TP.HCM xin cơ chế đặc thù cho ngành GD-ĐT

07/06/2016 15:08 GMT+7

TP.HCM kiến nghị cho phép ngành GD-ĐT thành phố cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

Sáng nay 7.6, lãnh đạo TP.HCM làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để bàn về nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo TP.HCM.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mặc dù đã có nhiều điều chỉnh, tuy nhiên vẫn còn khá nặng nề, quá tải, còn mang đậm tính hàn lâm, thiếu thực hành, ứng dụng, chưa tạo điều kiện để học sinh phát huy tính sáng tạo, tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm; phân phối chương trình chưa phù hợp về thời lượng và thời gian dẫn đến học sinh phải học nhiều, thiếu thời gian vận dụng kiến thức trong thực tế. Bất cập, hạn chế này dẫn đến một hệ lụy là học sinh phải học thêm, giáo viên phải dạy thêm.

Kiến nghị cho phép ngành GD-ĐT thành phố cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, ông Lê Hồng Sơn đề nghị trước mắt cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa (SGK) phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.
Theo ông Lê Hồng Sơn, chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (Văn - Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định theo chủ trương hiện hành của nhà nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Do đó, Bộ GD-ĐT ủng hộ TP.HCM biên soạn SGK. Ngoài yêu cầu chung về chương trình của Bộ, TP.HCM hoàn toàn có thể lồng ghép các thông tin về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của thành phố.
Trong khi đó, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đề nghị cho Sở GD-ĐT TP.HCM chủ động giảm tải chương trình. Chỉ có giảm tải được rồi thì mới nâng cao được chất lượng dạy và học, chứ bây giờ xin giảm tải khó khăn quá. Hệ quả là làm khổ cho cả người học lẫn người dạy.
Tại buổi làm việc, rất nhiều khó khăn, vướng mắc của ngành GD-ĐT thành phố được đặt ra, điển hình là cơ sở vật chất trường lớp, chất lượng đội ngũ giáo viên…
Lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Bộ GD-ĐT chủ trì buổi làm việc
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trong quá trình phát triển, do đặc thù là một thành phố lớn, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh trung bình mỗi năm gần đây khoảng 65.000 HS/năm, tức mỗi năm bình quân cần xây mới gần 3.000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn, đặc biệt năm 2015 tăng 85.000 học sinh, là áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy và học, tổ chức cho học sinh học tập sinh hoạt cả ngày trong trường và việc xây dựng trường lớp, tăng cường đội ngũ…
“Mỗi năm tăng cơ học rất nhanh. Xin thưa năm rồi tăng 85.000 học sinh, nhưng nếu hạ tầng trường lớp không lo kịp thì chúng ta đuối ngay. Không phân biệt là nhập cư hay không nhập cư, tinh thần là phải lo đủ chỗ học cho học sinh”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Nói về định hướng giáo dục của thành phố, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Giáo dục của thành phố phải đi vào hội nhập. Đây là chuyện phải làm, làm kiên quyết và có hiệu quả. Tinh thần là như thế. Giáo dục hướng đến giá trị thực với hệ thống hạ tầng đạt chuẩn quốc tế. Chúng ta kiên quyết làm từ nay đến 2020”.
“Nếu làm không đồng bộ thì hiệu quả dứt khoát sẽ giảm. Do đó mong Bộ hết sức ủng hộ thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ và nói thêm: “Các trường ĐH, CĐ ở TP.HCM có hơn 8.000 giáo sư, tiến sĩ. Nếu TP.HCM không tận dụng, phát huy hết nguồn nhân lực này thì khó vươn đến văn minh, hiện đại được”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Còn nhiều vấn đề phải giải quyết
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng giáo dục, đào tạo thời gian qua có thành tựu, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập cần tiếp tục giải quyết.
Theo Bộ trưởng, ngành sẽ tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học; chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu thay cho việc dạy học nhồi nhét kiến thức, tăng cường tổ chức cho học sinh học tập, nghiên cứu, làm việc theo nhóm, biến quá trình truyền thụ tri thức một chiều của giáo viên, giảng viên thành quá trình tự học có sự hướng dẫn quản lý của giáo viên, giảng viên; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học; vận dụng các kiến thức đã học ứng dụng trong thực tế.
Bộ GD-ĐT cũng chú trọng định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng để học sinh thành phố có những những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế cuộc sống để giải quyết các vấn đề tự nhiên, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ làm tốt công tác giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành; đánh giá kết quả học tập của học sinh dựa trên khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”; giúp học sinh có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.