Trẻ mầm non dễ ‘sốc’ khi đi học lại, phụ huynh, giáo viên cần chuẩn bị gì?

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
13/05/2020 16:50 GMT+7

Nghỉ học liên tục hơn 3 tháng, trẻ đã quen với giờ giấc, nếp sinh hoạt ở nhà cũng như gắn bó với người thân, do vậy nhiều em dễ bị 'sốc' khi quay trở lại trường lần này.

Làm công tác “tư tưởng”cho trẻ trước khi đi học lại

Là người thiên về giáo dục cảm xúc, tâm lý cho trẻ mầm non, cô Nguyễn Thúy Uyên Phương sáng lập và điều hành Trường mầm non ngoại khóa Tomato Children’s Home (TP.HCM), cho rằng trẻ nghỉ học lâu mọi nền nếp và thói quen được rèn luyện ở trường đều bị xáo trộn. Trẻ có thể đi ngủ khuya hơn, ăn uống không theo giờ giấc, giấc ngủ trưa kéo dài hơn, các hoạt động khác cũng thay đổi… Do vậy, khi trẻ quay trở lại trường các cô sẽ phải tập lại cho trẻ từ đầu.
Do vậy, trong thời gian này phụ huynh nên dành ít nhất là 2 tuần trước khi con quay trở trường để giúp con làm quen trở lại với lịch sinh hoạt như khi đi học, để các bé có thể thích nghi tốt hơn.
Đặc biệt, phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện với con để làm công tác “tư tưởng”. Trong đợt dịch này, trẻ được xem là đối tượng thụ động, chịu các quyết định của người lớn từ việc nghỉ học đến đi học trở lại. Một số bé sẽ cảm thấy có sự xáo trộn lớn cả về mặt tâm lý lẫn thói quen. Do vậy, thay vì chỉ thông báo với con sẽ đi học trở lại thì việc chia sẻ từ cha mẹ sẽ giúp trẻ giải tỏa tâm lý và hiểu vì sao mình sẽ quay trở lại trường học.
Đặc biệt, với những bé còn nhỏ, có sự gắn bó với cha mẹ, ông bà thì việc quay trở lại trường khiến các con cảm thấy bị chia tách, nên khó chịu, trẻ chắc chắn sẽ quấy khóc trong những ngày quay lại trường. Trẻ dễ bị sốc tâm lý, rối loạn do cảm xúc đến từ sự chia tách. Do vậy, cha mẹ hãy chuẩn bị cho con như lần đầu đi học, phải có lộ trình cho việc chia tách này từ từ.
Tương tự, thạc sĩ Bùi Thị Thu Vân, chuyên gia giáo dục mầm non, đồng thời là Giám đốc đào tạo Học viện Đào tạo Người Việt (TP.HCM), cũng cho rằng các trường mầm non cũng phải chuẩn bị tâm lý, khi đón nhận trẻ đi học lại. Trường phải xác định trước những nền nếp mà giáo viên rèn luyện cho học sinh trước đó từ thói quen, khả năng tập trung, chú ý, làm theo hướng dẫn… bị xáo trộn hết. Do vậy, các trường phải có sự khởi động.
Giáo viên sẽ cùng học trò của mình thiết lập lại những nền nếp, bắt đầu từ những thói quen. Đặc biệt, lần này giáo viên phải dạy các em những thói quen giữ gìn vệ sinh, đảm bảo an toàn khi đi học trong mùa dịch Covid-19. “Giáo viên không thể nào kiểm soát được hoàn toàn trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ mà phải tập cho các em ý thức tự bảo vệ mình và cách phòng bệnh. Đừng nghĩ các em nhỏ chưa biết gì, trẻ con thực ra rất biết nghe lời nếu chúng ta truyền tải thông tin đúng cách”, cô Vân chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Bùi Thị Thu Vân, trẻ rất nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, nên phụ huynh không nên quá lo lắng việc con quay trở lại trường, thay vào đó hãy tin tưởng, giao con cho giáo viên. "Nhiều người thường lo lắng thái quá khi thấy con khóc, phản đối việc tới trường. Thực ra đây là phản ứng tự nhiên của trẻ khi thay đổi môi trường sinh hoạt, bé cần có thời gian để làm quen", cô Thu Vân nói.

Phụ huynh, giáo viên cần phải làm "công tác tư tưởng" cho trẻ, nhất là trẻ ở lứa tuổi nhỏ trước ngày trở lại trường

Nguyễn Loan

Cô Nguyễn Thị Minh Uyên, sáng lập hệ thống Trường mầm non Việt - Đức (TP.HCM), cũng cho rằng cả trường, giáo viên và phụ huynh cần phải khởi động lại để chuẩn bị đón trẻ đến trường.
“Trẻ 4-5 tuổi thì có thể các con sẽ rất háo hức gặp lại cô và bạn bè. Nhưng với bé nhỏ từ 3 tuổi trở xuống thì giống như là đón bé mới đi học. Mọi thứ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu”, cô Nguyễn Thị Minh Uyên chia sẻ và cho biết sẽ nhờ phụ huynh làm công tác tâm lý trước cho các con ở nhà.
Phần nhà trường và giáo viên, cô Uyên cho biết sẽ sắp xếp, chuẩn bị phòng ốc, đồ dùng đồ chơi sao cho thật hấp dẫn cho bé cũng như lên tinh thần để đón các em quay lại trường.

Giáo viên sẽ vất vả hơn

“Trước đây, khi học sinh lần đầu tiên đi học thường các trường sẽ nhận lần lượt 2-3 bé một lần. Nhưng bây giờ, sau thời gian nghỉ dài, các bé mầm non, nhất là với những bé nhỏ sẽ lạ lẫm như những ngày đầu đi học, nhưng mỗi lớp có thể phải nhận cả chục bé, vì các bé đã đi học trước đây. Điều này, gây áp lực lớn lên giáo viên”, cô Uyên Phương lý giải nguyên nhân cho việc cần thiết chuẩn bị tâm lý cho giáo viên mầm non.
Giáo viên sẽ vất vả gấp nhiều lần khi phải xây dựng lại một lớp học gần như bị xáo trộn hoàn toàn, lại vừa phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn an toàn trong mùa dịch Covid-19. Khối lượng công việc của giáo viên vì thế sẽ tăng lên.
Những điều này dễ khiến giáo viên trở nên căng thẳng, mệt mỏi. “Nhà trường phải chuẩn bị tâm lý cho giáo viên, vì nếu họ không được giải tỏa thì dễ ‘trút’ những cảm xúc tiêu cực này lên học trò của mình”, chị Phương Uyên chia sẻ.
Giáo viên mầm non được xem là bộ máy, dẫn dắt toàn bộ quá trình “tái hội nhập” của trẻ, do vậy khi giữ được tinh thần ổn định, tâm lý sẵn sàng sẽ giúp họ lan tỏa được tinh thần tích cực, cũng như sự ân cần để học sinh cảm nhận được và nhanh chóng ổn định lớp hơn.
Theo phương án đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngày 18.5, học sinh lớp lá (trẻ 5 tuổi) bắt đầu đi học trở lại, còn ngày 25.5 là lớp mầm và chồi,  các lớp nhà trẻ còn lại bắt đầu đi học trở lại vào ngày 1.6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.