Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ động chỉ đạo dạy học trong dịch Covid-19

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/05/2021 16:36 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại nhiều lần yêu cầu “chủ động” đối với Bộ GD-ĐT về việc chỉ đạo , điều hành thực hiện các nhiệm vụ của ngành, trong đó có việc dạy học trong điều kiện dịch bệnh Covid hiện nay.

Văn phòng Chính phủ mới phát đi thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với 10 vấn đề của ngành GD-ĐT.
Thứ nhất, Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành, tiếp tục đổi mới toàn diện tư duy giáo dục, phát huy trước hết tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực cùng ngành giáo dục vươn lên mạnh mẽ; khắc phục bằng được bệnh phô trương, thành tích để đi vào thực chất, lấy hiệu quả và sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà tập thể lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần dành thời gian nhiều hơn, trong đó lưu ý Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo lĩnh vực này. Các quy định, cơ chế và chính sách hiện hành đang còn nhiều bất cập. Bộ GD-ĐT cần bám sát yêu cầu thực tiễn, chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan để thảo luận, thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn với tinh thần vướng cấp nào thì trình cấp đó xử lý, nhất là cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập; việc gì mới chưa có quy định hay quy định không còn phù hợp nhưng chưa kịp sửa đổi, bổ sung thì mạnh dạn đề xuất cho thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện và mở rộng dần; tinh thần là không nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn mà làm cản trở phát triển.

Trưa 14.5: Thêm 16 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng

Thứ ba, tư tưởng chỉ đạo GD-ĐT là phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Bộ GD-ĐT phải bám sát chỉ đạo này để hoạch định chính sách, xây dựng thể chế phù hợp để làm rõ và vận hành có hiệu quả mối quan hệ "nhà trường, học sinh và giáo viên"; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Thứ tư, tăng cường công tác xây dựng Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và trong quản trị cơ quan Bộ GD-ĐT. Hầu hết các trường hợp bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua đều có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ tại cơ quan, đơn vị. Đây là bài học sâu sắc cần được các cấp uỷ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng cùng tập thể lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT cần phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, thống nhất chỉ đạo và làm tốt công tác xây dựng Đảng, tuân thủ đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, phương thức lãnh đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý các trường đại học theo hướng phân cấp mạnh hơn để hội đồng trường nâng cao trách nhiệm tập thể và cá nhân, phát huy tính chủ động sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước vào quản lý, đầu tư, phát triển trường, nhất là đối với các trường tự chủ hoàn toàn hoặc một phần. Bộ GD-ĐT cần rà soát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về việc chủ tịch hội đồng trường đồng thời là bí thư Đảng ủy trường.
Thứ sáu, để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... Bộ GD-ĐT cần chủ động thiết kế, xây dựng và ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình phù hợp làm cơ sở để tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương và đơn vị, đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những vi phạm làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng của ngành như "chạy trường, chạy lớp", "học giả, bằng thật", “chạy chức, chạy quyền” trong ngành giáo dục; tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu ở ngay trong cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.
Thứ bảy, những vấn đề mà xã hội quan tâm, bức xúc cần được Bộ GD-ĐT quan tâm đúng mức và giải quyết kịp thời. Ngành giáo dục có khoảng 1,2 triệu giáo viên, 24 triệu học sinh, sinh viên (khoảng 25% dân số). Như vậy, gần như gia đình nào cũng có học sinh, sinh viên; khi có bức xúc liên quan đến ngành thì dễ lan nhanh, tạo hiệu ứng tiêu cực. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT đã được quy định, phân công, phân cấp rõ ràng giữa Bộ, địa phương và các đơn vị liên quan, nhưng vẫn tiếp tục rà soát đổi mới, kiện toàn để phân cấp quản lý tốt hơn nữa.
Thứ tám, trong bối cảnh toàn thế giới đang chịu tác động mạnh mẽ và sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều loại dịch bệnh mới và khó lường, Bộ GD-ĐT cần chủ động, tích cực hợp tác quốc tế để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động dạy và học ở nước ta.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Bộ GD-ĐT cần chủ động chỉ đạo địa phương có kế hoạch giảng dạy và học tập cho phù hợp với yêu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh và xã hội, cũng như yêu cầu phòng, chống dịch.
Thứ chín, đề xuất cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hơn nữa công tác tổng kết, nghiên cứu khoa học và ngày càng hoàn thiện lý luận của ngành giáo dục; khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp nhiều hơn nữa trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương xây dựng cơ chế thành lập quỹ sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên.
Thứ mười, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông để xã hội, nhân dân hiểu, có nhiều chia sẻ, thông cảm và đóng góp nhiều hơn cho ngành về những chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.