Tôi đi học tiếng Anh ở Philippines

20/04/2019 20:45 GMT+7

Sau tết, sắp xếp việc nhà xong xuôi, tôi quyết định lên đường sang Philippines bổ sung vốn tiếng Anh hạn hẹp của mình khi vừa tròn 32 tuổi.

Ở Philippines, có nhiều trường dạy tiếng Anh và cạnh tranh khốc liệt. Cebu là nơi tập trung nhiều trường nhất, ngoài ra còn có các trường ở các tỉnh khác như Baguio, Clark, Bacolod... với mức học phí cho một khóa học 3 tháng có thể chênh lệch đến hơn 1.000 USD.
Phần lớn bạn trẻ Việt Nam qua Philippines học tập tại Cebu, thành phố lớn thứ 2 của Philippines, chỉ sau thủ đô Manila. Nơi đây tập trung nhiều trung tâm mua sắm và học viên cũng dễ dàng di chuyển đến các đảo lân cận để tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của những bãi cát dài trắng muốt và làn nước xanh màu lục bảo được thiên nhiên ban tặng cho đất nước này.

Môi trường học như quân đội

Học tiếng Anh tại Philippines khác biệt bởi hình thức học tập trung và thời gian biểu khắc nghiệt. Học viên phải theo học từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày, với các lớp: 1 thầy 1 trò, lớp nhóm 1 thầy 4 hoặc 8 trò, các lớp nhóm lớn học từ vựng và ngữ pháp sáng và tối, lớp tự chọn học phát âm hoặc thảo luận.

Các trường Anh ngữ tại Philippines được chia theo 2 mô hình: Sparta và Semi Sparta. Mô hình Sparta được xem là nghiêm ngặt nhất, học viên phải ở trong khu học xá và đảm bảo đủ thời gian học theo quy định, không được ra ngoài các ngày trong tuần. Ngày cuối tuần được ra ngoài và trở về trước 23 giờ. Trong trường hợp học viên vắng các buổi học bắt buộc sẽ bị cấm túc không được ra ngoài trong ngày thứ 6 của tuần đó. Riêng với mô hình semi Sparta, học viên được ra ngoài và trở về trước 21 giờ các ngày trong tuần, cuối tuần có thể trở về trường trước 23 giờ.
Môi trường học khá nghiêm túc và an toàn với camera giám sát học viên 24/24. Vì thời gian biểu nghiêm ngặt như vậy nên khi tôi có thời gian thoải mái trò chuyện với bạn ở Việt Nam, bạn đã hỏi “Hôm nay được xả trại à?”, với ý nghĩa trường là một cơ sở đào tạo với kỷ luật nghiêm khắc như một doanh trại quân đội.
Trường tôi chọn học là trường dạy Anh ngữ lớn nhất tại Cebu với 3 cơ sở tại đây và đầy đủ các chương trình học, từ luyện thi chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL..., đến các chương trình tiếng Anh giao tiếp ESL (English as a Second Language) và tiếng Anh thương mại (Business English).
Trong khi học viên Việt Nam chủ yếu học chương trình luyện thi IELTS với mục đích đi du học nước ngoài, thì học viên các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nga, Yemen hay Oman thường chọn khóa ESL để rèn luyện khả năng giao tiếp. Học viên đủ mọi độ tuổi có thể đăng ký, từ những em bé chỉ mới hơn 3 tuổi đi học cùng bố mẹ theo chương trình gia đình (Family Programs), đến học sinh sinh viên, thậm chí không ít học viên hơn 60 tuổi đi học với mong muốn có thể tự tin giao tiếp tiếng Anh khi đi du lịch nước ngoài. Môi trường đa văn hóa giúp học viên buộc phải giao tiếng tiếng Anh 100%.
Một buổi học tiếng Anh tại Philippines Ảnh: JE
Một câu hỏi mà ngay cả tôi khi chọn sang Philippines học tiếng Anh cũng phải băn khoăn là “Học tiếng Anh ở đây có tiến bộ không?” Phải nói rằng không phải ai khi học tiếng Anh tại Philippines cũng tiến bộ mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm chỉ của người học. Môi trường giáo dục tốt, giáo viên rất nhiệt tình và tâm huyết, thời gian học khắc nghiệt nhưng không phải ai cũng có thể tiến bộ. Nếu thực sự muốn học cho đáng tiền, ngoài giờ học trên lớp, học viên phải thường xuyên giao tiếp với các học viên nước ngoài khác, làm trước các bài tập trong sách và tự học với các nguồn tài liệu bên ngoài. Nếu đã có nền tảng tiếng Anh từ trước, người học sẽ bắt nhịp với môi trường tiếng Anh tại Philippines và nhanh chóng tiến bộ sau 3 tháng, nhưng nếu chưa biết gì thì có thể chán nản và mất từ 6 tháng - 1 năm để có vốn tiếng Anh đủ giao tiếp những tình huống thông dụng. Vì thời gian học ngặt nghèo và đòi hỏi tập trung cao độ nên chuyện nhiều học viên Việt Nam cũng như các nước khác không quen với môi trường, chỉ thích ở trong phòng ngủ nướng, nghỉ học nhiều tiết và vi phạm các nội quy đến mức bị đuổi học không phải là hiếm.
[VIDEO] Du học tiếng Anh tai Philippines

Giáo viên chật vật với nghề

Một thực tế về nghề giáo ở Philippines là giáo viên nếu được tuyển chọn vào các trường công lập sẽ có một cuộc sống ổn định với thu nhập tốt và các khoản thưởng khá hậu hĩnh vào các ngày lễ. Điều này hoàn toàn ngược lại với giáo viên trường tư thục. Dù mức học phí học viên phải trả rất cao nhưng thu nhập của giáo viên lại thấp. Một giáo viên trung bình có giờ dạy kéo dài từ 7 giờ sáng đến 18 giờ 20 tối với thu nhập mỗi tháng chỉ từ 8.000 - 10.000 peso/tháng (tương đương 3,5 - 4,5 triệu đồng). Để có thêm thu nhập, giáo viên thường chọn dạy thêm lớp 1:1 vào buổi tối với mức chi trả chỉ 120 peso (tương đương 60.000 đồng/giờ), hoặc nhận làm giáo viên chủ nhiệm (SA teacher) với thu nhập thêm là 30 peso/học sinh. Đặc biệt, mặc dù giáo viên phải tham gia nhiều buổi tập huấn nghề nghiệp vì học viên theo học tại Philippines ngày một đông nhưng thu nhập không được cải thiện.
Trong khi học viên được quyền đổi lớp, đổi giáo viên nếu mình không thích thì giáo viên hầu như chẳng có đặc quyền gì. Cô Jumarie, một giáo viên dạy môn đọc và viết của tôi chia sẻ, trong hơn 3 năm làm việc, cô từng không ít lần nhận những lời đề nghị khiếm nhã từ học viên nam, nhưng cô chỉ có thể báo với quản lý của mình mà không thể xin đổi học sinh vì không được phép. Tương tự, cô Jeyan Ash gặp trường hợp một học viên nhí bị chứng tăng động, tự dùng bút đâm vào tay mình đến bị thương nhưng không thể gửi về cho cha mẹ mà chỉ có thể thầm cầu mong phụ huynh gửi học sinh đó cho một giáo viên khác có nhiều kinh nghiệm với trẻ đặc biệt hơn.
Tuy vậy, điều khiến tôi đặc biệt xót xa là khi nhìn thấy bữa ăn trưa của giáo viên tại nhà trường. Trong khi học viên được ăn buffet với từ 6 - 8 món mỗi bữa thì đến giờ ăn, mỗi giáo viên chỉ được phát cơm trắng. Giáo viên có thể mang thức ăn từ nhà đi nhưng do nhà trường không có lò vi sóng mà thời gian dạy lại kéo dài nên có những giáo viên phải sang khu nhà ăn của học viên để mua thêm thức ăn. Thu nhập thấp, ăn uống tằn tiện và phải chi trả tiền thuê nhà khiến cuộc sống của nhiều giáo viên chật vật.
Cô Marjo Lawan và em trai cùng làm giáo viên tiếng Anh tại 2 trường khác nhau ở Cebu chia sẻ, rất nhiều giáo viên mong muốn tìm được cơ hội giảng dạy tại nước ngoài như Việt Nam, Thái Lan để cải thiện thu nhập và có tiền lo cho gia đình. Năm tới, em trai của cô cũng lên đường sang Nhật giảng dạy vì muốn thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.