Tổng Liên đoàn chưa bao giờ có văn bản đòi tiền Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Quý Hiên
Quý Hiên
10/06/2019 20:36 GMT+7

Chiều 10.6, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định Tổng Liên đoàn chưa bao giờ có văn bản đòi tiền Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Chiều 10.6, các đại diện thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và lãnh đạo các ban liên quan của cơ quan này đã có cuộc trao đổi với nhiều phóng viên báo chí về nội dung liên quan tới một số cáo buộc của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đối với Tổng LĐLĐVN.
Tại cuộc gặp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN, khẳng định cơ quan này chưa bao giờ có văn bản đòi tiền Trường đại học Tôn Đức Thắng.
Theo giải thích của ông Hiểu, đúng là có 3 văn bản trong đó có nhắc đến việc Trường đại học Tôn Đức Thắng phải trích 30% chênh lệch thu - chi từ hoạt động sự nghiệp của nhà trường, nhưng các văn bản này đều đang ở dạng kiến nghị.
Cụ thể, năm 2017, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức một đoàn kiểm tra Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trong kết luận của đoàn kiểm tra có nội dung kiến nghị Tổng Liên đoàn yêu cầu Trường phải thực hiện nghĩa vụ như các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Tổng LĐLĐVN.
Sau đó, khi trường có phản ứng về việc này, văn bản tiếp theo của đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục kiến nghị là phải nộp.
Sau đó nữa, trong quá trình một số ban của Tổng LĐLĐVN khi giúp Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Tôn Đức Thắng) góp ý cho quy chế hoạt động của trường, có nêu vấn đề là trường cần thực hiện nghĩa vụ trên.
“Nhưng cuối cùng, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khẳng định, tuy là một đơn vị sự nghiệp nhưng trường lại đang thực hiện thí điểm tự chủ nên không phải nộp nghĩa vụ tài chính với Tổng Liên đoàn. Vì thế, Thường trực Đoàn Chủ tịch cũng như Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định không thu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng như các đơn vị khác. Cho đến nay, Tổng Liên đoàn không có một công văn nào yêu cầu trường phải nộp tiền”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Cũng trong cuộc trao đổi, ông Ngọ Duy Hiểu còn cho rằng, trong suốt thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã lãnh đạo, chỉ đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của một đơn vị được thí điểm tự chủ đại học; đã tạo điều kiện hết sức để trường này phát triển, trên cơ sở tôn trọng, không can thiệp những công việc thuộc thẩm quyền của hội đồng trường, của ban giám hiệu.
Để trường phát triển được như hơn nay, Tổng LĐLĐVN ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường, nhưng cũng không thể phủ nhận sự đóng góp về công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ lãnh đạo Tổng Liên đoàn, sự đóng góp về mặt tài chính của các cán bộ đoàn viên trong cả nước.
Ông Hiểu cũng cho rằng, tài sản mà trường có được như hôm nay là tài sản của nhà nước, trong trường hợp cụ thể này là nhà nước phân công Công đoàn Việt Nam (trực tiếp là Tổng LĐLĐVN) là chủ sở hữu.
“Tài sản đó được gom góp từ nửa tỉ đồng đầu tiên của LĐLĐ TP.HCM, từ năm 1997. Qua các giai đoạn phát triển, Tổng LĐLĐVN đã có nhiều hình thức hỗ trợ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bao gồm: cấp thẳng, cho vay, giao quản lý sử dụng, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao tài sản (cụ thể là cấp đất để trường có tài sản sử dụng)”, ông Hiểu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.