Thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật ngành điện tử

Thu Hằng
Thu Hằng
23/02/2018 08:45 GMT+7

Mặc dù các doanh nghiệp điện tử tại VN đang chuyển đổi hệ thống dây chuyền sản xuất sang tự động hóa, song trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp ngành này vẫn thiếu hụt lao động trầm trọng.

80% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng
Theo tiến sĩ Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và điều kiện lao động (Bộ LĐ-TB-XH), nghiên cứu mới đây về việc làm bền vững trong ngành điện tử tại VN của bộ này cho thấy lao động trong ngành điện tử chủ yếu làm việc trong nhóm nghề: thợ có kỹ thuật lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị, thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác. “Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động đang làm việc trong ngành điện tử không cao, có đến 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Trong đó, ở khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này cao hơn. Đáng chú ý, có đến 80% DN điện tử gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật”, tiến sĩ Lân nói.
Mặc dù thời gian gần đây các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ robot thay thế lao động trong ngành điện tử, tuy nhiên, bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao (Văn phòng tổng giám đốc) Công ty Canon VN, cho rằng: “Đó là cảnh báo trong tương lai. Thời điểm hiện tại, các DN điện tử đều đang tiến hành tự động hóa máy móc thiết bị, song vẫn thiếu lao động trầm trọng. Không chỉ thiếu lao động có tay nghề mà ngay cả lao động phổ thông cũng khó tuyển, nhất là thời điểm sau tết”.
Theo tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), một trong những nguyên nhân khiến các DN trong ngành điện tử thiếu hụt nhân lực là làn sóng công nghệ mới đã và đang có những tác động nhanh và mạnh đến các DN trên nhiều phương diện, như: đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thu hút nhân lực chất lượng cao...
Còn PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN), cho rằng: “Lao động VN đa phần xuất thân từ nông thôn, không được đào tạo bài bản. Khi DN thay thế các thiết bị công nghệ mới, người lao động (NLĐ) không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, điều kiện làm việc tại DN điện tử quá khắt khe, có tới 60% DN vi phạm quy định làm thêm giờ khiến nhiều lao động không chịu nổi áp lực”.
Chuyển đổi công nghệ phải song song với đào tạo
Theo các chuyên gia, mức độ cạnh tranh của các DN VN trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đầu tư phát triển sản xuất thì đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ là vấn đề quan trọng mà DN không thể bỏ qua. Bà Chử Thị Lân cho rằng các DN điện tử cần thực hành trách nhiệm xã hội DN về lao động bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và thực thi pháp luật lao động để góp phần thúc đẩy việc làm bền vững.
Ông Đào Quang Vinh khuyến cáo: “Quá trình cách mạng 4.0 đang diễn ra nhưng không thể trong ngày một ngày hai. Quá trình chuyển đổi công nghệ phải song song với đào tạo và đào tạo lại cho NLĐ. Điều quan trọng là DN và NLĐ phải nhận thấy sự thay đổi công nghệ để cố gắng chuẩn bị các kỹ năng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ NLĐ, DN trong việc đảm bảo việc làm, như: hỗ trợ đào tạo lại cho NLĐ, cung cấp các thông tin việc làm cho NLĐ khi họ không thể trụ lại trong quá trình đổi mới công nghệ ở DN...”.
Ông David Lamotte, Phó giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng VN nên cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề nhằm đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc. Chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế cũng nhấn mạnh đã đến lúc các DN VN cần nhìn xa hơn về chiến lược sử dụng lao động, coi điều kiện lao động tốt là yếu tố giúp gia tăng cạnh tranh và đem lại lợi nhuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.