Tiếp tuc cân nhắc đổi mới thi

14/02/2014 03:00 GMT+7

Hôm qua 13.2, tại hội nghị quán triệt Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa đồng thuận với dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố.

Hôm qua 13.2, tại hội nghị quán triệt Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa đồng thuận với dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố.

Tiếp tuc cân nhắc đổi mới thi
 Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Bộ GD-ĐT vẫn chưa quyết định phương án nào đổi mới thi tốt nghiệp năm nay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Miễn thi mà...  lo

Trong các thông báo trước đây Bộ GD-ĐT cho rằng hầu hết các ý kiến đều ủng hộ quy định mở rộng miễn thi cho học sinh có thành tích học tập rèn luyện tốt với tỷ lệ tối đa 20%. Tuy nhiên, tại hội nghị, lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT tỏ ra rất băn khoăn với quy định này.

 

Đã có 98% tốt nghiệp tại sao lại đặt ra vấn đề miễn thi? Nếu thấy việc tổ chức kỳ thi này nặng nề trên mức cần thiết thì cần làm nhẹ đi

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam đặt vấn đề: “Mục đích của việc miễn thi 20% là gì? Nếu miễn thi để tiến tới không thi tốt nghiệp THPT nữa thì tôi đồng ý. Còn nếu mục đích gọn nhẹ thì tôi không đồng ý”. Ông Thắng cho rằng nếu giảm 20% học sinh không phải thi thì tỷ lệ ấy không đủ lớn để nói rằng làm gọn nhẹ kỳ thi. Ngoài ra tỷ lệ 20% bình quân cho từng trường là không khả thi, sẽ có mâu thuẫn giữa kết quả các tỉnh miền núi và đồng bằng...

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cũng đồng tình không nên mở rộng đối tượng miễn thi vì nếu chỉ dựa vào kết quả đánh giá thì từng địa phương, từng trường, thậm chí từng giáo viên đã khác nhau.

“Làm ra điểm thì dễ thôi”

Nỗi lo của lãnh đạo các sở GD-ĐT không phải thiếu cơ sở. Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang kể: “Khi chúng tôi tuyển thẳng (không thi công chức - PV) sinh viên loại giỏi vào trường mầm non, năm đầu tiên chỉ 15 em đủ tiêu chuẩn nhưng năm sau có 100 em ngay”. Bà Việt nhận định: “Ở dưới làm ra điểm thì dễ thôi. Tôi cũng từng làm giáo dục nên tôi biết, đặc biệt các trường tư thục thì nhiều học sinh giỏi lắm”.  Vì thế theo bà Việt, nếu Bộ không đưa ra tiêu chí cụ thể về miễn thi mà để các tỉnh tự làm thì rất khó kiểm soát.

 
Phương án miễn thi còn ngổn ngang quá, Bộ GD-ĐT sẽ phải tiếp tục cân nhắc kỹ về vấn đề này trước khi có quyết định chính thức

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Phát biểu về vấn đề này tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: “Nghe qua, ai cũng hớn hở bởi thấy nhẹ đi. Nhưng thực tế, đã có 98% tốt nghiệp tại sao lại đặt ra vấn đề miễn thi? Nếu thấy việc tổ chức kỳ thi này nặng nề trên mức cần thiết thì cần làm nhẹ đi”.

Sau khi nghe thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận định: “Phương án miễn thi còn ngổn ngang quá, Bộ GD-ĐT sẽ phải tiếp tục cân nhắc kỹ vấn đề này trước khi có quyết định chính thức”.

Đề nghị ngoại ngữ là môn tự chọn

Đa số ý kiến phát biểu tại hội nghị đều không đồng tình với phương án đưa ngoại ngữ thành môn thi khuyến khích như dự thảo của Bộ  GD-ĐT.

Ông Nguyễn Tấn Thắng đề nghị cần đưa môn ngoại ngữ vào tự chọn. Ông Thắng cho rằng khi ngoại ngữ là môn bắt buộc và cho phép những nơi có điều kiện khó khăn về dạy học ngoại ngữ thi môn thay thế thì Quảng Nam chỉ có 2/50 trường xin thay thế. Quảng Nam còn nhiều địa bàn khó khăn mà chỉ rất ít trường không muốn thi ngoại ngữ, như vậy thì ở những vùng thuận lợi hơn ngoại ngữ càng cần phải thi.

Đừng để học sinh hồi hộp vì không biết thi thế nào

Tại hội nghị, ông Vũ Đức Đam phát biểu và nhấn mạnh: “Cần phải bàn rất kỹ về đổi mới thi tốt nghiệp THPT vì không chỉ đổi mới một năm nay. Việc đổi mới thi cử năm nay chúng ta vẫn làm nhưng cần phải làm rất kỹ, làm sao để không có thay đổi liên tục. Năm nay có thể cải tiến một bước nhưng sang năm thì cần cải tiến mạnh và công bố sớm để học sinh, phụ huynh, giáo viên có thời gian chuẩn bị tâm thế”. Ông Đam cũng cho rằng làm sao thi cử phải đổi mới nhưng vẫn tương đối ổn định. Đừng để cảnh học sinh bây giờ còn mấy tháng nữa thi vẫn hồi hộp chưa biết năm nay thi môn gì, thi như thế nào thì cái đó không tốt.

 

Ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nêu các lý do cho thấy cần thiết đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn, trong đó có ý hầu hết học sinh trên cả nước đều đã được học chương trình ngoại ngữ 7 năm. Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế, thông tin: “Sau khi họp bàn, 6 tỉnh bắc miền Trung đã có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT nên để ngoại  ngữ là môn học tự chọn.

Ở trong số ít hơn, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lại đề nghị nên giữ nguyên thi ngoại ngữ là môn bắt buộc cùng với toán và văn như hiện nay, học sinh được tự chọn một môn còn lại để đảm bảo chỉ thi tốt nghiệp 4 môn.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu: “Cá nhân tôi chia sẻ ý kiến không nên để ngoại ngữ là môn khuyến khích”. 

Lo chưa học kiểu tự chọn mà đã thi

Hai môn thi tự chọn và chọn ra sao cũng là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm thảo luận.

Ông Phạm Văn Hùng phát biểu: “Tổ chức thi tốt nghiệp tự chọn trong khi chưa dạy học tự chọn là hơi vội vàng”. Còn ông Nguyễn Tấn Thắng đề nghị: “Trong số 2 môn tự chọn cần quy định có một môn tự nhiên và một môn xã hội. Điều này không những tránh cho học sinh học lệch mà có như vậy mới giúp cho việc tổ chức thi không kéo dài”. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Nếu không quy định về môn tự chọn thì chắc chắn đa số các em sẽ chỉ thi các môn tự nhiên. Nhìn vào tỷ lệ thí sinh thi ĐH khối A sẽ thấy điều đó, trong khi khối C rất ít học sinh đăng ký”.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa sẽ “tiếp tục thảo luận và cân nhắc”, đồng thời nêu quan điểm THPT là giai đoạn cần sự phân hóa cao về năng lực và sở trường của học sinh, do vậy việc học sinh thiên về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội cũng là cách phân hóa để hướng tới việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh sau này.

Ông Luận cũng khẳng định: “Không thể chờ đến khi có chương trình, sách giáo khoa mới mới đổi mới thi”. Về những khó khăn, phức tạp sẽ gặp phải khi thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp THPT, ông Luận nhấn mạnh: “Có thể có thêm việc phải làm nhưng nếu khó khăn trong quản lý mà có lợi hơn, tốt hơn cho học sinh thì tất cả chúng ta cần phải sẵn sàng thực hiện”.

Đa số ủng hộ đổi mới ngay

Theo công bố của Bộ GD-ĐT kết quả trưng cầu ý kiến rộng rãi về dự thảo đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT cho thấy đa số ý kiến ủng hộ việc đổi mới ngay trong năm 2014. Cụ thể, với dự thảo thi tốt nghiệp THPT 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) được đa số ý kiến đồng ý. Trong số 45 sở GD-ĐT được hỏi ý kiến thì có 42 sở GD-ĐT đồng ý tổ chức thi 4 môn, có 2 sở GD-ĐT cho rằng vẫn nên thi 6 môn.

Tuệ Nguyễn

 >> Các phương án thi tốt nghiệp THPT: Xem xét ngoại ngữ là môn tự chọn
>> Bộ GD-ĐT giải thích về dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT
>> Khảo sát của Báo Thanh Niên về cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.