Trẻ tự kỷ cần môi trường hòa nhập

25/07/2014 03:00 GMT+7

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, số trẻ đến khám do gia đình lo lắng con có biểu hiện tự kỷ tăng rất cao, trung bình 60 - 70, có ngày lên đến hơn 100 trẻ. Trong đó, 50% trẻ có vấn đề và ước khoảng 20 - 30% trong số đến khám cần can thiệp.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, số trẻ đến khám do gia đình lo lắng con có biểu hiện tự kỷ tăng rất cao, trung bình 60 - 70, có ngày lên đến hơn 100 trẻ. Trong đó, 50% trẻ có vấn đề và ước khoảng 20 - 30% trong số đến khám cần can thiệp.

Trẻ bị tự kỷ cần được chăm sóc can thiệp đặc biệt, đúng phương pháp - Ảnh: Ngọc Thắng

Biểu hiện

 
Nếu trong gia đình mà bố chăm chú với iPad, mẹ nhắn tin bằng điện thoại, con chơi một mình thì điều đó cũng nguy hiểm cho phát triển của trẻ

BS Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, BV Nhi T.Ư

Chia sẻ về việc điều trị cho trẻ tự kỷ, BS Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, BV Nhi T.Ư, cho biết: Về chuyên môn, tự kỷ có thuật ngữ chính xác là rối loạn phát triển phổ tự kỷ, để nói về các rối loạn hành vi phát triển khác nhau liên quan đến tự kỷ. Ví dụ như tự kỷ chức năng cao (là trẻ rất giỏi về một mặt nào đó) nhưng lại hạn chế về giao tiếp với bên ngoài, hạn chế giao tiếp nhóm. Trẻ có thể đọc rất nhiều, rất nhanh trước tuổi đi học nhưng lại không hề hiểu nội dung. Thể tự kỷ này nhiều khi khiến cha mẹ lầm tưởng con mình là thiên tài, thông minh, giỏi giang.

Với 1.500 - 1.600 trẻ đến khám trong một tháng thì có khoảng 300 trẻ cần can thiệp là con số lớn. Để chẩn đoán tự kỷ, rất cần các test về trí tuệ, vận động, về rối loạn lo âu. Trẻ cần được khám kỹ lưỡng, trường hợp bác sĩ phát hiện thấy trẻ có rối loạn phát triển thì sẽ có các biện pháp can thiệp và hướng dẫn cha mẹ cùng tham gia. Thường 2 tháng sau đó khám lại thì mới khẳng định là tự kỷ.

Tại Khoa Tâm thần của BV Nhi T.Ư hiện đang điều trị cho các cháu tự kỷ. Mỗi đợt tiếp nhận được khoảng 20 cháu, mỗi cháu can thiệp trong 3 tuần. Thông thường là trẻ ở tại khoa nửa ngày, nếu gia đình ở xa thì trẻ đến cả hai buổi/ngày và chỉ can thiệp điều trị ngoại trú. Điều này giúp cho các trẻ vẫn được ở cùng gia đình, là môi trường rất cần thiết cho trẻ. “Hiện nay, số trẻ chờ để tham gia điều trị tại khoa đã lên đến hàng trăm. Chúng tôi đã phải hẹn đến tận tháng 10 và chỉ có thể nhận trẻ từ 24 tháng đến dưới 4 tuổi”, bác sĩ Minh nói.

Bệnh tự kỷ có thể điều trị khỏi hoàn toàn không, thưa bác sĩ?             

Để điều trị, trước hết vấn đề phải là chẩn đoán đúng. Thông thường biểu hiện dễ thấy ở trẻ tự kỷ là chậm nói. Tuy nhiên, tình trạng này có thể chỉ là trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ, đơn thuần là trẻ không nói được do không được trò chuyện, không được tập nói do điều kiện sống mà chúng tôi gọi các trường hợp này là hội chứng “xa mẹ”. Với các trẻ này khi điều kiện sinh hoạt được khắc phục, trẻ lại nói được bình thường. Do đó, không phải cứ chậm nói là tự kỷ. Còn với trẻ đã được chẩn đoán là tự kỷ thì trưởng thành sẽ là người lớn tự kỷ. Tuy nhiên, nếu được can thiệp sớm thì sẽ cải thiện được tốt.

Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là từ 24 - 36 tháng. Với trẻ lớn hơn, khi đã có hành vi định hình thì can thiệp thay đổi sẽ rất khó. Tiếc là chúng ta vẫn còn những trẻ lớn, vẫn có bệnh nhân được chẩn đoán tự kỷ ở tuổi lên 10, thậm chí 12 tuổi, khi đó việc can thiệp đã rất muộn, trẻ tự kỷ lớn lên sẽ trở thành người lớn tự kỷ, không thể tự lo cho bản thân ngay cả về những việc nhỏ nhặt như vệ sinh cá nhân. Nếu can thiệp sớm, trẻ có cơ hội được thay đổi, có thể tự chăm sóc được cho bản thân trong cuộc sống.

Cảnh giác kiểu “giao tiếp một chiều”

 

Trẻ bị đối xử thô bạo nguy hiểm vô cùng

Cũng theo ông Thành Ngọc Minh, trẻ tự kỷ bị đánh, bị ngược đãi, bị đối xử thô bạo thì vô cùng nguy hiểm. Bản thân các em đã có vấn đề về tâm trí, bị hành xử như vậy thì càng đẩy lùi sự phát triển; các em dễ dàng rơi vào hoảng hốt, lo lắng, từ đó ngày càng bó hẹp bản thân và tự kỷ trầm trọng hơn. Nhân cách dễ dàng rơi vào trạng thái tiêu cực. Những trẻ bị như vậy khi trưởng thành sẽ là một người lớn tự kỷ có hành vi quá mức không thể kiểm soát, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người chung quanh. 

Đâu là nguyên nhân gây tự kỷ?

Người ta đã có các nghiên cứu về yếu tố gien liên quan tới bệnh lý này nhưng chưa khẳng định đó là nguyên nhân duy nhất. Ngoài ra, cũng lưu ý thêm về kiểu “giao tiếp một chiều”. Đây không phải là nguyên nhân nhưng là yếu tố liên quan đến tự kỷ. “Giao tiếp một chiều” là các trẻ của xã hội hiện đại hằng ngày chỉ giao tiếp với tivi, iPad, điện thoại. Việc cho trẻ “gắn bó” với điện thoại, iPad là rất nguy hiểm bởi vì với những “người bạn” công nghệ đó, trẻ không có trao đổi thông tin qua lại. Ở nước ngoài có trẻ lớn bị tự kỷ chỉ giao tiếp với bố, mẹ qua iPad, máy tính. Cháu đó chỉ viết ra những điều mà nó mong muốn rồi gửi cho bố mẹ, chứ không trò chuyện, không trao đổi bằng ngôn ngữ. Như vậy môi trường giao tiếp với trẻ rất quan trọng. Nhưng nếu trẻ của các gia đình mà bố mẹ xa, hoặc mải lo làm ăn, con ở với ông bà, người giúp việc ít được trò chuyện, vui chơi giao tiếp bên ngoài thì cũng là yếu tố liên quan.

Có những nghiên cứu cho thấy, gia đình càng nhiều anh chị em thì yếu tố nguy cơ bị tự kỷ giảm xuống. Còn gia đình ít người, trẻ sống xa bố mẹ ít được trò chuyện, thậm chí ngay cả gia đình chỉ có một mình trẻ sống với bố mẹ, ít được giao tiếp thì yếu tố tự kỷ cũng tăng hơn. Nếu trong gia đình mà bố chăm chú với iPad, mẹ nhắn tin bằng điện thoại, con chơi một mình thì điều đó cũng nguy hiểm cho phát triển của trẻ.

Làm sao để nhận diện tự kỷ, hoặc những yếu tố cần lưu tâm với trẻ để trẻ được can thiệp kịp thời?

Khó khẳng định được tự kỷ điển hình ở trẻ nhỏ, nhưng có những yếu tố cần lưu ý về cử chỉ, điệu bộ. Đối với một đứa trẻ phát triển bình thường thì từ 10 tháng tuổi trở lên là đã có thể biết đi, 2 tuổi biết leo trèo, lắp ghép đồ chơi phù hợp với lứa tuổi; trẻ 12 tháng mà chưa có cử chỉ điệu bộ (không theo đòi người thân; người thân gọi mà không quay lại nhưng lại quay lại khi có tiếng ti vi), chưa thấy bập bẹ học nói. Hoặc trẻ từ 16 tháng thường đã nói câu có hai từ; cử chỉ bộc lộ rõ nhưng trẻ tự kỷ thì không có biểu hiện này. Đa số trẻ tự kỷ thường thiếu kỹ năng giao tiếp với môi trường xung quanh; ngôn ngữ, hoạt động giao tiếp với bên ngoài rất hạn chế, thậm chí gần như không nói. Do đó, có cha mẹ thấy con mình lặng lẽ, trật tự, ngồi với đồ chơi, không ra ngoài, không kết bạn thì nghĩ là ngoan, khi đi khám thì mới được xác định là tự kỷ.

Do đó Trung tâm chẩn đoán điều trị, nuôi, dạy trẻ tự kỷ cần được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm quyền. Trẻ khi được chẩn đoán tự kỷ cần được tham gia môi trường học tập, vui chơi với các bạn bình thường khác chứ không nên để riêng nhóm trẻ tự kỷ với nhau. Hiện tại, chỗ chúng tôi thường can thiệp cho các cháu trong 3 tuần và sau đó trẻ được khuyến khích đi học mẫu giáo, mầm non với các bạn. Tất nhiên điều này cần nỗ lực của gia đình trong việc bền bỉ chăm sóc con và sự sẵn sàng của các trường trong việc tiếp nhận các cháu. 

Trẻ tự kỷ bị bỏ lỏng

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lâm Tường Vũ, Chủ nhiệm CLB Gia đình trẻ tự kỷ, TP.Hà Nội, cho rằng nguy cơ trẻ tự kỷ bị bạo hành là rất lớn vì những chính sách liên quan đều đang bị “bỏ lỏng”. Về y tế, cũng chưa có chuyên khoa nào về tự kỷ; về giáo dục cũng chưa có chuyên ngành nào dạy chuyên biệt với giáo trình soạn riêng để dạy cho trẻ tự kỷ. Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì cũng dạy chung cho các trẻ khuyết tật hoặc trẻ có tố chất đặc biệt chứ không có dạy riêng cho trẻ tự kỷ. Trong khi đó, các nước đi xa hơn về vấn đề này đã có những giáo trình và đào tạo người dạy trẻ tự kỷ với phương pháp cụ thể.

Sẽ có tiêu chuẩn cụ thể với cơ sở giáo dục trẻ tự kỷ

PGS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN kiêm Phó trưởng ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật Bộ GD-ĐT, cho rằng hiện nay, trẻ tự kỷ vẫn có thể được áp dụng các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội dành cho các đối tượng trẻ khuyết tật nói chung, như luật Người khuyết tật 2010. Đáng tiếc là luật chưa có sự phân loại rõ ràng nhóm trẻ tự kỷ, vì vậy việc xây dựng chính sách cho nhóm đối tượng này còn gặp khó khăn. Để có chính sách hỗ trợ cụ thể cho trẻ tự kỷ, điều cần nhất là phải có những quy định mang tính quốc gia như luật Người khuyết tật. “Chúng tôi được biết ngành LĐ-TB-XH đang trong tiến trình nghiên cứu, đề xuất chính sách riêng, cụ thể cho nhóm trẻ khuyết tật này”, PGS Nguyễn Thị Hoàng Yến thông tin.

  Bộ GD-ĐT hiện đang là cơ quan chủ quản và giao cho Trường ĐHSP Hà Nội chủ trì một đề tài có quy mô quốc gia, có sự phối hợp liên ngành y tế - giáo dục - chính sách xã hội về vấn đề trẻ tự kỷ (2011 - 2020). Trong tương lai, ngành giáo dục sẽ phải xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể cho việc cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở giáo dục trẻ tự kỷ.

TUỆ NGUYỄN

Liên Châu (thực hiện)

>> Nặng trĩu nỗi lòng cha mẹ nuôi con tự kỷ
>> Nuôi con tự kỷ, phải tìm thông tin từ cộng đồng
>> Nhà nước nên nuôi dạy trẻ tự kỷ
>> Trẻ tự kỷ bỗng thành… 'thần đồng
>> Thấu hiểu trẻ tự kỷ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.