Thi trắc nghiệm toán có làm hỏng tư duy toán học?

15/09/2016 14:27 GMT+7

Dự thảo đổi mới thi THPT quốc gia 2017 đề cập tới một số vấn đề quan trọng, trong đó sử dụng các bài thi trắc nghiệm cho môn toán đang được tranh luận sôi nổi hơn cả.

Đại diện Hội Toán học Việt Nam lo lắng điều này sẽ làm phá hỏng mục tiêu đào tạo ra những con người “có phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề”.
Thực tế này dưới góc độ của khoa học giáo dục như thế nào?
Chưa từng có một nghiên cứu thực chứng
Những tranh luận về hình thức thi trắc nghiệm và tự luận cũng như các tác động của chúng tới hoạt động giáo dục có lẽ xuất phát từ khi hình thức thi trắc nghiệm bắt đầu ra đời từ đầu thế kỷ 20. Đến nay, cuộc tranh luận này vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nước. Tuy vậy, chưa từng có một nghiên cứu thực chứng nào khẳng định rằng thi trắc nghiệm trong môn toán làm hỏng tư duy toán học của học sinh (HS). Nếu có một nghiên cứu như vậy, chắc hẳn các bài thi trắc nghiệm được sử dụng rộng rãi như SAT, ACT, GRE, GMAT hay bài thi tuyển sinh đại học môn toán của Hàn Quốc, Thụy Điển, Israel đã không còn được các nền giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục sử dụng.

Tại sao lại chưa có một nghiên cứu thực chứng để chứng minh rằng thi trắc nghiệm làm hỏng tư duy toán học? Vì có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tư duy toán học. Do vậy, rất khó để có thể bóc tách các biến số tác động tới sự phát triển tư duy này và xem xét tác động của thi trắc nghiệm toán tới tư duy toán.
Tiến hành một nghiên cứu giáo dục nhằm kiểm chứng giả thuyết nghiên cứu (hypothesis) sau: “Việc sử dụng thi trắc nghiệm môn toán không làm hỏng tư duy Toán học”. Vì đây là một giả thuyết có tính nguyên nhân-hậu quả (cause and effect) nên để kiểm định, ta cần tiến hành một nghiên cứu thí nghiệm thực chứng (experimental research). Trong đó, ta sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 2 nhóm HS có tính đại diện cho toàn bộ các HS bậc THPT của VN. Sau đó, chúng ta dạy cùng một chương trình toán cho hai nhóm. Trong hai nhóm, lại ngẫu nhiên chọn ra một nhóm để thông báo ngay từ đầu rằng họ sẽ thi hình thức thi trắc nghiệm, Nhóm HS kia được thông báo là thi hình thức thi tự luận. Sau đó, chúng ta cần có một phép đo chính xác tư duy toán học của HS cả hai nhóm và so sánh kết quả của phép đo này bằngcác phương pháp thống kê toán học. Nếu kết quả phép đo tư duy toán học của nhóm thi theo hình thức tự luận cao hơn của nhóm thi theo hình thức trắc nghiệm và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê thì ta mới có đủ căn cứ để bác bỏ giả thuyết nghiên cứu trên. Nếu vậy, ta có thể nói rằng thi trắc nghiệm toán làm hỏng tư duy của HS.
Một nghiên cứu như vừa mô tả là rất khó khả thi. Chúng ta khó có thể kiểm soát hết được các biến số ảnh hưởng đến kết quả thực nghiệm như chất lượng giáo viên, môi trường giáo dục. Chúng ta cũng khó có thể có được một thước đo hoàn toàn chính xác tư duy toán học của HS. Do vậy, có thể nói rằng trong điều kiện hiện tại, không thể có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định rằng thi trắc nghiệm môn toán sẽ làm hỏng tư duy toán của HS với một mẫu đủ lớn.

Lo lắng không cần thiết
Như đã phân tích, tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có nghiên cứu có căn cứ thực chứng xác đáng nào khẳng định rằng việc thi tốt nghiệp trắc nghiệm toán ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy toán học của HS. Một số kinh nghiệm từ Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Điển, Isarel cũng không cho thấy có mối liên hệ nhân quả giữa chính sách sử dụng bài thi trắc nghiệm môn toán và tư duy toán học của HS, sinh viên cũng như thành quả của cả một nền toán học của một đất nước.
Lo ngại của những người có chuyên môn về toán học về vấn đề này là có thể hiểu được. Tuy nhiên, chính sách sử dụng thi trắc nghiệm cho các bài thi tốt nghiệp hay tuyển sinh môn toán là một vấn đề liên lĩnh vực. Nó không chỉ liên quan đến nội tại việc giảng dạy toán học ở phổ thông mà nó còn đến vấn đề sử dụng nguồn lực, đảm bảo công bằng xã hội, giảm áp lực thi cử, học thêm, luyện thi tràn lan. Do luận điểm đề thi trắc nghiệm môn toán có thể làm hỏng tư duy toán của HS còn thiếu căn cứ thực chứng trên mẫu đại diện nên việc đưa ra những quyết định lựa chọn phương thức thi nào dựa trên một luận điểm chưa chắc chắn như vậy là điều không hợp lý.

tin liên quan

Thi trắc nghiệm nếu chuẩn bị tốt
Dư luận đang tập trung vào việc Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức thi trắc nghiệm môn toán kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Có khá nhiều ý kiến phản biện phương án này.

Đại diện Hội Toán học cũng bày tỏ quan ngại rằng, nếu thi tốt nghiệp và tuyển sinh môn toán bằng đề thi trắc nghiệm thì mọi loại hình đo lường trong quá trình khác cũng sẽ có thể lạm dụng phương thức này. Tuy nhiên, đây là một lo lắng không cần thiết. Thứ nhất, việc ra đề và sử dụng các đề thi tự luận sẽ dễ dàng, thuận lợi cho giáo viên và các nhà trường hơn việc xạy dựng đề thi trắc nghiệm đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể đề ra các chính sách điều chỉnh các hoạt động đo lường trong quá trình để các công cụ này hướng tới đo lường hiệu quả quá trình học tập, tư duy toán học, khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề ở HS. Các công cụ đánh giá trong quá trình sẽ góp phần định hướng việc học tập, giảng dạy lành mạnh, có tính giáo dục cao mà chúng ta đang hướng đến. Bài thi cuối quá trình sử dụng trắc nghiệm với các câu hỏi cần ít thời gian trả lời, không mẹo, không đánh đố sẽ giúp giảm áp lực thi cử, học thêm, dạy thêm vào các năm cuối cấp, đảm bảo tính công bằng, sử dụng hiệu quả nguồn lực giáo dục. Nếu làm được điều này, HS VN sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc rèn luyện thể chất, hoạt động thể thao, đọc sách nâng cao hiểu biết và định hướng nghề nghiệp tốt hơn.

Kinh nghiệm từ các nước
Trên thế giới hiện nay không chỉ có một mình Mỹ đang sử dụng các bài thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học môn toán bằng hình thức trắc nghiệm. Trong nhiều năm qua, các nước khác như Hàn Quốc, Thụy Điển, Israel cũng đã sử dụng dạng thức thi trắc nghiệm cho các bài thi tuyển sinh vào đại học. Một số nước khác ở Châu Phi như Malawi cũng đã dùng dạng thức này cho các bài thi cuối quá trình.
Các kỳ thi tuyển sinh đại học của Thụy Điển hay Isarel cho tất cả các môn, kể cả môn toán, đều là thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, rất khó có thể khẳng định rằng HS, sinh viên của Hàn Quốc, Thụy Điển, hay Isarel có tư duy toán yếu.
Hơn thế nữa, nếu nhìn vào thành quả và những đóng góp của nền toán học của các nước này cho tri thức nhân loại, cho nền khoa học kỹ thuật của chính nước họ, chúng ta cũng không thể đồng tình với nhận định rằng việc thi tuyển sinh đại học môn toán bằng hình thức thi trắc nghiệm đã làm hỏng tư duy toán học của HS, sinh viên của các nước này.

Nhìn rộng hơn, ta cũng thấy khó có thể kết luận về mối liên hệ nhân quả giữa dạy thêm,học thêm và thi trắc nghiệm. Dạy thêm, luyện thi tràn làn có lẽ mang yếu tố văn hóa hơn là có nguyên nhân từ dạng thức đề thi. Kinh nghiệm gần đây từ việc tổ chức thi của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy rằng nhu cầu và áp lực luyện thi để làm tốt bài thi này là thấp hơn đáng kể so với hình thức thi tự luận trên giấy của môn toán từ xưa tới nay.
Do các câu hỏi trắc nghiệm không yêu cầu HS phải biết các mẹo mực, kỹ thuật lắt léo để tìm ra đáp số hoặc đáp án nên nhu cầu cũng như thời lượng cần để luyện thi giảm đáng kể. HS Mỹ nói chung ít khi phải tham gia các khóa luyện thi căng thẳng, kéo dài cả năm trời để chuẩn bị cho kỳ thi. Các tổ chức khảo thí như ACT hay College Board luôn gửi thông điệp đến thí sinh của họ rằng “học tốt chương trình ở trường là cách tốt nhất để chuẩn bị cho kỳ thi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.