Tôi là nhà giáo hạnh phúc: Để không 'bỏ quên em nào'...

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/11/2019 07:51 GMT+7

Cô Vũ Thị Tuyết Nga, giáo viên Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) hàng chục năm trước đã lập hồ sơ tâm lý học sinh để ứng xử đúng cách và không 'bỏ quên em nào'.

"Tôi đã từng làm học sinh rất sợ"

Cô Vũ Thị Tuyết Nga bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng cách kể điều mà cô tự cho rằng đã sai lầm trong quá khứ: “Tôi bắt đầu sự nghiệp “trồng người” ở Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngày ấy, tôi còn trẻ và nhiệt huyết, song cũng rất sợ mình không có uy trước học sinh (HS). Vì vậy, tôi rất nghiêm khắc. Tôi ít khen vì sợ các con bớt cố gắng, bớt chỉn chu mà muốn mình là một GV thật nghiêm khắc để... lập uy”.
Sự nghiêm khắc ấy đã khiến các HS sợ hãi. “Hằng ngày, tôi chỉ nghĩ đến việc giám sát HS, chỉ ra từng lỗi sai”, cô Nga cho hay.
Nhưng rồi cô cũng nhận ra không khí trong lớp học ngột ngạt, căng thẳng, thiếu vắng tiếng cười. Thay vì hào hứng trao đổi, HS chỉ lấm lét nhìn cô và run run trả lời mỗi khi bị gọi tên. Và rồi một ngày, một nữ sinh lên tiếng phản ứng, đại ý: Chúng em thấy áp lực lắm, lớp học thì căng thẳng. Nếu cô cứ giám sát như vậy cô có nghĩ sau này ra trường chúng em có tự giác được không? Nếu không, thì là lỗi của cô vì cô không dạy chúng em tự chịu trách nhiệm mà chỉ giám sát và bắt lỗi thôi...
“Tôi đã rơi nước mắt khi nghe HS nói điều mình đang mơ hồ cảm thấy nhưng chưa dám thừa nhận. Và tôi đã bắt đầu thay đổi. Tôi thôi giữ vẻ mặt lạnh lùng mà tươi tắn khi gặp HS. Tôi cười nhiều hơn, cố gắng tạo những tình huống hài hước để tương tác với học trò. Tôi cũng giữ chữ tín với HS và tới gần các em hơn”, cô Nga nói.

Hành trình giúp học sinh hạnh phúc

Dù đã hòa đồng, vui vẻ hơn với HS, nhưng trong lớp vẫn có những HS không thiết tha học hành, do đó cô Nga đặt ra mục tiêu phải hiểu tâm lý, hoàn cảnh từng em để có phương pháp giáo dục đúng. “Đó là một hành trình dài để HS của tôi hạnh phúc, tôi cũng hạnh phúc hơn”, cô Nga nói.
“Hồ sơ tâm lý” được lập ra và cô nhận thấy mỗi HS trong lớp là một hoàn cảnh, đòi hỏi giáo viên phải có cách tiếp cận khác nhau. Đó có khi là một HS phải ở với ông bà ngoại và các dì vì bố mất khi 4 tuổi, năm sau mẹ lại mất vì bạo bệnh. Nhưng HS này nghiện chơi game đến quên ăn, quên ngủ, thường xuyên đi học muộn và mỗi ngày ngày dành 16 - 17 tiếng chơi game. Em luôn đầu trò phá thầy cô, trêu chọc bạn bè. Đó cũng có thể là một cậu bé có bố nghiện ngập, mẹ làm ca, buổi tối hầu như cậu ở nhà một mình... nên thích bỏ học và giao du với các bạn xấu. Thậm chí có HS còn muốn “xin cô tí tiết”... “Những lúc ôm cậu con trai nhỏ, cảm nhận sự bình yên và hạnh phúc của con, tôi lại nghĩ đến hoàn cảnh những học trò của mình”, cô Nga nói.
Từ những việc nhỏ như giờ ăn trưa, cô trực tiếp chia cơm, múc từng muôi canh cho các em; gặp giáo viên bộ môn để chia sẻ hoàn cảnh của các em, nhờ các thầy cô quan tâm; với những HS chậm tiến, cô không yêu cầu quá cao mà hướng dẫn từng việc. Những ngày nghỉ hoặc buổi tối, thỉnh thoảng cô nhắn tin hỏi HS nghỉ có vui không, ăn gì chưa, làm bài tập có khó không... rồi dặn ngủ sớm. Những giờ sinh hoạt lớp cũng được cô Nga dùng để chia sẻ, chứ không chỉ để khen thưởng hay phê bình.
Ví dụ với chủ đề “Chúng con đã thay đổi”, cô để các em tự nói lên suy nghĩ của mình. Cô còn nhớ, cậu HS nghiện game, thích bỏ học, đã tâm sự trong một giờ sinh hoạt như thế: “Nếu ai đó có hỏi con, hạnh phúc là gì, con xin trả lời: là con được là HS của cô, của trường, nơi con đã đổi thay để được là mình ngày hôm nay”.
Trăn trở về hạnh phúc
Theo giảng viên Nguyễn Dũng, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương, không có chuẩn mực nào chung cho cảm nhận hạnh phúc của mỗi người với mỗi ngành nghề mình đang theo.
“Với tôi, hạnh phúc người thầy là mỗi lần đón sinh viên mới, tôi ước ao các em ngồi đúng ngành mình yêu thích, đúng ngôi trường mình mơ ước. Bởi khi khởi đi từ tình yêu, sự yêu thích sẽ thúc đẩy “thầy - trò” chúng tôi thoải mái khai triển những kiến thức, viễn ảnh về ngành, về nghề mà cả hai đang cùng vun đắp để tương lai tin tưởng sẽ tỏa sáng. Người thầy sẽ hạnh phúc khi không còn lăn tăn với mưu sinh bên ngoài. Chúng tôi an tâm với thu nhập nghề đem lại. Nó đầy đủ cho bản thân và gia đình mình không phải vất vả ngược xuôi, thậm chí làm rất nhiều việc tay trái để mưu sinh thêm. ..”
Yêu nghề hơn từ sự thành công của học trò
Giáo viên Trường THPT Đắk Ơ, Bình Phước Trịnh Thị Giang kể: “Ra trường, tôi đến công tác tại một xã biên giới vùng đặc biệt khó khăn. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi luôn tìm mọi biện pháp để giúp các em học tập và rèn luyện tốt. Mỗi lớp, mỗi khóa học đều có những đặc điểm riêng nhưng ấn tượng nhất trong 13 năm đứng lớp là hoàn cảnh một em học sinh tôi đã chủ nhiệm trong 2 năm.
Em là học sinh dân tộc Stiêng, xinh xắn, mạnh mẽ và đầy nghị lực. Tuổi học trò của em không được như những bạn bè cùng trang lứa. Bố bỏ mẹ con em từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng mới. Nhưng số phận cũng thật trớ trêu khi bố dượng của em trong một lần hái tiêu đã bị ngã thang và gần như không lao động được. Vì vậy mẹ phải xuống TP.HCM bán vé số, phụ giúp việc nhà nuôi chồng. Ba chị em em ở với ông bà ngoại, mọi việc em phải lo toan gồng gánh.
Rồi mùa thi sắp đến, bạn bè nô nức chuẩn bị làm hồ sơ, còn em chần chừ định không thi ĐH. Tôi nói: “Em cứ thi và chọn một ngành mà em thích. Ở thành phố có nhiều việc làm thêm em có thể vừa học vừa làm”. Và em đồng ý, với nỗ lực mỗi ngày em đã trúng tuyển.
Sự thành công của học trò làm tôi cảm thấy yêu nghề hơn, hạnh phúc hơn”.
Ý kiến
Thầy cô hạnh phúc, học sinh sẽ hạnh phúc
Thầy cô hạnh phúc, HS sẽ hạnh phúc, nhà trường sẽ an toàn, các câu chuyện về bạo lực học đường được kiểm soát. Áp lực của nghề hay áp lực dồn lên vai học trò vì kết quả học tập, thành tích... không tự nó hết được. Áp lực chỉ được giải tỏa khi chúng ta tự thay đổi chính mình, biết quản lý cảm xúc và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực.
Giáo dục HS bằng sự yêu thương, tôn trọng, bằng cả tấm lòng. Đó là quyền lực mềm làm cho HS thay đổi, làm cho tương lai của các con thay đổi.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa 
(Chủ tịch Hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội)
Cần tận hưởng hạnh phúc riêng tư
Tôn vinh và ngợi ca giáo viên thôi chưa đủ, đã đến lúc người ta cần một sự bảo đảm để giáo viên có thể sống được với nghề, được luân chuyển sau 3 - 5 năm sống xa gia đình đi “bám bản”. Thầy cô hạnh phúc với nghề dạy học, hạnh phúc khi nhìn học trò của mình khôn lớn, nhưng họ cũng cần được tận hưởng hạnh phúc riêng tư, được thực hiện trọn vẹn vai trò thiêng liêng của người làm con, làm cha, làm mẹ.
Nhà giáo Ngô Thị Mùi 
(nguyên giáo viên Trường PTCS Minh Khai, tỉnh Bắc Giang)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.