Đề thi yêu cầu học sinh 'nếu phải ở trong nước sôi' gây phản cảm?

Bích Thanh
Bích Thanh
06/06/2021 12:23 GMT+7

Yêu cầu trong câu nghị luận của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 một trường chuyên với giả thiết học sinh 'nếu phải ở trong nước sôi' đang gây nhiều ý kiến tranh luận.

Trên các diễn đàn của giáo viên dạy ngữ văn cũng như trên các nhóm trao đổi về chuyên môn đang xôn xao và có nhiều ý kiến về đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) năm học 2021-2022 vào ngày 4.6 khi yêu cầu học sinh "nếu phải ở trong nước sôi".

Các ý kiến tập trung vào câu 1 (4 điểm) có nội dung như sau:

Trong cuốn sách “Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng”, Lu-Mannup đã chia sẻ: “Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu”.  

“Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?

Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên.

Cách diễn đạt phản cảm?

Với nội dung câu hỏi như trên, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), bày tỏ theo quan điểm từ ngữ liệu trong đề thi. Tiến sĩ Tuyết nói rằng: “Thật ra, ngay bản thân câu ngạn ngữ này, tôi cũng không thực sự chia sẻ. Vì “nước sôi” không phải lúc nào cũng là “hoàn cảnh” theo nghĩa ‘nghịch cảnh” như cách chúng ta đọc câu ngạn ngữ và ý kiến này đang nghĩ. “Nước sôi” là hoàn cảnh khắc nghiệt, đáng sợ với cô Cám bị chị Tấm thảo hiền cho tắm trắng nhưng “nước sôi” lại là điều kiện lý tưởng cho một ấm trà để tỏa hương và trọn vị. Tất nhiên đó chỉ là quan niệm chủ quan, cá nhân, còn đây vẫn là câu ngạn ngữ quen thuộc mà nhiều người thường sử dụng”

Nhưng đến câu yêu cầu: “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả  trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”, thì tiến sĩ Tuyết cho rằng: “Quả thật có vấn đề". 

Theo tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, thông điệp đề bài định hướng cho học sinh là bàn luận về bản lĩnh nội tại trước nghịch cảnh cuộc sống. "Vấn đề đặt ra tốt, hữu ích, nhất là trong cuộc sống thời hiện đại vốn luôn quá nhiều thử thách. Tuy nhiên, cách diễn đạt ý giả định trong câu lệnh 'Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?' khiến người đọc thấy phản cảm. Không ai thấy thoải mái khi hình dung mình ở trong “nước sôi” và loay hoay chọn lựa cách làm “củ khoai tây hay quả trứng”. Những liên tưởng va chạm với tầng nghĩa đen khiến bất kỳ ai cũng thấy không ổn. Riêng tôi, luôn liên tưởng tới cô Cám, sự liên tưởng làm tắt ngấm mọi hứng thú bàn luận thông điệp”.

Từ đó, tiến sĩ Thu Tuyết đề nghị: “Sẽ giản dị, minh triết hơn nếu thay bằng câu lệnh: 'Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về thông điệp em nhận được từ quan niệm trên'". 

Tính phân loại chưa cao, chưa tạo được quan điểm đa chiều

Thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên mạng lưới môn ngữ văn Q.5 (TP.HCM), cho rằng đề thi lớp 10 trường chuyên nên có tính phân loại nhưng điều này ở đề thi trên chưa cao.

"Cũng có thể như một lời nhắc nhở tất cả chúng ta phải luôn vững vàng trong mùa dịch. Nước sôi hay dịch Covid cũng chỉ là một phép thử, một hoàn cảnh để con người tôi luyện bản thân mình. Quan trọng chúng ta không được chọn hoàn cảnh để dấn thân nhưng có quyền tìm cho mình một cách sống đúng để trở nên tốt đẹp hơn trong hoàn cảnh đó. Nói chung, đề nhìn tưởng hay nhưng đơn giản quá, chưa tạo được những quan điểm đa chiều", thầy Huy nhận định.

Tương tự, một giáo viên ngữ văn tại Q.5 cho rằng đề khó phân loại. Vấn đề được gợi chưa mang tính mở. Có thể đa số thí sinh sẽ chọn “là quả trứng” dẫn đến phần bàn luận sẽ tương đối giống nhau.

Nên diễn đạt khéo hơn

Với câu nghị luận trong đề thi nói trên, giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho rằng, đáng lý ra, nếu muốn giữ nguyên tác, nguyên bản dữ liệu thì nên để các từ như nước sôi, quả trứng, củ khoai tây trong ngoặc kép. Theo cô Ý  Nhi, câu lệnh trong đề văn nghị luận này phần nào mất đi tính văn chương.

Còn một giáo viên dạy ngữ văn tại Q.1 thì nói thêm, vì là đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 trường chuyên nên chắc chắn sẽ nhận được nhiều quan tâm về cách dùng từ. Câu lệnh của đề yêu cầu học sinh "nếu phải ở trong nước sôi" hơi nhạy cảm khi hiểu theo nghĩa đen. Nếu như diễn đạt khéo hơn thì đề sẽ hay hơn.
 
Học sinh nói gì về đề thi?
Minh Khuê, học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), đạt giải 3 học sinh giỏi môn ngữ văn TP.HCM: "Ở đây cách đặt vấn đề và câu hỏi khá độc đáo với lạ, mang tính hình tượng cao khi lấy hình ảnh trứng và khoai tây. Con nghĩ nhờ hình ảnh sống động nhưng dễ hình dung sẽ khiến các bạn thấy thú vị khi đọc đề. Tuy nhiên , đề bài có phần hơi gò bó và tính phản biện không cao khi hầu hết các bạn ai cũng muốn chọn là một "quả trứng". Chính vì vậy, các bạn sẽ khó đưa ra nhiều lập luận mới hay ý kiến trái chiều hoặc bổ sung vấn đề. Em mong rằng đề sẽ rộng và sâu hơn nữa để có thể khơi gợi khả năng phản biện cũng như ý kiến cá nhân của học sinh
Võ Minh Nhật, Trường THCS Đồng Khởi Q.Tân Phúđang chuẩn bị thi vào lớp 10 tại TP.HCM: "Vấn đề nghị luận có độ khó nhất định phù hợp với thi tuyển để phân hóa học sinh. Đề thi sau khi trích lại câu nói thì còn có 1 câu để khẳng định lại vấn đề nên em thấy vấn đề đưa ra khá rõ ràng. Quan trọng là mỗi học sinh phải giải thích được sự ẩn dụ của từng sự việc để hiểu đề và lựa chọn một cách hợp lý. Đề còn cho chọn 1 trong 2 sự việc nên khá dễ và có nhiều hướng đi cho học sinh".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.