TP.HCM: Đến 2030 có ít nhất 20% trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh-Việt

Hà Ánh
Hà Ánh
29/11/2018 16:00 GMT+7

Đến năm 2030, TP.HCM sẽ có ít nhất 20% số trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh-Việt trong các hoạt động giáo dục.

Chiều 29.11, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM”. Hội nghị có lãnh đạo TP.HCM cùng 80 đại biểu đến từ các sở ngành liên quan, đại diện các trường ĐH và CĐ, các chuyên gia trí thức doanh nhân kiều bào.


Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết TP.HCM hiện có hơn 2.000 trường học từ mầm non lên tới ĐH với hơn 1,7 triệu người học.

Ông Nam cho biết, đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu có ít nhất 10% học sinh tốt nghiệp THPT của thành phố được cấp bằng tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông quốc tế tiên tiến nhất thế giới. Bên cạnh đó, cũng trong thời gian này, có ít nhất 20% số trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh-Việt trong các hoạt động giáo dục. Đặc biệt là trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đồng thời khuyến khích các ngoại ngữ thông dụng khác trong hệ thống giáo dục của TP.

“Mỗi học sinh đam mê ít nhất một môn thể thao, có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Học sinh thành phố có chiều cao và thể lực trong tốp đầu của các nước, đạt và vượt mức chiều cao trung bình ở mức khá của các nước Đông Nam Á”, ông Nam nói.

Hội nghị còn đặt ra nhiều vấn đề như đẩy mạnh thực hiện chuẩn hóa công tác đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn TP, có ít nhất 60 ngành đào tạo tại các trường trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế, trong đó chuẩn kiểm định khu vực là ưu tiên và tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, nhóm các ngành công nghiệp phụ trợ và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.

Bên cạnh đó, hội nghị góp ý định hướng giải quyết vấn đề sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề dào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng mềm tốt đáp ứng yêu cầu công việc của các ngành trọng điểm, các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường lao động khu vực ASEAN.

Phát biểu khai mạc, ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM cho biết, hội nghị nhằm tiếp nhận các ý tưởng, dự án của kiều bào góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện một trong 7 chương trình đột phá của thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.