Tình yêu tuổi học trò: Dạy con yêu như thế nào?

Bích Thanh
Bích Thanh
14/12/2020 08:39 GMT+7

Yêu sớm , tình yêu tuổi học trò, không phải là tội nên hãy ngưng những la mắng gây ức chế, những cấm đoán thiếu văn minh khiến con trẻ bị tổn thương.

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tâm lý, giáo viên trước tình yêu tuổi học trò.

Càng cấm trẻ càng muốn đi ngược lại

tuổi dậy thì, học sinh có nhiều dấu hiệu thay đổi về tâm sinh lý và câu chuyện tình yêu tuổi dậy thì không còn xa lạ nữa. Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Song Trà, Chủ nhiệm CLB Giáo dục giới tính S Project, cho hay có nhiều câu chuyện về tình yêu tuổi học trò gặp phản ứng tiêu cực từ bố mẹ dẫn đến những điều không mong muốn về mặt tinh thần đối với học sinh.
Trong một buổi trò chuyện với học sinh THCS, chuyên gia tư vấn Song Trà kể lại: “Tôi vẫn nhớ hình ảnh một học sinh lớp 7, run sợ và ngại ngùng đến gặp riêng, em nói về chuyện tình yêu của mình với một bạn cùng lớp. Hai bạn có tình cảm với nhau từ những hành động đơn giản nhất như quan tâm nhau, mua cho nhau đồ ăn, hỏi han nhau chuyện học tập… Thế nhưng, ba mẹ đã quát mắng và ngăn cấm khiến cả em và bạn nam thấy tổn thương khi không được tôn trọng tình cảm. Các em vẫn “lén lút” yêu nhau, muốn đi ngược lại những điều ba mẹ cấm cản”.
Hay có những phụ huynh khi phát hiện con mình đang “yêu”, họ hoảng sợ, lo lắng điều này ảnh hưởng việc học tập, dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Họ lúng túng không biết nên xử lý như thế nào. Chuyên gia tâm lý Song Trà kể: “Có phụ huynh đã gọi cho tôi giữa đêm để kể về chuyện của con trai cô đang học lớp 9 có bạn gái. Mọi lo lắng đổ dồn bởi năm nay cháu học cuối cấp, chuẩn bị thi cử và nếu yêu đương sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học hành. Và phụ huynh này cũng đang rất đắn đo nghĩ đến việc ngăn cản con”.

Định hướng sao cho đúng

Theo các chuyên gia tâm lý, thực tế các bố mẹ Việt vẫn luôn nghiêm khắc trong chuyện tình yêu tuổi học trò. Nhiều bố mẹ quát mắng, thậm chí đánh đập khi không kiểm soát được cảm xúc, tìm mọi cách ngăn cản ngay khi biết con mình đã “biết yêu” hay khi phát hiện những lá thư, những món quà, tấm thiệp nhỏ. Thay vì thế, phụ huynh cần bình tĩnh nói chuyện với con trẻ, cùng con đi đến một giải pháp tốt nhất.
Thầy giáo Phạm Lê Thanh, Trường THCS-THPT Tân Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), chia sẻ trong những tình huống này, bố mẹ, thầy cô hãy luôn sẵn sàng là những “bác sĩ tâm lý”, “những người bạn lớn” đồng hành cùng con cái. Đặc biệt, bố mẹ, thầy cô đừng nên tuyệt nhiên cấm con “yêu” ở tuổi học trò vì thực tế độ tuổi này các em bắt đầu có những rung cảm đầu đời. “Hãy dạy con biết kiểm soát bản thân, quản lý cảm xúc và thiết lập cân bằng việc học tập với những rung cảm ấy để có thể tâm sự, giúp con gỡ rối mỗi khi cần. Nên nhớ thà vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để nó tự chạy mà chui đầu vào bụi rậm”, thầy giáo trẻ Lê Thanh nhắn nhủ.
Cũng theo thầy Thanh, giáo viên cũng nên thay đổi cách giáo dục học sinh ở độ tuổi nhạy cảm này. Có thể những điều thực tế va chạm đời thường sẽ không hoàn toàn giống với kiến thức tâm lý học đại cương, lứa tuổi mà thầy cô được đào tạo ở giảng đường sư phạm. Chìa khóa vạn năng để giáo dục học sinh luôn là sự thấu cảm. Ở độ tuổi này, học trò dần bước vào tuổi vị thành niên, có sự tự trọng và cá tính riêng, thầy cô cần tôn trọng các em. Qua đó, thầy cô sẽ là sợi dây kết nối kỳ diệu giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục nhân cách học sinh.
Về phía gia đình, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Lệ Chi, Trường CĐ Lý Tự Trọng, chỉ ra rằng thường cha mẹ hay có tâm lý luôn cho rằng mình là người lớn, giao tiếp theo kiểu áp đặt, nói gì con cũng phải nghe. Vì vậy, có những cha mẹ ít khi lắng nghe con cái, đặc biệt khi biết con có tình cảm khác giới, họ thường tỏ ra nghiêm trọng, cấm đoán với suy nghĩ “con nít hỉ mũi chưa sạch”. Điều này chỉ làm cho con trẻ dè chừng, xa cách, luôn giấu giếm không để cha mẹ hay. Từ đó dẫn đến việc con sẽ thiếu sự định hướng đúng đắn, dễ mắc sai lầm.
Để những cảm xúc của lứa tuổi học trò không bị lệch lạc, dẫn đến những sai lầm đáng tiếc, chuyên gia tư vấn Song Trà nhắn nhủ: “Ở tuổi dậy thì, độ tuổi nhạy cảm, con trẻ rất cần được sự chia sẻ, đồng hành của cha mẹ. Thế nhưng, hầu hết phụ huynh đã quên mất chuyện làm bạn cùng con dẫn đến bức tường rào cản giữa 2 thế hệ ngày càng lớn, việc giáo dục con ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, khi nhìn thấy những rung cảm của con thì trước tiên, không vội vàng quát mắng hay có lời lẽ tiêu cực, cần bình tĩnh và tìm cách nói chuyện với con để hiểu hơn về con và bạn của con”.
Chuyên gia Song Trà còn cho rằng cha mẹ cần nhớ con trẻ cũng cần được tôn trọng, đặc biệt chú ý đến quyền riêng tư của con, không tự ý xem nhật ký, thư từ… của con khi con chưa cho phép. Bố mẹ nên trở thành một người bạn, nói chuyện chia sẻ cùng con về những điều có liên quan và đi đến một giải pháp tốt nhất để con không bị ảnh hưởng nhiều đến chuyện cá nhân khác. Đặc biệt nên quan tâm, theo dõi sự thay đổi của con để kịp thời có những phương án giải quyết khi cần nhưng không để con thấy áp lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.