Thiếu gắn kết giữa trường học và doanh nghiệp

23/05/2014 02:00 GMT+7

Tình trạng sinh viên ra trường khó kiếm việc làm ngày một gia tăng khiến các trường ĐH, CĐ đẩy mạnh việc kết nối với doanh nghiệp để góp phần cải thiện tình hình. Tuy nhiên, không ít trường gặp khó khăn trong việc này.

 Thiếu gắn kết giữa trường học và doanh nghiệp
Tổ chức ngày hội việc làm có sự tham gia của doanh nghiệp cũng là một hoạt động có lợi cho trường lẫn doanh nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Quan hệ đơn lẻ

Ông Nguyễn Hà Tiên, Trung tâm hợp tác doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: “Hiện nay mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp chủ yếu vẫn là mối quan hệ một chiều. Khi liên hệ với doanh nghiệp để tìm chỗ thực tập cho sinh viên hoặc đề nghị hỗ trợ học bổng, giới thiệu sinh viên tốt nghiệp... nhiều doanh nghiệp cảm thấy bị làm phiền. Có lẽ một số nơi cho rằng họ không nhận được lợi ích gì nên không mặn mà lắm”.

Điều này cũng được tiến sĩ Nguyễn Duy Thục, quyền Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, công nhận: “Đúng là hiện nay, quan hệ của trường ĐH với doanh nghiệp không hề dễ dàng, chủ yếu thông qua các mối quan hệ cá nhân”.

Lý giải cho điều này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng ở Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ lo sản xuất, kinh doanh, cần lao động lúc nào thì tuyển dụng lúc đó, cho nên quan hệ với nhà trường là điều họ không nghĩ tới. “Chỉ những doanh nghiệp lớn mới lập ra kế hoạch về nhân lực lâu dài để đặt hàng các trường theo ngành nghề. Lúc đó họ mới thấy việc gắn kết với nhà trường là cần thiết. Các trường và doanh nghiệp hiện đến với nhau một cách đơn lẻ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ và cũng chưa có cơ quan đứng ra gắn kết, thúc đẩy”, ông Tuấn cho hay.

Trong khi đó, lâu nay sinh viên tốt nghiệp vẫn bị chê là thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Nếu mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp tốt hơn, sinh viên có cơ hội cọ xát với thực tế tại các doanh nghiệp nhiều hơn, có thể tình trạng này sẽ được cải thiện. 

Đôi bên cùng có lợi

Điều 56 luật Dạy nghề có nói đến nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề. Theo đó, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về ngành nghề, nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề. Đồng thời tiếp nhận người học nghề đến tham quan, thực tập kỹ năng nghề tại doanh nghiệp thông qua hợp đồng với cơ sở dạy nghề. Luật Giáo dục, điều 97 cũng đề ra trách nhiệm xã hội của các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế là “giúp nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham quan, thực tập, nghiên cứu khoa học”...

Thế nhưng, theo ông Trần Anh Tuấn, không có văn bản nào cụ thể hóa điều này nên doanh nghiệp cũng không thấy mình bắt buộc phải thực hiện. “Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến với trường ĐH. Tuy nhiên, đó lại thường là những trường lớn và có uy tín”, ông Tuấn nhận xét.

Trong lúc chưa thể trông chờ vào luật, nhiều trường ĐH, CĐ đã nhanh nhạy chủ động đưa ra các chiến lược lâu dài cho mối quan hệ này.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thục nhận định: “Muốn quan hệ lâu bền thì hai bên phải cùng có lợi. Nhà trường phải cho doanh nghiệp thấy họ được lợi gì? Chẳng hạn khi doanh nghiệp cần nhân lực thời vụ thì trường cung cấp. Trường cũng phải có kinh phí để trả cho doanh nghiệp khi gửi sinh viên thực tập, coi như đó là học phí cho một phần đào tạo, mặc dù doanh nghiệp không hề yêu cầu”.

Tại Trường CĐ Bách Việt, bộ phận quan hệ doanh nghiệp kết nối được với nhiều doanh nghiệp nhờ vào các điều khoản mà trường sẵn sàng đưa ra, như đào tạo tại chỗ cho doanh nghiệp, có khóa miễn phí, có khóa giảm giá. Đồng thời chủ động ký hợp đồng với những nơi có nhu cầu tuyển dụng và thực tập. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng cho rằng, nếu lãnh đạo trường ĐH, CĐ mà tư duy theo kiểu cũ, ngồi một chỗ và cho rằng không cần nỗ lực, không cần đầu tư vào mối quan hệ này, thì sinh viên chính là người sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Hạnh, phụ trách đối ngoại Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, cho rằng  đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau và có thể nói là hai bên cùng có lợi. Các trường ĐH, CĐ nên tạo ra mối quan hệ ở cấp trường, tránh như hiện nay từng lớp, từng khoa đều có các chương trình và tìm đến doanh nghiệp một cách nhỏ lẻ... Mỗi trường đều nên có một bộ phận quan hệ với doanh nghiệp và cần có những kế hoạch cụ thể để cùng bàn bạc thống nhất với doanh nghiệp trên tinh thần hợp tác trong giai đoạn dài.

Mỹ Quyên

>> Ngày hội việc làm cho lao động vùng ven
>> Ngày hội việc làm sinh viên kỹ thuật
>> Ngày hội việc làm
>> Ngày hội việc làm
>> Ngày hội việc làm phụ nữ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.