Toàn cảnh xét tuyển

An Dy
An Dy
30/03/2018 09:18 GMT+7

Mùa tuyển sinh 2018 đã bắt đầu “nóng” dần với hàng loạt chương trình tư vấn khởi động trên toàn quốc.

Để thí sinh và phụ huynh có thêm thông tin, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho quá trình ôn luyện, chọn ngành nghề, chọn trường..., trang Thông tin nóng Nhịp sống miền Trung mở chuyên đề đặc biệt để tặng bạn đọc.
Các trường ĐH, CĐ ở khu vực miền Trung vừa đồng loạt công bố phương án và chỉ tiêu tuyển sinh; thí sinh có điều kiện tham khảo, lựa chọn và quyết định “điểm đến” cho mình.
ĐH Đà Nẵng: 12.000 chỉ tiêu
Tổng chỉ tiêu (CT) này thuộc các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Đối với xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2018, một số thành viên của ĐH Đà Nẵng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Cụ thể, ĐH Bách khoa tuyển 3.180 CT, điểm sàn đăng ký xét tuyển vào 38 ngành đào tạo từ 16 điểm trở lên (theo các tổ hợp xét tuyển). ĐH Kinh tế tuyển 2.920 CT (16 ngành), sẽ công bố điểm sàn xét tuyển sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia dụng tiêu chí phụ. ĐH Sư phạm tuyển 2.174 CT (32 ngành), áp dụng tiêu chí phụ đối với thí sinh bằng điểm nhau theo hướng ưu tiên theo thứ tự môn xét tuyển trong tổ hợp. Đồng thời, thí sinh phải có điểm môn thứ tự ưu tiên trong các tổ hợp xét tuyển từ 5 điểm trở lên. ĐH Ngoại ngữ tuyển 1.500 CT (17 ngành), áp dụng tiêu chí phụ ưu tiên môn ngoại ngữ. Điểm chuẩn giữa các tổ hợp có môn tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp thấp hơn 0,5 so với các tổ hợp còn lại (sau khi nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ). ĐH Sư phạm kỹ thuật tuyển 1.000 CT, với 8 ngành mở mới.
Toàn cảnh xét tuyển1
Thí sinh tham gia chương trình Tư vấn mùa thi 2018 báo Thanh Niên tại Đà Nẵng Ảnh: Huy Đạt
Phân hiệu Kon Tum tuyển 462 CT (13 ngành đào tạo) và tuyển sinh 2 kỳ trong năm 2018, không áp dụng tiêu chí phụ. Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh tuyển 100 CT (3 ngành: quản trị và kinh doanh quốc tế, khoa học và kỹ thuật máy tính, khoa học y sinh). Khoa Y dược tuyển 250 CT (4 ngành: y khoa 100, điều dưỡng 50, răng hàm mặt 50, dược học 50). Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông tuyển 350 CT (4 ngành). Khoa Giáo dục thể chất tuyển 15 CT.
Đối với xét tuyển học bạ, các đơn vị thành viên ĐH Đà Nẵng xét tuyển 2 kỳ trong năm, gồm: ĐH Sư phạm (450 CT), ĐH Sư phạm kỹ thuật (200 CT), Phân hiệu Kon Tum (390 CT), Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh (80 CT), Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông (150 CT), Khoa Giáo dục thể chất (15 CT).
ĐH Huế giảm nhẹ, các ĐH dân lập vẫn tăng
Năm 2018, ĐH Huế tuyển 12.290 CT (118 ngành đào tạo ĐH), giảm 198 CT so với năm trước. ĐH Huế sẽ thành lập Hội đồng chung để tuyển sinh cho tất cả các trường thành viên, các khoa trực thuộc và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.
Năm nay, có nhiều điểm mới như: Hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định điểm trúng tuyển theo ngành học/nhóm ngành, không phân biệt tổ hợp môn xét tuyển; không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để tuyển sinh; điểm trúng tuyển được lấy từ cao đến thấp cho đến hết CT sau khi đã trừ số CT tuyển thẳng và dự bị ĐH được giao; điểm tối thiểu để được xét tuyển vào các ngành thuộc các trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị sẽ được công bố sau khi công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2018.
Năm 2018, ĐH Huế chính thức mở mới và tuyển sinh thêm 3 ngành là Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (Khoa Du lịch), Kinh tế xây dựng (Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị). Đồng thời, dừng đào tạo một số ngành như: Đồ họa (ĐH Nghệ thuật), Sư phạm kỹ thuật công nghiệp (ĐH Sư phạm), tất cả các ngành đào tạo trình độ CĐ (ĐH Nông lâm).
Ngoài ra, năm nay ĐH Quảng Nam tuyển 2.550 CT (ĐH chính quy 1.200 CT, CĐ chính quy 400 CT, còn lại hệ liên thông). ĐH Quảng Bình tuyển 1.240 CT (3 khối ngành đào tạo ĐH, CĐ sư phạm, CĐ ngoài sư phạm với 33 ngành học).
Trong khi đó, ĐH Duy Tân Đà Nẵng tuyển hơn 5.500 CT ở 26 ngành đào tạo cho chương trình trong nước và 9 ngành cho chương trình tiên tiến quốc tế. ĐH Duy Tân cũng xây dựng khung chương trình hỗ trợ học bổng cho các tân sinh viên với 120 suất học bổng tài năng, 20 suất học bổng toàn phần, bán phần. Ngoài ra còn có hơn 1.400 suất học bổng đầu vào cho sinh viên có điểm cao, 550 suất học bổng giảm 10-15% học phí năm đầu tiên…
ĐH Đông Á Đà Nẵng năm 2018 cũng tuyển gần 4.700 CT (18 ngành nghề), đồng thời mở rộng ký kết, hợp tác để tạo cơ hội thực tập, việc làm trong và ngoài nước cho sinh viên. Theo TS. Trần Ngọc Sơn, Trưởng khoa Quản trị (ĐH Đông Á), phần lớn chương trình đào tạo của ĐH Đông Á hướng đến đào tạo sinh viên ra trường thông thạo việc làm để gia nhập doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Sinh viên sẽ có gần một nửa thời gian học theo hướng thực hành tại các doanh nghiệp.
Cơ hội du học tại chỗ ở trường công và trường tư
Xu thế du học tại chỗ, học các chương trình liên kết quốc tế đã và đang được các bạn trẻ quan tâm và lựa chọn. ĐH Kinh tế Đà Nẵng giới thiệu chương trình du học tại chỗ, chương trình liên kết đào tạo chuyển tiếp với 13 trường ĐH của Mỹ, Canada, Anh và nhiều nước châu Âu (được hỗ trợ học bổng rất phong phú). Bà Nguyễn Minh Lan Anh, phụ trách chương trình ADP Du học tại chỗ nhận bằng của các trường ĐH Keuka, Troy, Purdue, Appalachian State (Mỹ), ĐH Coventry (Anh) tại ĐH Duy Tân Đà Nẵng, khẳng định điểm tối ưu của những chương tình này là môi trường học năng động, tiết kiệm chi phí so với học ở nước ngoài. Sinh viên có thể học trong nước và khi ra trường vẫn lấy bằng của ĐH Mỹ, Úc với giá trị tương đương. ĐH Duy Tân Đà Nẵng hiện đang có chương trình quản lý khách sạn và công nghệ thông tin, với nhiều cơ hội giành học bổng bán phần, toàn phần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.