Tiếng trống ngày khai trường

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
05/09/2019 08:46 GMT+7

Hôm nay (5.9), học sinh các cấp tựu trường để dự lễ khai giảng, nghe tiếng trống trường vang lên rộn rã, bước vào một niên khóa mới (2019 - 2020).

Những bước chân lớn nhỏ tề tựu trước cổng trường, xúng xính trong các bộ đồng phục đủ sắc màu và lẫn trong xôn xao những bài hát tuổi học trò, là âm thanh tiếng trống vọng lên để khai vỡ cho việc bắt đầu dung nạp chữ nghĩa, tri thức từ tuổi học lớp vỡ lòng cho đến tuổi cuối năm thời trung học. Bởi thế, nên tiếng trống ngày khai giảng trở thành một dấu ấn thiêng liêng cho một năm miệt mài đèn sách.
Ai đến trường mà không lưu giữ âm thanh vang vọng ấy trong tim? Nhưng để giữ cho những điều tốt đẹp ấy vững bền thì khắp mọi miền đất nước, ngành giáo dục sẽ làm gì để năm học được ngành đặt tên là “bản lề” này đạt được hiệu quả tối ưu cho các em học sinh: đó là không chỉ là truyền đạt tri thức, mà còn bồi bổ kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, hành vi ứng xử, ý chí tự lập...
Trong một thế giớicông nghệ ngày càng lấn sâu vào mọi ngõ ngách cuộc sống, vào từng tiểu tiết sinh hoạt gia đình thì việc giáo dục và định hướng cho các em có một sự lựa chọn thời gian biểu thích hợp giữa ăn, ngủ, học hành, rèn luyện là vô cùng quan trọng. Nhưng tựu trung, vẫn là để trả lời xác đáng nhất cho những câu hỏi được xem là vĩnh hằng trong việc giáo dục con người: học cái gì, học như thế nào và học để làm gì?
Dù trong mọi lĩnh vực của đời sống, thế giới có bước đi bằng những bước vĩ đại, thì con người vẫn là trung tâm của sự phát triển và thăng tiến của nhân loại. Giáo dục để loại bỏ những hành vi xấu, động viên và kích thích các em đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống vẫn là chân lý cốt tử của nhà trường, các thầy cô giáo và những bậc phụ huynh.
Để rồi từ đó, nhẫn nại trong từng năm học đi qua, mầm cây lớn dần lên thành những cây xanh tươi tốt, các thế hệ học sinh hôm nay đem lại sự tự hào cho nòi giống, vun đắp ý chí tự cường cho quốc gia, làm rạng danh cho Tổ quốc. Lúc đó, những ước vọng gửi gắm ngay từ câu đầu tiên trong bản nhạc Học sinh hành khúc của nhạc sĩ Lê Thương năm nào “Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao...”, sẽ vẫn mãi ngân vang đóng dấu ấn cho sự thành công của những người làm nghề giáo dục.
Một khi các em trở thành những công dân có ích cho xã hội, cùng chung tay xây dựng đất nước hùng mạnh, thì tiếng trống truyền thống tự thuở xưa trong mỗi buổi lễ khai trường, sẽ vẫn còn khắc ghi trong lòng mỗi lứa học sinh, như tiếng của tiền nhân vẫn đau đáu vọng về!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.