Tìm hiểu kỹ trước khi tham gia xét tuyển

15/08/2013 03:20 GMT+7

Đến nay, hầu hết các trường ĐH, CĐ đã công bố điều kiện và chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Nhiều trường xét tuyển sớm

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng năm nay số lượng thí sinh đạt điểm sàn dôi dư so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớn nên thí sinh phải hết sức cẩn trọng khi tham gia xét tuyển.

 
Học sinh một tỉnh miền núi đu dây cáp qua sông để đến trường. Chất lượng đầu vào sư phạm của một số trường ĐH địa phương thấp khiến khó vực dậy chất lượng giáo dục các tỉnh vùng sâu, vùng xa - Ảnh: Diệp Đức Minh

Ông Ga nhắc nhở thí sinh lưu ý, nguyên tắc xét tuyển lấy từ điểm cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu, không liên quan đến thời gian nộp hồ sơ sớm hay muộn. Chính vì vậy, việc tìm hiểu kỹ thông tin về trường, lượng hồ sơ thí sinh nộp cho trường (được công khai), chỉ tiêu, hạn cuối nộp hồ sơ, điểm xét tuyển của trường là rất cần thiết để thí sinh có lựa chọn đúng đắn. Thời gian xét tuyển bắt đầu từ 20.8 đến 31.10, mỗi đợt là 20 ngày. Trong thời gian này, các trường sẽ quyết định có bao nhiêu đợt xét tuyển cho đảm bảo chỉ tiêu.

Tuy nhiên, một số trường thông báo xét tuyển sớm và ngắn hơn thời gian quy định. Chẳng hạn: Trường ĐH Quốc tế TP.HCM xét tuyển từ ngày 11.8 đến 24.8, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM từ ngày 15.8 đến 5.9, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM từ ngày 12.8 đến 10.9, Trường ĐH Đồng Tháp từ 15.8 đến 30.8...

Lý giải việc này, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho hay: “Thời gian trường nhận hồ sơ không quá sớm cũng không quá muộn, vừa đúng lúc thí sinh đã nhận được giấy chứng nhận kết quả thi. Dù chưa đến ngày nhận nhưng lượng thí sinh gọi điện hoặc đến trường trực tiếp để hỏi thông tin rất nhiều. Điều quan trọng là trường đảm bảo số ngày nhận hồ sơ tối thiểu 20 ngày đúng như quy chế, và chỉ xét trúng tuyển khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ để đảm bảo công bằng cho thí sinh”.

Ngành sư phạm: nhiều trường điểm chuẩn bằng sàn

Trường ĐH Tây Bắc vừa công bố điểm chuẩn năm nay. Mặc dù mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái nhưng điểm chuẩn của nhiều ngành đào tạo sư phạm điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn.

Chẳng hạn, các ngành đào tạo ĐH sư phạm khoa toán, tin, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, mầm non đều có mức điểm chuẩn tương đương điểm sàn. Cụ thể, khối A, A: 13 điểm, B 14, C 14, D 13,5. Chỉ riêng Khoa Giáo dục tiểu học là có mức điểm chuẩn trên điểm sàn (A 15, C 16, D1 15,5). Nhiều ngành thuộc các môn cơ bản đào tạo sư phạm trình độ ĐH của Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên cũng có mức điểm chuẩn dao động từ 16 - 17,5.

Khu vực miền núi phía bắc luôn “đau đầu” với bài toán cải thiện chất lượng giáo viên để rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa miền xuôi với miền ngược. Tuy nhiên, với mức điểm chuẩn còn rất khiêm tốn ở những nơi đào tạo giáo viên cho khu vực này thì những lo ngại về chất lượng giáo viên chắc chắn vẫn là khó khăn chưa giải quyết được.

Chỉ tiêu và điểm xét tuyển

ĐH Tây Nguyên: Xét tuyển 255 chỉ tiêu cho 9 ngành ĐH và 520 ở 8 ngành CĐ. Bậc ĐH, điểm xét tuyển bằng điểm sàn các khối. Chỉ tiêu cụ thể như sau: tiểu học - tiếng J’rai 15; sinh học, văn học 35/ngành; triết học 60, giáo dục chính trị 20; quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng 15/ngành; chăn nuôi, kinh tế 30/ngành. Hệ CĐ: quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán 80/ngành; chăn nuôi, khoa học cây trồng, lâm sinh 50/ngành; quản lý tài nguyên và môi trường 60, quản lý đất đai 70. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 20.8 đến 10.9; công bố kết quả xét tuyển vào ngày 12.9.

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM: Trường cũng công bố điểm chuẩn các ngành như sau: khoa học thư viện, bảo tàng học, kinh doanh xuất bản phẩm, văn hóa học và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam 14 (C) và 13,5 (D1); Việt Nam học 18,5 (C) và 17 (D1); quản lý văn hóa chuyên ngành quản lý hoạt động văn hóa xã hội 14; quản lý văn hóa các chuyên ngành quản lý hoạt động âm nhạc, quản lý hoạt động sân khấu, tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật, biên tập và dẫn chương trình 12 (môn năng khiếu tối thiểu 6 điểm). Các ngành bậc CĐ điểm chuẩn 11 (C) và 10 (D1).

Trường xét tuyển 442 chỉ tiêu, trong đó bậc ĐH gồm: khoa học thư viện (38 chỉ tiêu), bảo tàng học (15), kinh doanh xuất bản phẩm (10), văn hóa học chuyên ngành văn hóa Việt Nam (36), văn hóa học chuyên ngành truyền thông - văn hóa (55): 14 điểm (C) và 13,5 (D1); quản lý văn hóa chuyên ngành quản lý hoạt động văn hóa xã hội (25): 14; văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (15): 14,5 (C) và 13,5 (D1). Bậc CĐ gồm: khoa học thư viện (31 chỉ tiêu), bảo tàng học (22), Việt Nam học (91), kinh doanh xuất bản phẩm (35), quản lý văn hóa chuyên ngành quản lý hoạt động văn hóa xã hội (69): 11 điểm (C) và 10 (D1). Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 12.8 đến 10.9.

Trường ĐH Đồng Tháp: Xét 1.330 chỉ tiêu. Các ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ với mức điểm tương đương điểm sàn của Bộ. Riêng các ngành Việt Nam học, quản lý văn hóa, khoa học môi trường, nuôi trồng thủy sản, công tác xã hội, quản lý đất đai giảm 1 điểm (so với điểm sàn của Bộ) đối với những thí sinh hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT) tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ. Thí sinh trúng tuyển theo diện này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ. Nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày 15 - 30.8. Hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh qua đường bưu điện.

Hà Ánh - T.N.Quyền- Q.M.N

Tuệ Nguyễn - Hà Ánh

>> ĐH Tây Nguyên xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1
>> ĐH Trà Vinh xét tuyển bổ sung 2.455 chỉ tiêu
>> ĐH Đà Nẵng công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung
>> ĐH Quảng Nam xét tuyển nguyện vọng 2
>> Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển
>> Đại học Huế xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.