Thưởng tết giảng viên chênh lệch công - tư

Hà Ánh
Hà Ánh
28/01/2019 09:04 GMT+7

Thưởng tết cho giảng viên các trường đại học có mức khác nhau tùy theo đặc thù từng trường. Có những trường mức thưởng lên tới trên 45 triệu đồng/người.

Mức thưởng cao tập trung vào nhóm trường ĐH ngoài công lập và trường công đã thực hiện cơ chế tự chủ.

Có trường tư chia thưởng thành 2 đợt

Hệ thống trường tư thục mức thưởng cũng khác nhau. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trong năm trường này sẽ có 2 đợt thưởng. Dịp tết, trường thưởng 1 tháng lương thứ 13 cho toàn bộ cán bộ, giảng viên và nhân viên (mức thưởng đợt này sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức lương từng người).
Đợt thứ 2 thưởng vào đợt tổng kết đánh giá cuối năm học. Đây là đợt đánh giá quá trình công tác của người lao động trong suốt 1 năm giảng dạy và làm việc nên mức thưởng xét theo năng lực và đánh giá kết quả, dao động từ 1 - 2 tháng lương tùy vào năng lực. Do vậy, thưởng tết cho các cộng tác viên thấp nhất khoảng 6 - 8 triệu đồng/người, nhân viên từ 8 - 20 triệu đồng/người tùy theo vị trí và công việc, lãnh đạo các đơn vị thì có thể 20 - 40 triệu đồng/người.
Mức thưởng này cũng áp dụng chung cho cán bộ, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết mức thưởng của trường gồm 2 phần: một tháng lương thứ 13 và mức thưởng theo xếp loại thi đua. Trong đó, thưởng theo thi đua sẽ dao động từ 1,2 - 2 lần lương cơ bản (trong đó có tới 99% lao động được hưởng từ 1,2 lần lương cơ bản trở lên).

Trường tự chủ tài chính thưởng cao


PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (trường công lập tự chủ tài chính), thông tin mức thưởng áp dụng chung cho toàn trường là 8,5 triệu đồng và 1 tháng lương tăng thêm. Mức thưởng tính thành tiền sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức lương cố định từng người, thấp nhất khoảng 11 triệu đồng và cao nhất khoảng 30 triệu đồng.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng có mức thưởng cao. Theo tiến sĩ Phan Hồng Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường, tết này trường thưởng cho cán bộ giảng viên 1 tháng thu nhập và 6 triệu đồng. Tính bình quân, mức thưởng khoảng 23 triệu đồng/người (thu nhập bình quân của trường hiện nay khoảng 17 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên tùy theo vị trí, mức thưởng sẽ khác nhau và dao động từ 15 - trên 45 triệu đồng/người (cao hơn năm ngoái trên 2 triệu đồng/người).
Cũng là một trường ĐH thực hiện cơ chế tự chủ nhiều năm, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM cũng có mức thưởng khá cao. Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng trường này, cho biết mức thưởng dự kiến là 18 triệu đồng/người. Mức thưởng này áp dụng đồng loạt từ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và giảng viên không phân biệt chức vụ, học hàm, học vì bởi đây là chế độ phúc lợi.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho hay mức thưởng tết đồng loạt năm nay là 15 triệu đồng/người, bằng mức thưởng năm ngoái.

Trường công có nơi thưởng 5 triệu đồng

Trong khi đó, với các trường ĐH công lập chưa thực hiện cơ chế tự chủ, mức thưởng tết cũng khác nhau tùy trường.
Cụ thể, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, người làm việc đủ 12 tháng được nhận 7,8 triệu đồng (áp dụng mức thưởng chung không phân biệt chức vụ). Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thưởng 5 triệu đồng/người và 1 tháng thu nhập thứ 13.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM áp dụng mức thưởng đồng đều cho tất cả đối tượng là 11 triệu đồng/người (bằng mức thưởng tết của năm 2018).
Trong khi đó, một số trường khác mức thưởng ở mức 5 - 7 triệu đồng/người. Giảng viên một trường tại TP.HCM cho biết mức thưởng tết nhiều năm nhận được khoảng 5 triệu đồng. “Mức thưởng này chỉ để đóng tiền học phí cho 2 con đang học tiểu học thuộc hệ thống công lập. Có năm trường tiểu học thu học phí liền 2 tháng, thưởng này không đủ để đóng”, người này tâm tư.
Lãnh đạo phòng ban của một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM cho biết mức thưởng tết nhận được thường chưa bằng một tháng lương vì chỉ tính hệ số của mức lương cơ bản. Cụ thể, nhiều năm trước là 6 triệu đồng/người, năm nay chỉ cao hơn không nhiều. Vị này chia sẻ: “Làm việc ở đây mình đã xác định là cống hiến, không quan trọng về lương thưởng. Vì nếu quan tâm tới thu nhập mình đã chọn công việc khác hoặc cũng công việc này nhưng ở nơi khác rồi. Thu nhập của 2 vợ chồng làm nghề giáo như mình chỉ đủ lo chi tiêu gia đình và 2 đứa nhỏ ăn học, như vậy là đủ”.
Trách nhiệm của nhà đầu tư cũ
Ngày 24.1, một số nhân viên Trường ĐH Gia Định (TP.HCM) đã căng biểu ngữ không hài lòng về việc chi thưởng của Tập đoàn Nguyễn Hoàng, đơn vị đầu tư vào trường này.
Chiều 25.1, trao đổi với Báo Thanh Niên, bà Trần Thúy Trâm Quyên, Giám đốc Ban Truyền thông và thương hiệu, cho biết thật ra các vấn đề người lao động thắc mắc đều thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư cũ. Như tiền dạy thêm của giảng viên, tiền học bổng của sinh viên là từ năm 2017. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, lãnh đạo tập đoàn đã làm việc với nhà đầu tư cũ và đã đứng ra giải quyết, chi trả các khoản này.
Cũng theo bà Quyên, có 8 nhân sự của Trường ĐH Gia Định nghỉ vào ngày 31.12.2018. Nhưng những người này thắc mắc là đã làm đủ 12 tháng mà không được lãnh thưởng vì không còn làm đến ngày 25.1.2019. Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường cũng đã đề xuất thưởng lên tập đoàn và được phê duyệt. Trong ngày 25.1, những người này đã được nhận thưởng như những nhân sự khác.
Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.