Tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/08/2018 07:03 GMT+7

Bộ GD-ĐT cần sớm đưa ra các giải pháp cho kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới; giúp địa phương giải quyết mâu thuẫn khi giảm biên chế trong bối cảnh vẫn thiếu nhiều giáo viên... Đó là những nội dung chính được quan tâm thảo luận tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học mới.

Hôm qua (2.8), Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2018 - 2019, với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ mong muốn được nghe góp ý thẳng thắn của các địa phương về các vấn đề GD-ĐT, trong đó có kỳ thi THPT quốc gia. “Chúng tôi mong có cái nhìn khách quan về kỳ thi, cái gì được phải khẳng định, cái chưa được sẽ thẳng thắn thừa nhận. Đổi mới là một quá trình và trong quá trình ấy chúng ta không thể cầu toàn nhưng tuyệt đối không chủ quan khi thấy những điều cần sửa chữa”, ông Nhạ nói.
[VIDEO] Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang
“Đau lòng” trước sai phạm nhưng vẫn muốn giữ kỳ thi

Một đề thi tốt phải đảm bảo có sự phân hóa nhất định, những học sinh yếu không thể tốt nghiệp được, những học sinh vừa đủ mức độ tốt nghiệp và những học sinh tốt nghiệp ở mức khá, giỏi

Ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân

Báo cáo tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD-ĐT sau khi chỉ rõ những hạn chế của kỳ thi này vẫn khẳng định phương hướng thi của năm sau: tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đều đồng tình với việc tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhưng cần hoàn thiện để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng hơn.
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho rằng việc tổ chức thi như hiện tại là phù hợp, nhưng cần phải có các khâu kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo công bằng với tất cả học sinh trên toàn quốc. Theo ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, chuyện xảy ra là vô cùng đáng tiếc, dư luận không đồng tình là đương nhiên, nhưng không vì thế mà bỏ kỳ thi này. Thay vào đó, nên tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, cho hay bà rất “đau lòng” trước sai phạm xảy ra ở một số địa phương và đề nghị Bộ nên rút kinh nghiệm, có phương án phòng ngừa sai phạm. Tuy nhiên không nên thay đổi quá lớn ngay trong năm tới, làm cho xã hội băn khoăn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đổi mới giáo dục cũng như xây cái nhà, làm con đường, xây phòng học... phải bắt đầu từ những cái rất nhỏ. Ngay như việc thi THPT quốc gia cũng phải có lộ trình. Từ năm 2015 bắt đầu làm, đến năm 2021 thì mới xong lộ trình thi, đổi mới mỗi năm từng bước. “Vì đổi mới phải có lộ trình và trong quá trình ấy không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo hết. Do vậy, đã vạch ra rồi thì chúng ta phải rất khoa học, rất cầu thị nhưng phải kiên trì cái gì là đúng”, ông Đam nói.
[VIDEO] Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình xác nhận công an đang điều tra về nghi vấn gian lận điểm thi
Trường ĐH muốn đề thi phân hóa để tuyển sinh
Ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đại diện cho một trường ĐH lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, bày tỏ: “Hiện nay có khá nhiều ý kiến nói rằng đề thi cần tập trung vào mục đích đảm bảo để xét tốt nghiệp THPT. Tôi thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ, một đề thi tốt phải đảm bảo có sự phân hóa nhất định, những học sinh yếu không thể tốt nghiệp được, những học sinh vừa đủ mức độ tốt nghiệp và những học sinh tốt nghiệp ở mức khá, giỏi. Chúng tôi rất mong bộ phận ra đề rút kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ phổ điểm, có những khâu phản biện, làm thử đề thi... thật sự cầu thị để chúng ta có một sự nhất quán trong việc ra đề thi. Tránh tình trạng năm nay thì quá dễ, sang năm lại quá khó rồi năm sau lại dễ... Khi đề thi đạt chuẩn thì tự nhiên các trường có thể lấy kết quả thi đó làm căn cứ quan trọng để tuyển sinh. Do vậy, chúng tôi ủng hộ mô hình này có thể thực hiện đến hết năm 2020 để chúng ta có một lộ trình thi cử hoàn toàn khác”.
Về khâu coi thi, theo ông Đạt cần có sự tham gia của các trường ĐH. Ông Đạt cũng cho rằng không thể để các địa phương tự chấm bài của học sinh mình mà cần phải tổ chức chấm chéo hoặc chấm theo cụm.
9 nhiệm vụ chủ yếu trong năm học mới
Bộ GD-ĐT đề ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu sẽ được thực hiện trong năm học 2018 - 2019:
- Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước
- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp
- Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông
- Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục
- Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo
- Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT
- Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT
- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.