TP.HCM có được biên soạn sách giáo khoa?

08/12/2017 07:23 GMT+7

Tuyên bố của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thử nghiệm bộ sách giáo khoa riêng từ năm 2019 gây ngạc nhiên với chính tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, vì đến thời điểm này, các căn cứ pháp lý để viết sách giáo khoa vẫn chưa có.

Chưa có chương trình các môn học 
Sở GD-ĐT có thể tổ chức nhiều nhóm viết và việc lựa chọn SGK nào là quyền của giáo viên
GS Nguyễn Lân Dũng
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, bày tỏ: “Tôi ngạc nhiên trước tuyên bố của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM vì đến hiện tại, chương trình bộ môn chưa được ban hành, Bộ GD-ĐT mới thông qua chương trình tổng thể, chương trình các môn học chưa công bố để lấy ý kiến nhân dân. Trong khi đó, chương trình bộ môn công bố xong còn phải chỉnh sửa, thẩm định và vẫn có thể tiếp tục thay đổi. Có thể phải đến quý 1/2018, Bộ trưởng mới ban hành được chương trình các môn học của giáo dục phổ thông. Vậy thì căn cứ vào đâu để có thể biên soạn và ban hành sách giáo khoa (SGK) như vậy?”.
GS Thuyết cho hay đến thời điểm này, Bộ cũng chưa có thông báo mời các tổ chức, cá nhân tham gia viết vì chương trình môn học chưa xong, tiêu chí về SGK, đối tượng viết cũng chưa ban hành.
Ai có thể viết SGK?
Trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp lần 4, khóa 14 vừa qua, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thông tin khá chi tiết về quy trình biên soạn chương trình và viết SGK.
Xung quanh chủ trương nhiều cuốn SGK, ông Nhạ cho biết: “Chúng tôi rất muốn nhiều người cùng tham gia, nhưng phải có khung và có sự thẩm định để đảm bảo sự thống nhất và căn bản, không phải tùy tiện ai cũng viết được. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, chúng tôi cũng đã tính đến hiện trạng "trăm hoa đua nở". Do vậy, phải tính rất kỹ đến vấn đề hướng dẫn, đảm bảo được dân chủ, nhiều người tham gia để thu hút được trí tuệ nhưng cũng phải có định hướng, tránh tình trạng nhiều người đều tham gia dẫn đến những cái không tốt cho giáo dục”.
Học sinh THCS tại TP.HCM học môn vật lý theo tài liệu riêng do địa phương này biên soạn ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong khi đó, GS Thuyết nhắc lại quan điểm, nếu bây giờ mỗi Sở GD-ĐT, tức là cơ quan quản lý nhà nước, lại đứng ra biên soạn sách thì rất khó thực hiện được chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Điều khó tránh khỏi là, nếu sở GD-ĐT biên soạn thì các trường học của sở đó sẽ “phải” dùng bộ sách của sở, 63 sở thì thành 63 “sứ quân” trong việc thực hiện chương trình - SGK, làm hạn chế tính khách quan trong việc lựa chọn sách. “Các cơ quan quản lý nhà nước không nên bao sân cả các công việc chuyên môn, viết sách nên để các tổ chức, cá nhân chuyên môn làm”, GS Thuyết nói.
Còn GS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục, đề nghị không nên quy định ai thì có quyền viết sách, chỉ nên có những quy định bắt buộc như sách không được khác với chương trình giáo dục phổ thông quốc gia; không được sai về khoa học, phải là chuẩn mực về khoa học; không được viết sai về chính trị... “Đảm bảo được những tiêu chí như vậy thì giáo viên tiểu học cũng có quyền viết”, GS Dũng nói.
Theo GS Dũng, sở GD-ĐT có thể tổ chức viết, nhưng nếu viết một bộ SGK và yêu cầu các trường trên địa bàn phải sử dụng thì không ổn. “Sở GD-ĐT có thể tổ chức nhiều nhóm viết và việc lựa chọn SGK nào là quyền của giáo viên”, GS Lân Dũng nói.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng về mặt nguyên tắc thì cần hoan nghênh bất cứ nơi nào có thể tổ chức thực hiện biên soạn chương trình, SGK theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng của Bộ. Để tránh sự áp đặt chọn SGK khi chính sở GD-ĐT địa phương đó biên soạn, ông Tiến cho rằng phải gắn liền với việc trao quyền tự chủ cho các trường phổ thông, để nhà trường trao quyền tự chủ ấy cho giáo viên trong việc lựa chọn. Theo ông Tiến, thay vì lo ngại áp đặt của sở mà nói rằng sở không được hoặc không nên đứng ra tổ chức biên soạn, cần phải có những cơ sở pháp lý khác để tránh.
Lựa chọn SGK theo ý kiến giáo viên, phụ huynh, học sinh
Nghị quyết 88 của Quốc hội năm 2014 nêu rõ: SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn; có một số sách cho mỗi môn học. Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chí đánh giá, phê duyệt được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.