thầy giáo Đinh Quang Hợi, giáo viên của trường, trải lòng: “Được giao bài tập như thế, học sinh rất phấn khởi và làm bài đầy đủ. Mong muốn của giáo viên chỉ cần học sinh chăm chỉ học tập. Thấy các em làm hết bài là chúng tôi rất vui!”.
Sáng kiến này của nhà trường không chỉ được học sinh thích thú mà phụ huynh cũng đồng tình ủng hộ. Là một phụ huynh học sinh ở thôn hẻo lánh nhất của xã, anh Vàng A So, Trưởng thôn Khe Ron, xã Hồng Ca, nói: “Thôn Khe Ron là vùng sâu, vùng xa khó khăn lắm, ti vi không có, mạng không, học trực tuyến không thể học được. Các thầy cô sáng kiến cho bài tập vào ống nhựa giúp các em được học bài. Sáng kiến này rất tốt”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên ngày 5.5, thầy Nguyễn Minh Thanh cho biết, nhờ có việc giao bài tập như vậy, các em đã không quên kiến thức, nên sau khi quay lại trường học vào ngày 4.5 (đối với học sinh lớp 5 - 9) các em đã bắt kịp được chương trình. Còn lại các học sinh từ lớp 1- 4 vẫn được tiếp tục giao bài tập cho đến khi các em quay trở lại trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.