Thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh và nhà trường 'thở phào', chờ văn bản chính thức

29/04/2020 09:44 GMT+7

Sau sự điều chỉnh của Bộ GD-ĐT từ lấy 1 đầu điểm của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội thành 3 đầu điểm, các học sinh và nhà trường 'thở phào' nhẹ nhõm.

Lý do quan trọng vì cuối cùng Bộ GD-ĐT cũng đã tuyên bố: bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội tính 1 đầu điểm để xét tốt nghiệp nhưng vẫn được chấm và công bố điểm các môn thi thành phần. Việc tách điểm môn thi thành phần này sẽ giúp các trường và thí sinh tiếp tục ôn thi như cũ để có thể đăng ký theo các khối thi và tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH.
Tuy nhiên, vì thời gian gần đây phương án và các nội dung liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT liên tục thay đổi nên các nhà trường đều bày tỏ mong muốn Bộ sớm ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức thi để các trường yên tâm ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi này.
Theo một giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), học sinh và giáo viên đang rất quan tâm và mong Bộ GD-ĐT sớm làm rõ môn thi tổ hợp sẽ gồm bao nhiêu câu hỏi ở mỗi môn thành phần khi Bộ dự kiến rút ngắn thời gian thi? Điểm mỗi môn thành phần sẽ được chấm theo thang điểm 10 như năm trước hay thang điểm bao nhiêu khi Bộ vẫn tính 1 đầu điểm để xét tốt nghiệp?...
N.T.A, học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết dù đã có thể yên tâm vì bớt xáo trộn trong việc ôn tập vì kỳ thi trở về tương tự năm 2019 dù đổi tên là tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh vẫn đang mong ngóng phương án tuyển sinh chính thức từ các trường ĐH. Hầu hết các thí sinh đều có chung một mong muốn, sau khi Bộ GD-ĐT tuyên bố kỳ thi năm nay không thay đổi nhiều so với năm trước thì các trường ĐH sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh, nâng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT để thí sinh không phải thi nhiều lần với nhiều phương án khác nhau.
Tại TP.HCM, sau khi biết sự điều chỉnh này, các học sinh lớp 12 rất vui vì được giữ sự ổn định theo định hướng ôn tập mà các em đã chuẩn bị từ đầu năm, thậm chí từ năm lớp 10. Nếu không thay đổi lại kịp thời, các em phải choàng cùng lúc nhiều môn học trong tổ hợp các môn xét tuyển mà mình không thích, không có sở trường.
Các trường ĐH cũng an tâm hơn khi không cần điều chỉnh các phương án tuyển sinh đã xây dựng từ ban đầu.
Đây là tín hiệu tích cực đáng hoan nghênh trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dư luận từ Bộ GD-ĐT.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.