Thư viện sách 'free' của chàng trai 9X

12/04/2017 10:32 GMT+7

'Nếu từ thiện là lấy những thứ mình có để cho người khác thì dự án không phải như thế. Bfree chỉ là trung gian, vận động mọi người chia sẻ nhiều hơn những giá trị về văn hóa đọc', Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

“Bfree” là dự án thư viện sách phi lợi nhuận của Nguyễn Trường Giang, sinh năm 1991, cựu sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Hà Nội.
Không bán sách giá rẻ
Lúc nhỏ, Giang thường đến các hiệu sách “đọc ké” rồi trở nên “nghiện” mùi sách. Lên đại học, Giang có điều kiện đọc nhiều sách hơn nhưng cậu lại không tìm được không gian đọc phù hợp. “Những quán cà phê nhiều ánh sáng thì ồn ào, những quán yên tĩnh thì lại tối. Quán cà phê sách thì chủ yếu chỉ để trang trí. Khi ấy, mình đã rất mong muốn có một không gian riêng dành để đọc sách”, Giang chia sẻ.
Khi đi làm, cậu bạn được tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, từ đó, Giang nhận thấy sự khác biệt trong thói quen đọc sách của họ so với người Việt Nam. Tháng 7.2014, Giang bắt tay thực hiện thư viện “Sách và Bạn”, sau đổi tên thành dự án “Bfree”.
Bắt đầu, Giang phải đi nói chuyện, vận động người thân, bạn bè ủng hộ dự án nhưng chỉ nhận được sự hoài nghi, bất hợp tác.
Dự án thường xuyên có những buổi giao lưu gắn kết độc giả.
Vì là dự án phi lợi nhuận nên Giang phải tích cực tìm địa điểm miễn phí. Phải mất khá lâu và di chuyển nhiều lần, dự án mới tìm được điểm dừng hiện tại (4N5, ngõ 40 đường Xuân La, Hà Nội).
Thời gian đầu, nhiều người không tin vào hoạt động của thư viện nên không muốn tặng sách. “Mình đã đi thuyết phục nhiều lần, chia sẻ rất nhiều về ý nghĩa của thư viện. Thậm chí, có người liên hệ tặng 1 - 2 cuốn sách ở rất xa, mình vẫn tới nhận với hy vọng họ sẽ tiếp tục ủng hộ sách những lần sau nữa”, Giang chia sẻ.
Về kinh phí, Giang và các cộng sự tự bỏ tiền túi để chạy dự án. Sau đó, cậu bạn xây dựng quỹ “Bfree”. Các bạn đọc trên 18 tuổi có thể ủng hộ quỹ bằng việc làm thẻ thành viên thư viện với mức phí 25.000/năm. “Mình đã 'chiều' theo đa số các ý kiến cho rằng nên để bạn đọc đặt cọc tiền khi mượn sách. Mình cũng suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Nếu đặt cọc giá trị cao thì khó khăn cho các bạn đọc, không phát huy được giá trị cộng đồng của thư viện. Còn nếu đặt cọc giá trị thấp thì dễ rơi vào tình trạng 'bán sách giá rẻ'. Mình quyết định dừng việc đặt cọc và cho mọi người mượn sách hoàn toàn miễn phí”, Giang cho biết.
Định nghĩa lại “miễn phí”
Hiện nay, số sách của thư viện hoàn toàn do mọi người ủng hộ. Vì được huy động từ cộng đồng nên thể loại sách rất đa dạng, có gần 10 danh mục sách, trong đó có 5 danh mục chính: Văn học, lịch sử, khoa học, kỹ năng, thiếu nhi.
Với Giang, sứ mệnh của sách là trên tay người đọc chứ không phải đặt trang trí trên giá. Vì hoạt động dựa trên tinh thần chia sẻ đó nên bài toán quản lý sách mượn được “Bfree” giải quyết một cách hài hòa. “Cũng qua dự án, từ một người chưa có kinh nghiệm với việc tổ chức, mình học hỏi và làm chủ một thư viện sách cộng đồng, quản lý và tự tin lên kế hoạch, tổ chức các hoạt động cho thư viện. Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, phân công nhiệm vụ, tổ chức sự kiện hay đàm phán cũng được mình rèn luyện trong thời gian làm dự án”, Giang cho biết.
Không gian đọc yên tĩnh và ấm áp
Nhiều người cho rằng, công việc của Giang có ý nghĩa nhưng bản thân cậu chưa đủ giàu có để làm từ thiện. “Bfree là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, là cầu nối giữa bạn đọc với sách. Sách của thư viện không phải do các thành viên bỏ tiền ra mua mà do cộng đồng đóng góp, xây dựng. Công việc của mọi người ở thư viện là tuyên truyền, vận động mọi người đọc sách, tặng sách và trao sách tới tay những bạn đọc có hoàn cảnh khó khăn. Nếu từ thiện là lấy những thứ mình có để cho người khác thì BFree không phải như thế. BFree chỉ là trung gian, vận động mọi người chia sẻ nhiều hơn, cả cộng đồng cùng chia sẻ cho nhau những giá trị về thói quen, văn hóa đọc”, Giang bộc bạch.
Dự án “Bfree” cũng thường giao lưu truyền cảm hứng đọc cho các bạn học sinh
Dự định sắp tới của “Bfree” là tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất tại thư viện, kêu gọi mọi người tích cực đọc sách và tặng sách, đẩy mạnh hoạt động giao lưu, chia sẻ về thói quen đọc sách, văn hóa đọc với đối tượng học sinh, sinh viên thông qua các câu lạc bộ, hội nhóm và nhà trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.