Thủ tướng yêu cầu đưa đầy đủ chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa mới

05/04/2016 09:45 GMT+7

Trả lời đại biểu quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo bổ sung đầy đủ chủ quyền biển đảo vào chương trình, sách giáo khoa mới.

Trả lời đại biểu quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo bổ sung đầy đủ chủ quyền biển đảo vào chương trình, sách giáo khoa mới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục đưa đầy đủ nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa mới - Ảnh: Ngọc Thắng.Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục đưa đầy đủ nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa mới - Ảnh: Ngọc Thắng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai về việc đưa vấn đề biển đảo vào chương trình giáo dục.
Văn bản trả lời nêu rõ, nội dung giáo dục về biển đảo (trong đó có chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) đã được đề cập trong các bài học của sách giáo khoa hiện hành môn Lịch sử và môn Địa lý cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo rà soát, bảo đảm tất cả Bản đồ giáo khoa đều có vẽ và ghi tên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng được giao chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường giáo dục lịch sử địa phương ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, đưa giáo dục biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào phần giáo dục địa phương của các tỉnh, thành phố. Hầu hết các tỉnh ven biển (nhất là các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu...) đã biên soạn nội dung về vị trí địa lý, lịch sử, phát triển kinh tế và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của địa phương; đã tập huấn và giảng dạy những tài liệu này...
Theo Thủ tướng, như vậy vấn đề giáo dục về biển đảo nói chung (trong đó có vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa) hiện đã được đưa vào dạy học khá toàn diện trong nhà trường. Tuy nhiên, do sách giáo khoa giáo dục phổ thông được ban hành từ những năm học trước nên việc cập nhật bổ sung những vấn đề mang tính thời sự liên quan đến biển đảo nói chung và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng còn chưa kịp thời.
Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2015) một cách đầy đủ, phù hợp các nội dung giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức dạy học lịch sử nói chung và nội dung biển đảo nói riêng; tiếp tục thực hiện tốt tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.